Trầm tích làng Việt Pleiku-Kỳ cuối: Chung một con đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mang tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của dải đất miền Trung; nuôi sẵn lòng căm thù ách áp bức, bọc lột đối với bọn phong kiến-thực dân, đến lập nghiệp trên một miền đất giàu truyền thống chống đế quốc xâm lược, người dân những làng Việt đã nhanh chóng hòa mình vào phong trào cách mạng của dân tộc, để lại cho đời những tên làng, tên người sáng mãi với thời gian.
Gia Tường-làng cách mạng
Xuôi theo quốc lộ 19B đến cuối chân núi Hàm Rồng, ta gặp ngay những dãy nhà trải dài hai bên đường kế bên những dòng chè như sóng lượn, soi mình bên dải hồ lóng lánh dưới nắng mặt trời. Nhìn phong cảnh yên bình, nên thơ này, có lẽ không nhiều người biết đây là ngôi làng cách mạng điển hình đã đi suốt những chặng đường ác liệt nhất trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
 Một góc xã An Phú (TP. Pleiku) hôm nay. Ảnh: Quang Tấn
Một góc xã An Phú (TP. Pleiku) hôm nay. Ảnh: Quang Tấn
Năm 1925, thực dân Pháp lập ra đồn điền chè Bàu Cạn. Công nhân lúc đầu được mộ từ các tỉnh phía Bắc, sau không chịu nổi cực khổ, họ bỏ trốn quá nhiều, các ông chủ mới quay sang các tỉnh miền Trung. Làng Gia Tường ra đời khoảng 1 năm sau đó với khoảng 40 hộ, chủ yếu là công nhân đồn điền và người buôn bán nhỏ. Tuy không phải trải qua chương vỡ đất gian khổ như các làng ở An Phú hay Tiên Sơn nhưng theo các bậc cao niên thì khu vực xung quanh Bàu Cạn lúc bấy giờ còn là rừng già, những công nhân đầu tiên bị sốt chết la liệt. Khổ cực trăm bề lại thêm bọn cai, ký đè nén, trù úm. Chứng kiến ách áp bức, bóc lột của thực dân, bản thân đồng thời cũng là nạn nhân, người làng Gia Tường đã sớm đến với cách mạng. Khoảng năm 1956-1957, Gia Tường đã có cơ sở cách mạng là vợ chồng ông Nguyễn Vệ (Xã Hữu). Và cũng từ đây, tinh thần cách mạng bắt đầu bùng cháy. Mặc dù vẫn nằm trong vùng địch nhưng chúng chỉ kiểm soát được ban ngày, còn đêm là của ta. Thời điểm ác liệt nhất của làng là năm 1970 do sự phản bội của tên Lắm. Lắm nguyên là Đại đội phó trinh sát B3. Do bất mãn, Lắm đi “chiêu hồi” rồi chỉ điểm cho địch. Nhiều cơ sở bị bắt, số khác bị truy lùng gắt gao phải dạt ra Pleiku. Mặc dù bị địch đàn áp khốc liệt, người dân Gia Tường vẫn không nao núng. Phong trào chỉ tạm lắng một thời gian rồi lại khôi phục. Các ông Nguyễn Đàn, Tạ Quang Kim, Lê Tiến Hồng, Phan Kỳ… hoạt động ở vùng này vẫn được bà con tiếp tế, che chở an toàn. Trong những thời điểm ác liệt, không chỉ các cơ sở trung kiên, nhiều thiếu niên đã dũng cảm tham gia cách mạng. Một trong số đó là ông Dương Minh Long. Ông Long chia sẻ: “Bấy giờ, tôi mới 13 tuổi. Trước tình hình địch o ép ngày càng gắt gao, thấy người lớn khó tiếp cận để theo dõi tình hình địch, các chú quyết định “nhắm” tôi. Thấy tôi đồng ý một cách hăng hái, chị Liên-con ông cậu-dẫn ra rừng gặp ông Nguyễn Đàn để “giác ngộ” và nhận nhiệm vụ. Hàng ngày, lúc thì tôi vờ đi câu, lúc thì giả đi bắn chim để nắm tình hình. Chẳng hạn, hôm nay xe địch chạy trên đường bao nhiêu chiếc, chở bao nhiêu lính, đi về hướng nào; trong căn cứ có động tĩnh gì khác thường… Tình hình hoạt động của địch từng ngày như thế sẽ được đưa ra hộp thư bí mật ngoài rừng. Tôi đã hoàn thành tất cả nhiệm vụ được giao một cách trót lọt. Bây giờ nhớ lại vẫn không hiểu sao ngày ấy mình gan dạ thế, gần như chẳng biết sợ là gì, ngay cả những công việc khó khăn nhất như tiếp cận Sân bay Bàu Cạn để vẽ sơ đồ hay quãng thời gian từ năm 1967 đảm nhận việc chuyển thư, tài liệu từ thị xã vào căn cứ trong điều kiện địch kiểm soát vô cùng gắt gao”.
Ông Dương Minh Long-Người 13 tuổi đã bước chân vào con đường Cách mạng. Ảnh: Ngọc Tấn
Ông Dương Minh Long-Người 13 tuổi đã bước chân vào con đường Cách mạng. Ảnh: Ngọc Tấn
Nói “Gia Tường-làng cách mạng”, tôi muốn nói đến nội hàm đầy đủ của cụm từ này. Có lẽ, ở Gia Lai không có nhiều ngôi làng mà mọi thành viên trong gia đình đều tham gia cách mạng như Gia Tường. Như gia đình ông Long: mẹ ông-bà Nguyễn Thị Hẵng, vợ chồng anh cả Dương Văn Mai-Nguyễn Thị Thu, anh kế Dương Bông; 2 người con là Dương Thị Thu Vân, Dương Thị Phương đều tham gia hoạt động cách mạng. Hay như gia đình ông Nguyễn Vệ: Bản thân ông, vợ là Nguyễn Thị Tâm cùng 4 con Nguyễn Khiếm, Nguyễn Hùng, Nguyễn Thiên, Nguyễn Thị Liên, tất cả đều tham gia cách mạng. Đặc biệt là ông Nguyễn Thiên, tuy bị câm vẫn đảm nhận việc trinh sát tình hình địch để chuyển ra căn cứ cho ta… Một gia đình khác là nhà ông Nguyễn Tư: ông cùng 2 con Nguyễn Văn Phong, Nguyễn Thị Chi đều là cơ sở bí mật. Xin được nói thêm là 2 ông Nguyễn Vệ, Nguyễn Tư chính là cậu ruột của ông Dương Minh Long. Một đại gia đình cách mạng. Ông Long cho biết thêm, ở Gia Tường có 7-8 gia đình như thế; còn gia đình có người tham gia hoạt động cách mạng thì khoảng 24-25 nhà; mà Gia Tường bấy giờ chỉ chưa đầy 40 hộ.
Những cuộc đời sáng mãi với thời gian
Người đầu tiên tôi muốn kể là ông Trần Xi. Lịch sử Đảng bộ Gia Lai, lịch sử Đảng bộ TP. Pleiku đều viết về ông. Và dù thời gian đã lùi xa hơn 70 năm, các vị cao niên ở Tiên Sơn vẫn nhớ ông với những câu chuyện được truyền tụng về một chiến sĩ cách mạng kiên trung và vợ ông-bà Nguyễn Thị Khánh-một biểu tượng của tình yêu chung thủy, sắt son. 
Ông Trần Xi xuất thân trong một gia đình Công giáo nghèo ở Tiên Sơn nhưng có học qua trường dòng, giữ chức câu biện trong họ đạo. Nhờ tiếp xúc với các ông Nguyễn Bá Hòe, Nguyễn Duy Triêm ở đồn điền chè Biển Hồ, ông Xi được giác ngộ cách mạng rồi hoạt động bí mật, gây dựng cơ sở ở vùng Tam Sơn. Ông Nguyễn Bá Sạch (thôn Tiên Sơn 2, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) hồi nhớ: Theo lời cha tôi kể lại thì bác tôi-ông Nguyễn Xay tham gia cách mạng rồi gia nhập Vệ quốc đoàn chính là nhờ sự giác ngộ của ông Trần Xi. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Xi trở thành vị chủ tịch đầu tiên của xã Tiên Sơn (nay là xã Tân Sơn). Khi thực dân Pháp tái chiếm Pleiku, ông rút vào hoạt động bí mật, xây dựng cơ sở kháng chiến. Mặc dù biết rất rõ và nhiều lần tổ chức bố ráp nhưng Pháp không thể nào bắt được ông. Ông Xi hóa trang rất tài tình. Mỗi lần đi hoạt động, ông lấy bồ hóng trộn đất bôi lên khắp người rồi đóng khố, đi chân đất, miệng ngậm tẩu thuốc, lưng giắt con dao. Trong bộ dạng một người Jrai bản địa như thế, nhiều lần ông Xi ung dung đi qua trước mặt bọn lính Pháp đang lùng sục mà chúng không hay biết. Ông thoát khỏi sự truy lùng của địch tài tình đến mức người dân đồn nhau là ông Xi có phép... tàng hình, “xuất quỷ nhập thần”. Năm 1954, ông Xi tập kết ra Bắc, để lại người vợ lúc này chưa đến 30 tuổi, vẫn chưa có con.
Ông Nguyễn Bá Sạch (bìa trái) và người em trai-thế hệ thứ 2 khai phá vùng đất Tiên Sơn. Ảnh: Ngọc Tấn
Ông Nguyễn Bá Sạch (bìa trái) và người em trai-thế hệ thứ 2 khai phá vùng đất Tiên Sơn. Ảnh: Ngọc Tấn
Năm 1996, tôi đã có dịp gặp bà Nguyễn Thị Khánh. Bấy giờ, bà đang sống trong một căn nhà nhỏ ở đường Nguyễn Du, gần trụ sở Hội Nông dân tỉnh bây giờ. Trong câu chuyện nhiều lần ngắt quãng bởi dòng nước mắt, bà Khánh kể cho tôi nghe nỗi chờ mong đằng đẵng người chồng yêu quý suốt một cuộc đời. Khi ông Xi đi tập kết, bà cũng như nhiều người vẫn tin rằng, chỉ sau 2 năm đất nước sẽ thống nhất, chồng sẽ về sum họp. Nhưng chính quyền Ngô Đình Diệm đã phản bội Hiệp định Genève. Những gia đình có người thân đi tập kết như bà buộc phải “tố Cộng”, thậm chí còn bị cưỡng bức lấy người “quốc gia”. Để tránh sự o ép của địch, bà Khánh bỏ làng ra Pleiku buôn bán đắp đổi qua ngày. Dù không nhận được chút tin tức gì về chồng, bà vẫn một niềm thủy chung chờ đợi, tin chắc sẽ có ngày đất nước thống nhất, ông Xi sẽ trở về. Nhưng rồi, ông Xi đã không trở về. Bà đã ra đi với một mối tình chung thủy, không gợn chút bụi trần gian.
Làng Tiên Sơn hôm nay.Ảnh: Ngọc Tấn
Làng Tiên Sơn hôm nay. Ảnh: Ngọc Tấn
Ở xã An Phú, nghe nhắc đến bà Võ Thị Huệ thì gần như ai cũng biết. Suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, bà là cơ sở cách mạng trung kiên nhất ở vùng này. Tuy nhiên, điều khiến người ta phải biết đến nhiều hơn là người phụ nữ này đã dám chấp nhận mọi sự hy sinh, mọi đắng cay của cuộc đời vì lý tưởng cách mạng. Quê gốc ở xã Cát Hanh, Phù Cát, Bình Định-một vùng quê giàu truyền thống yêu nước, vừa vào tuổi trăng tròn, bà Huệ đã tham gia hoạt động cách mạng rồi nên duyên với ông Diệp Thỏa-một chiến sĩ Vệ quốc quân. Năm 1954, ông Thỏa đi tập kết, để lại cho bà đứa con trai chưa đầy tuổi. Những năm 1955-1957, Mỹ-Diệm tiến hành “tố Cộng”, đàn áp cách mạng hết sức khốc liệt, để bảo vệ giọt máu của chồng và tạo bình phong tiếp tục hoạt động, bà Huệ phải cho con mang họ mình và cắn răng lấy ông Nguyễn Tục-một người lính địa phương quân. Tuy vậy, những hoạt động của bà vẫn không qua được mắt địch, bà bị bắt và tra tấn dã man. Ra tù, thấy khó trụ được ở quê, năm 1970, bà dắt theo con trai lên An Phú móc nối cơ sở, tiếp tục hoạt động cách mạng. Một thời gian sau, ông Tục cũng theo lên. Đây là quãng thời gian thấm đẫm nước mắt của bà. Là vợ chồng nhưng giữa 2 người là 2 chiến tuyến, xung đột xảy ra luôn. Ông Võ Thế Công-người con trai cả của bà Huệ-nhớ lại: “Mỗi tháng, má tôi và ông Tục cãi lộn, xô xát nhau kể cũng phải hàng chục lần”. Thấy sự cảm hóa của mình đã cạn, bà Huệ đã phải đề nghị cơ sở đưa ông Tục ra rừng giáo dục. Sự hăng hái của ông Tục có bớt nhưng đã cầm súng, nhận tiền của địch, ông cũng khó làm ngơ được mọi hoạt động của bà. Nhưng dù “địch” ở ngay bên mình, dù nhất cử nhất động bị tai mắt xung quanh dòm ngó, không gì có thể làm bà chùn bước. Có những thời điểm quá ác liệt, bà Huệ phải giả điên, cởi cả quần áo đi lang thang để đánh lạc hướng địch. Đến năm 1972, bà bị địch bắt, đưa lên giam ở Nhà lao Pleiku. Bị tra tấn dã man, ra tù, bà bị ảnh hưởng thần kinh nặng. Thấy vậy, tổ chức cho bà ra căn cứ… Ngày giải phóng, trong khi biết bao người mãn nguyện với niềm vui sum họp thì bà vẫn còn một “chiến tuyến” hiện hữu từng ngày. Để giải thoát nỗi đau khổ, dằn vặt đã đi gần hết cuộc đời, bà và ông Tục quyết định sống ly thân… Cũng có một niềm an ủi đến với bà là sau ngày giải phóng một thời gian, người chồng cũ của bà-ông Diệp Thỏa lần hồi tìm được địa chỉ vào thăm. Nhưng tất cả đã quá muộn. Họ chỉ còn biết ôm nhau với dòng nước mắt buồn tủi, đắng cay…
Cũng như ông Trần Xi, bà Võ Thị Huệ được lịch sử Đảng bộ TP. Pleiku lưu danh với những dòng trang trọng. Giờ thì tên tuổi của bà cùng bao lớp người từng đổ mồ hôi và máu trên đất này đã hóa trầm tích để có hôm nay những xóm làng trù phú, yên bình. Cầm trên tay chiếc lá của cây bàng trăm tuổi trồng trước đình An Mỹ, tôi như nghe tiếng vọng của nước non, tiếng hồn người xưa bất khuất vọng về…
NGỌC TẤN