(GLO)- Cũng như cả nước, sự duy trì quá lâu cơ chế quan liêu bao cấp đã kìm hãm sức sản xuất, khiến tiềm năng đất đai, lao động không được khai thác, phát huy. Đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng.
Khắc phục khó khăn, yếu kém
Với cơ chế quan liêu bao cấp kéo dài, trước Đại hội lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986) và Đại hội lần thứ IX của Đảng bộ tỉnh Gia Lai (tháng 10-1986), tình hình kinh tế-xã hội của Gia Lai gặp vô vàn khó khăn. Tốc độ phát triển kinh tế chậm; sản xuất nông nghiệp là thế mạnh của Gia Lai, nhưng tại thời điểm năm 1985, sản lượng lương thực chỉ bằng năm 1980, trong khi dân số tăng cơ học nhanh, mất cân đối lương thực nghiêm trọng. Các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, tài chính, thương mại không phát triển được bao nhiêu; hạ tầng sản xuất không được đầu tư, các công trình xây dựng cơ bản, thủy lợi, giao thông... xuống cấp nghiêm trọng. Lĩnh vực văn hóa-xã hội cũng rơi vào tình trạng kém phát triển. Tình hình an ninh, trật tự xã hội chưa ổn định. Bọn FULRO do thế lực phản động bên ngoài kích động, tiếp sức tăng cường chống phá chính quyền. Hệ thống chính trị ở cơ sở hoạt động yếu kém, nhiều nơi bị FULRO khống chế; thậm chí có nơi cán bộ, đảng viên hoạt động “hai mang”, bảo vệ, che chở, nuôi giấu, tiếp tế cho FULRO.
Đứng trước tình hình đó, Tỉnh ủy chủ trương tăng cường hàng trăm cán bộ về cơ sở, cùng với việc củng cố hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng lãnh đạo của cấp ủy Đảng ở cơ sở, truy quét bọn phản động FULRO lẩn trốn ngoài rừng và bóc gỡ cơ sở ngầm của chúng trong dân; tuyên truyền, kêu gọi bọn phản động ra trình diện với chính quyền. Ổn định được tình hình an ninh chính trị, phát động phong trào thi đua sản xuất trong Nhân dân, giải quyết vấn đề lương thực, cứu đói những vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chăm lo việc phòng bệnh, chữa bệnh, việc học hành cho con em... Từng bước khắc phục bệnh quan liêu, xa dân của cán bộ, đảng viên. Từ đó, tình hình mọi mặt ở cơ sở dần ổn định.
Đô thị Pleiku ngày càng khang trang và hiện đại. Ảnh: Quang Tấn |
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đã chỉ ra những khuyết điểm, yếu kém, tìm nguyên nhân để khắc phục và đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp phù hợp tình hình khách quan, sát với thực tế địa phương. Do đó, những năm đầu thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được những thành tựu quan trọng. Nhất là việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn: lương thực, thực phẩm; hàng tiêu dùng; hàng xuất khẩu. Gia Lai có tiềm năng đất đai rộng lớn, nhiều vùng phù hợp với các loại cây công nghiệp. Tiềm năng đó đã được quy hoạch, khai thác khá hiệu quả. Thời điểm những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, rừng tự nhiên và lâm đặc sản dưới tán rừng còn nhiều, rất đa dạng và phong phú; việc khai thác, chế biến xuất khẩu khá thuận lợi. Từ đó, đời sống nhân dân bước đầu ổn định. Các mặt văn hóa-xã hội đạt được những kết quả quan trọng...
Những thành tựu về kinh tế-xã hội đáng ghi nhận
Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Gia Lai đã đạt những thành tựu to lớn. Tốc độ tăng trưởng (GRDP) bình quân hàng năm đạt 7,83%; quy mô kinh tế tăng đáng kể, GRDP đến năm 2020 đạt 80.990 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 là 52,54 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đến năm 2020, tỷ trọng ngành nông-lâm nghiệp, thủy sản chiếm 36,75%; công nghiệp, xây dựng chiếm 28,74%; dịch vụ chiếm 34,51%... Riêng năm 2021, tuy tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song cấp ủy và chính quyền các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương vừa phòng-chống dịch, vừa tích cực phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Vì thế, nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội tiếp tục hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch: Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) đạt 9,71% so với năm 2020; GRDP bình quân đầu người đạt 56,31 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 7.592 tỷ đồng (bằng 150,4% nghị quyết đề ra, tăng 65,3% so với năm 2020). Tổng vốn đầu tư phát triển đạt 70 ngàn tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch, tăng 2,42 lần so với năm trước). Giá trị sản xuất công nghiệp, nông-lâm nghiệp, thủy sản đạt kế hoạch đề ra. Các dự án kêu gọi đầu tư được đẩy nhanh tiến độ, nhất là các dự án năng lượng tái tạo. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội, khoa học-công nghệ, thông tin-truyền thông tiếp tục có bước phát triển. Các vấn đề bức xúc xã hội được tập trung xử lý; an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo...
Các lĩnh vực văn hóa-xã hội có bước phát triển đáng ghi nhận. Cơ sở vật chất trường lớp học, phương tiện, trang-thiết bị phục vụ cho việc dạy-học, khám-chữa bệnh cho người dân được đầu tư xây dựng khang trang; chất lượng dạy và học, khám-chữa bệnh được nâng lên, đội ngũ giáo viên và thầy thuốc tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, hộ nghèo...
Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Gia Lai đã đạt những thành tựu to lớn; trong đó, tốc độ tăng trưởng (GRDP) bình quân hàng năm đạt 7,83%, quy mô kinh tế tăng đáng kể. Ảnh: Đức Thụy |
Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, đến nay, toàn tỉnh đã có 91 xã, 3 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới. Vùng nông thôn của Gia Lai ngày càng thay đổi, kết cấu hạ tầng phục vụ cho sản xuất và xã hội được đầu tư xây dựng. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận người dân được cải thiện và ngày càng nâng cao.
Trật tự xã hội ổn định, quốc phòng-an ninh được giữ vững. Hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng được củng cố và hoạt động có hiệu quả, lòng tin của người dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền được củng cố. Đó là những thành tựu to lớn đã đạt được sau những năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra mục tiêu, nhiệm vụ với quyết tâm cao: Tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, xây dựng Gia Lai phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu trong tương lai gần trở thành vùng động lực kinh tế khu vực Tây Nguyên.
Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh và 47 năm Ngày giải phóng Gia Lai, chúng ta ôn lại truyền thống đoàn kết, anh dũng hy sinh, chiến đấu và xây dựng, bảo vệ tỉnh nhà và tự hào về sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của Đảng bộ, chính quyền các cấp qua các thời kỳ, sự cần cù lao động sáng tạo, cống hiến của đồng bào các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh.
ĐOÀN MINH PHỤNG