Những chặng đường lịch sử vẻ vang - Kỳ 1: Từ chiến dịch đến chiến dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trải qua 90 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là 47 năm sau ngày giải phóng, quân và dân Gia Lai đã đoàn kết vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Suốt chiều dài lịch sử ấy ghi nhận và tự hào về sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của Đảng bộ, chính quyền các cấp và sự cần cù lao động, sáng tạo của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Mở đầu cho quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của quân và dân miền Nam nói chung, Tây Nguyên nói riêng là trận quyết chiến của bộ đội Mặt trận Tây Nguyên (B3) và quân, dân Gia Lai với Sư đoàn không vận số 1 của Mỹ trong Chiến dịch Plei Me năm 1965. Tiếp đến, thắng lợi trọn vẹn từ Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3-1975 đã góp phần làm suy yếu nhanh chóng ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, tạo đà cho quân ta thừa thắng xông lên giành thắng lợi vẻ vang trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975.

Vị trí chiến lược

Các nhà nghiên cứu từ trước đến nay luôn cho rằng, Tây Nguyên có vị trí chiến lược cả về chính trị, kinh tế, đặc biệt là quân sự. Có người còn khẳng định rằng, ai chiếm giữ, làm chủ được Tây Nguyên thì làm chủ cả Đông Dương. Trong đó, Gia Lai có vị trí đặc biệt, nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, diện tích tự nhiên lớn nhất so với các tỉnh trong khu vực, lại án ngữ trên đỉnh cao nguyên Pleiku, là “mái nhà” của các tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam và Đông Bắc Campuchia; giao điểm của nhiều tuyến quốc lộ quan trọng. Nhận biết điều đó, khi bị thất bại trong chiến lược chiến tranh đặc biệt, đế quốc Mỹ đưa quân vào miền Nam thực hiện chiến lược chiến tranh cục bộ. Nơi mà quân đội Mỹ chọn để đổ bộ Sư đoàn không vận số 1 vào miền Nam là Tây Nguyên và chọn An Khê (Gia Lai) đồn trú.

Sư đoàn không vận số 1 là một trong những sư đoàn cơ động chiến đấu lớn nhất của quân đội Hoa Kỳ thời điểm đó, với hơn 16.000 binh sĩ được tổ chức thành 4 lữ đoàn chiến đấu và một số đơn vị hỗ trợ; được trang bị trên 450 máy bay trực thăng, hơn 1.600 xe các loại, được xem là đơn vị sở hữu lượng trực thăng nhiều nhất. Tại chiến trường Việt Nam, Sư đoàn không vận số 1 cùng với Sư đoàn không vận 101 được Mỹ thử nghiệm chiến thuật mới: đổ bộ tấn công đường không bằng trực thăng. Phạm vi tác chiến chủ yếu của chúng là ngăn chặn sự có mặt của các đơn vị quân chủ lực của ta trên chiến trường Tây Nguyên và Trung Trung Bộ, chia cắt Tây Nguyên với đồng bằng duyên hải miền Trung bởi quốc lộ 19, khống chế các tuyến hành lang Bắc-Nam, Đông-Tây qua Gia Lai.

Bia di tích lịch sử Chiến thắng Plei Me (xã Ia Ga, huyện Chư Prông). Ảnh: Phương Duyên
Bia di tích lịch sử Chiến thắng Plei Me (xã Ia Ga, huyện Chư Prông). Ảnh: Phương Duyên


Thực hiện âm mưu thủ đoạn nói trên, quân đội Mỹ đã gây cho ta rất nhiều khó khăn, chúng biến Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung thành chiến trường vô cùng ác liệt. Địch mở nhiều trận càn quét quy mô hàng trung đoàn với phi pháo yểm trợ nhằm đánh phá các vùng căn cứ của cách mạng, gây nhiều thiệt hại cho đồng bào, chiến sĩ của ta. Bên cạnh đó, Pleiku-Gia Lai còn là căn cứ của Quân đoàn II, Quân khu II quân đội Sài Gòn. Ngoài Sư đoàn không vận số 1, cũng trong năm 1965, Mỹ đưa thêm Lữ đoàn 3-Sư đoàn 25 bộ binh, được mệnh danh là “Tia chớp nhiệt đới”; Lữ đoàn dù 173 và sau đó là Sư đoàn 4 bộ binh tăng cường vào chiến trường Gia Lai. Chúng lập căn cứ ở thị xã Pleiku. Chỉ tính riêng trong năm 1965, Mỹ-ngụy đã tiến hành liên tiếp 959 cuộc càn quét với quy mô cấp trung đoàn nhằm đánh phá vùng căn cứ, hành lang, kho tàng, lấn chiếm ra vùng giải phóng của ta, gom dân vào các ấp chiến lược. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong các trận càn quét đó, Mỹ-ngụy đã giết hại 570 người dân vô tội, làm bị thương 330 người khác, gom gần 30.000 dân vào các khu dồn, ấp chiến lược. 322 cán bộ, chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh. Điều đó nói lên cùng với Tây Nguyên, Gia Lai có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, mà đối phương đã quyết tâm chiếm giữ trong suốt cuộc chiến tranh xâm lược nước ta.

Quân Mỹ sa vào bẫy “Vây đồn, đánh viện”

Khi đổ bộ vào An Khê, Sư đoàn không vận số 1 của Mỹ chưa kịp “tìm diệt bộ đội chủ lực” thì đã bị quân chủ lực Mặt trận Tây Nguyên dẫn dụ đến trận địa mà ta đã chuẩn bị sẵn ở thung lũng Ia Drăng (huyện Chư Prông) để tiêu diệt. Đêm 19-10-1965, Chiến dịch Plei Me bắt đầu. Với chiến thuật “vây đồn, đánh viện”, “nắm thắt lưng địch mà đánh”, quân ta đã mưu trí, dũng cảm chiến đấu khiến cho Sư đoàn không vận số 1 bị thua trận và chịu thiệt hại nặng nề.

Đồn biệt kích Plei Me (huyện Chư Prông) bị ta bao vây. Trước nguy cơ bị xóa sổ, quân đội Mỹ đưa một bộ phận của Sư đoàn không vận số 1 từ căn cứ An Khê đổ bộ vào khu vực địa bàn của chiến dịch bằng đường không nhằm giải vây cho lực lượng tại đồn này và chúng đã sa lầy vào bẫy của ta. Chiến dịch Plei Me kéo dài hơn một tháng. Chiến dịch được sử sách ghi nhận: “...Trong hơn một tháng chiến đấu, chủ động, liên tục tiến công bằng chiến thuật “vây đồn, đánh viện”, bộ đội chủ lực ta với sự hỗ trợ của lực lượng địa phương, dân quân, du kích đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.700 tên Mỹ, 1.270 tên ngụy; diệt gọn Tiểu đoàn 1, đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 2 (Sư đoàn không vận số 1)-”niềm hy vọng lớn nhất của Lục quân Mỹ”; bắn rơi 59 máy bay lên thẳng, phá hủy 89 xe quân sự... Sư đoàn không vận số 1 của Mỹ cơ động bằng máy bay lên thẳng lần đầu tiên xuất hiện trong chiến tranh Việt Nam đã bị Quân Giải phóng đánh bại trên chiến trường...”.

Chiến dịch Plei Me là trận mở đầu đánh Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên. Thắng lợi của chiến dịch này đã mở ra niềm tin chắc chắn rằng bộ đội chủ lực của ta hoàn toàn có thể đối đầu và đánh thắng quân đội Mỹ cũng như đồng minh của chúng tại Tây Nguyên và trên chiến trường miền Nam. Không chỉ vậy, chiến thắng Plei Me còn thể hiện sự linh hoạt và sáng tạo của Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên trong việc triển khai nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch.

Quân ngụy tháo chạy khỏi Tây Nguyên

Ngày 4-3-1975, Chiến dịch Tây Nguyên mở màn. Đến ngày 10-3, ta đã giải phóng Buôn Ma Thuột (tỉnh Đak Lak). Liền sau đó, biết không thể chống cự lại sức mạnh của quân và dân ta, chính quyền Sài Gòn buộc phải bỏ Tây Nguyên bằng cuộc tháo chạy tán loạn theo liên tỉnh lộ 7 từ Gia Lai xuống Phú Yên vào ngày 16-3-1975.

Nhắc lại bối cảnh lúc đó, sau Hiệp định Paris được ký kết (ngày 27-1-1973), tình hình ở Gia Lai chuyển biến theo hướng có lợi cho phong trào cách mạng. Vốn dĩ, Gia Lai có đặc điểm khác biệt với nhiều nơi, là vùng giải phóng của ta và vùng địch tạm chiếm đan xen nhau, gọi là “da hổ, da beo”. Vì thế, khi thực hiện Hiệp định Paris, được sự hỗ trợ của các đội công tác vũ trang và cấp ủy cơ sở, người dân đã bừng bừng khí thế nhất tề phá banh nhiều khu dồn, ấp chiến lược để trở về làng cũ trong vùng giải phóng, vùng căn cứ. Cùng với việc sắp xếp, ổn định nơi ăn ở cho người dân vùng mới giải phóng, các làng, xã thuộc các vùng căn cứ, cấp ủy, chính quyền địa phương đã vận động người dân tích cực lao động sản xuất, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau chống đói, phòng-chống dịch bệnh... Tỉnh cũng đã kịp thời xuất hàng trăm tấn lương thực, muối ăn dự trữ cấp cho người dân.

Thời kỳ ấy, phong trào cách mạng của Nhân dân lên cao, khí thế thi đua lao động tích cực không kể ngày đêm. Nhiều đêm, dù lao động vất vả, song tinh thần được tự do luôn sôi trào nhiệt huyết cách mạng trong Nhân dân. Ở trong rừng già, các khu căn cứ luôn tổ chức những đêm văn công, văn nghệ quần chúng, động viên khí thế tòng quân nhập ngũ của nam nữ thanh niên hướng về tiền tuyến, thi đua góp sức đấu tranh mong đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà: “Trường Sơn chuyển mình/Sông Ba dậy sóng/Quét sạch quân thù/Giải phóng Tây Nguyên”.

Trong bối cảnh ấy, ngày 14-3-1975, tại Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), một cuộc họp kín do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chủ trì, cùng với một số thành viên trong chính phủ ngụy quyền và quân đội Sài Gòn. Tại đây, Nguyễn Văn Thiệu đã quyết định rút lui khỏi Kon Tum và Pleiku. Ngay trong đêm hôm đó, Tướng Phạm Văn Phú-Tư lệnh Quân đoàn II, Quân khu II ngụy đã trở lại Pleiku và kế hoạch bí mật rút lui được thống nhất trong một cuộc họp kín với các sĩ quan cao cấp của Quân đoàn II, Quân khu II. Dù bí mật đến mấy, chúng cũng không thoát khỏi sự truy kích, bao vây, tiêu diệt của Quân Giải phóng trên suốt chặng đường tháo chạy.

Bằng sức mạnh tổng hợp, quân và dân ta đã xóa sổ hoàn toàn Quân đoàn II, Quân khu II ngụy và hệ thống ngụy quyền, giải phóng địa bàn chiến lược Tây Nguyên và một số tỉnh Trung Bộ, làm thay đổi cơ bản so sánh lực lượng, thế chiến lược giữa ta và địch, tạo bước ngoặt quyết định, đưa cuộc tiến công chiến lược của ta phát triển thành tổng tiến công trên toàn miền Nam. Ngày 17-3-1975, tỉnh Gia Lai được hoàn toàn giải phóng!

 

ĐOÀN MINH PHỤNG