(GLO)- Tháng 11-2015, Gia Lai đã đạt 4 tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong theo tiêu chuẩn Việt Nam. Tuy vậy, hơn một năm qua, công tác phòng-chống phong vẫn đang được triển khai chặt chẽ nhằm đạt kết quả bền vững và tiến tới thanh toán bệnh phong trong thời gian tới.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Đồng-Giám đốc Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội tỉnh chia sẻ: “Nhiều người cứ nghĩ rằng đã loại trừ bệnh phong là hết việc, nhưng ở đây là loại trừ chứ không phải thanh toán nên nguy cơ bệnh phong quay trở lại trên địa bàn tỉnh là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Chính vì vậy tiếp tục tăng cường công tác phòng-chống phong sau loại trừ là vấn đề cần được quan tâm”.
Chăm sóc bệnh nhân phong. Ảnh: N.N |
Cùng quan điểm trên, bác sĩ Trần Duy Thạch-Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo Chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Phong-Da liễu Trung ương Quy Hòa, TP. Quy Nhơn, Bình Định) cho biết: Năm 2015, Gia Lai đã đạt loại trừ bệnh phong trên quy mô cấp tỉnh theo quy định của Bộ Y tế, nhưng đây cũng chỉ mới là giai đoạn kiểm soát được bệnh phong bước đầu và còn nhiều cần phải làm nếu muốn tiến tới thanh toán bệnh phong trong thời gian tới. Do đó, Gia Lai cần tập trung công tác truyền thông cho cộng đồng về bệnh phong; tăng cường công tác khám phát hiện; tập trung chăm sóc tàn tật, phục hồi chức năng và quan trọng nhất là xã hội hóa công tác phòng-chống phong trên địa bàn…
“Trong năm 2016, Gia Lai đã phát hiện thêm 11 ca bệnh phong mới, trong số này có 8 ca phát hiện thụ động do người bệnh tìm đến các cơ sở y tế; còn lại khám phát hiện chủ động là 3 ca. Công tác khám phát hiện trong năm qua đã được triển khai tại 36 xã trọng điểm (vùng 2, 3, 4) của 12 huyện, tỷ lệ phát hiện bệnh phong có giảm so với những năm trước. Đây là kết quả tốt trong công tác duy trì các hoạt động phòng-chống phong sau loại trừ bệnh phong. Tính đến nay, tỷ lệ phát hiện bệnh nhân phong trên địa bàn tỉnh đạt 0,78/100.000 dân, tỷ lệ lưu hành bệnh phong đạt 0,07/10.000 dân và tỷ lệ tàn tật độ II trong bệnh nhân phong đạt 9,09% (năm 2016)”-Thạc sĩ Nguyễn Văn Đồng cho biết.
Ngoài ra, theo ông Đồng, về công tác quản lý điều trị và phòng ngừa tàn tật, hiện 100% bệnh nhân phong mới trên địa bàn tỉnh đã được đa hóa trị liệu đúng phác đồ, đúng thời gian quy định và được kiểm tra, giám sát; đồng thời bệnh nhân cũng được hướng dẫn để tự theo dõi các cơn phản ứng phong. Những trường hợp phản ứng phong nặng đã được chuyển về Bệnh viện Phong-Da liễu Trung ương Quy Hòa để kịp thời điều trị. Đáng chú ý, bệnh nhân phong tàn tật được hướng dẫn các kỹ thuật vật lý trị liệu và tự chăm sóc tàn tật tại nhà. Các trường hợp lỗ đáo viêm xương, phẫu thuật chỉnh hình đều đã được chuyển về Bệnh viện Phong-Da liễu Trung ương Quy Hòa để điều trị.
Như Nguyện
Thạc sĩ Nguyễn Văn Đồng-Giám đốc Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội tỉnh: “Bệnh phong lây ít và rất khó lây. Dấu hiệu sớm nhất của bệnh là những vết biến màu trên da, không còn cảm giác nóng, lạnh và đau. Vết trên da có thể chỉ lốm đốm dăm ba chỗ và chứa rất ít vi khuẩn nhưng cũng có thể xuất hiện trên khắp cơ thể. Mặt người bệnh thường sần sùi từng cục nhỏ, mũi xẹp xuống; có nhiều u cục ở dây thần kinh ngoại vi, gần khớp xương như cổ tay, khuỷu tay, đầu gối… Khi phát hiện những dấu hiệu trên, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám và điều trị”. |