Người Jrai "giữ hồn" rối gỗ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo quan niệm của người Jrai, rối gỗ biểu thị nét hồn nhiên, phóng khoáng trong tâm hồn và mong ước về cuộc sống hài hòa với thiên nhiên. Ở Pleiku, hình ảnh rối gỗ trong lễ hội và các bài diễn tấu cồng chiêng hiện không còn nhiều. Bởi lẽ, nghệ nhân chế tác rối gỗ tài hoa hiện chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
1. Phải qua nhiều lần dò hỏi, tôi mới tìm được nhà ông Ak-người duy nhất biết chế tác rối gỗ ở làng Chuét 2, phường Thắng Lợi. Gần 80 tuổi nhưng trông ông còn rất minh mẫn. Ông bảo, từ xa xưa, rối gỗ, mặt nạ, hình nộm… đã gắn liền với lễ hội của người Jrai. Rối gỗ thường dẫn đầu dàn cồng chiêng, xoang, cho không khí ngày hội thêm vui tươi, sống động và ý nghĩa. Bây giờ thì rối gỗ chỉ còn xuất hiện ở những ngày hội lớn, ngày lễ đặc biệt mà thôi. “Tôi già rồi! Rối gỗ cũng già theo”-già Ak nhỏ giọng ưu tư.
Ở làng Chuét 2, xưa nay rối gỗ đều từ tay ông Ak mà ra. Theo ông, con rối phổ biến được làm từ những thân gỗ cao chừng 30-40 cm, đường kính 15-18 cm để vừa dễ dàng trong quá trình chế tác, vừa tiện cầm và điều khiển trong các lễ hội. Hình rối có thể là đàn ông, đàn bà, người già, trẻ nhỏ, muông thú… Trong đó, hình người chủ yếu mô phỏng hoạt động trong đời sống hàng ngày của đồng bào Jrai, như người mang gùi, cầm rìu, cầm rựa, cầm chiêng, uống rượu cần… “Sau khi hoàn chỉnh, con rối được mặc trang phục truyền thống và được bổ sung thêm một số chi tiết hoa văn sao cho gần gũi và chân thật nhất. Điều đặc biệt, trong khi tượng gỗ dùng làm tượng nhà mồ hay trang trí ở nhà rông vẫn giữ vẻ thô mộc thì hình rối thường được chế tác tinh xảo hơn, điểm tô màu sắc cho bắt mắt, như tóc đen, môi đỏ, mắt đen, má hồng…”-ông Ak cho hay.
Ông Ak là người duy nhất biết chế tác rối gỗ của làng Chuét 2, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku. Ảnh: Mai Ka
Ông Ak là người duy nhất biết chế tác rối gỗ của làng Chuét 2, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku. Ảnh: Mai Ka
Trong lễ hội, nhìn những con rối được dân làng biểu diễn hòa cùng nhịp điệu cồng chiêng mới thấy hết sự sáng tạo của nghệ nhân Ak. Anh Siu Luk-Bí thư Chi Đoàn làng Chuét 2-chia sẻ: “Trong kho tàng văn hóa dân gian Jrai, rối gỗ là một sản phẩm văn hóa độc đáo. Đội cồng chiêng trẻ trong làng thường tới nhờ già Ak làm những con rối gỗ biểu diễn trong lễ hội của làng cũng như các cuộc thi do các cấp tổ chức. Chúng tôi nhận thấy việc giữ gìn, phát huy giá trị của rối gỗ là trách nhiệm của thế hệ trẻ nên ra sức tuyên truyền để thanh niên trong làng theo học. Hy vọng sẽ sớm có người kế thừa và cùng chung sức bảo tồn rối gỗ”.
2. Hơn 50 năm nay, ông Yinh (82 tuổi, làng Chuét Ngol, xã Chư Á) luôn cảm thấy thích thú khi nhìn thấy những con rối gỗ tự tay mình làm ra nhảy múa cùng mọi người trong dịp lễ hội. Bà con làng Chuét Ngol cũng gìn giữ và mang những con rối do ông chế tác đặt trang trọng ở nhà rông.
Ông Yinh kể: Từ nhỏ, ông đã học đánh cồng chiêng, học tạc tượng gỗ từ những người già trong làng. Năm 30 tuổi, ông bắt đầu học chế tác những con rối gỗ để phục vụ lễ hội của làng. “Tuy nhiên, để chế tác những con rối linh hoạt, biết cử động, dùng hệ thống dây kéo không hề đơn giản và tôi đã phải mất thời gian rất lâu để tìm hiểu, làm thử rồi mới thành công”-ông Yinh kể.
Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku: “Cùng với tượng nhà mồ, rối gỗ thể hiện văn hóa truyền thống của người Jrai. Ở TP. Pleiku, những nghệ nhân chế tác rối gỗ rất được quan tâm, khích lệ. Trong các hội thi diễn tấu cồng chiêng của thành phố, chúng tôi khuyến khích các đội sử dụng rối gỗ để góp phần gìn giữ và quảng bá nét văn hóa độc đáo này”.
Những con rối gỗ do ông Yinh chế tác nhìn rất sống động, có chiều sâu và mang ý nghĩa sâu xa. Rối gỗ có các mặt khối lồi cong như: khuôn mặt, vòm bụng, lưng, búi tóc, khuỷu tay, mu bàn tay... được gọi là khối dương; những khối lõm vào trong như: miệng, hốc mắt, hốc tai, miệng ghè, gùi... được gọi là khối âm. Theo ông Yinh, những hình khối này có ý nghĩa về giới hạn đời người, chu trình vòng đời và khát vọng sinh tồn muôn đời của con người.
Rối gỗ giã gạo do ông Yinh (82 tuổi), làng Chuet Ngol, xã Chư Á, TP. Pleiku chế tác. Ảnh: Mai Ka
Rối gỗ giã gạo do ông Yinh (82 tuổi), làng Chuet Ngol, xã Chư Á, TP. Pleiku chế tác. Ảnh: Mai Ka
Vừa trò chuyện với tôi, ông Yinh vừa bắt đầu chế tác cặp rối mới. Ông bảo, cặp rối này làm để trình diễn trong lễ mừng lúa mới. “Tôi phải làm thật khéo để bọn trẻ trong làng có thể thuận tay điều khiển. Khi giật dây, rối gỗ thể hiện những động tác như đánh trống, chẻ củi hay múa xoang, giã gạo… Rối gỗ bây giờ không chỉ được dùng trong các lễ hội của làng mà còn trong cả những tiệc vui hay các cuộc thi. Bởi thế, tôi cũng muốn bọn trẻ trong làng học chế tác rối gỗ để lưu truyền cho mai sau”-ông Yinh chia sẻ.
Thấu hiểu ước nguyện của cha, anh Yong-con trai ông Yinh-đang hàng ngày cần mẫn học chế tác rối gỗ. Anh Yong cho rằng, chế tác rối gỗ rất khó, đòi hỏi có kỹ thuật nên khi biểu diễn rối cũng cần phải am hiểu quy trình hoạt động của nó. Để chế tác giỏi và điều khiển được rối gỗ thì phải thuộc cả những bài chiêng, như vậy mới khiến rối gỗ nhảy múa có hồn được.
3. Ông Alanh (60 tuổi, làng Tiêng 2, xã Tân Sơn) không nhớ là mình đã làm ra bao nhiêu con rối gỗ. Ông bảo: “Năm 20 tuổi, mình đã biết làm rối gỗ. Giờ thì trong làng chỉ còn mình và một vài người già biết làm thôi”. Ông Alanh cho biết thêm, theo quan niệm của người Jrai, hình rối tượng trưng cho hồn người, mang ý nghĩa dẫn dắt cuộc vui. Vì vậy, con rối thường được dùng trong các lễ hội mừng, tạ ơn và luôn dẫn đầu đoàn cồng chiêng.
Rối gỗ Mừng lúa mới do ông Alanh (60 tuổi, làng Tiêng 2, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) là người chế tác. Ảnh: Mai Ka
Rối gỗ mừng lúa mới do ông Alanh (60 tuổi, làng Tiêng 2, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) chế tác. Ảnh: Mai Ka
Rối gỗ do ông Alanh chế tác như: tượng người đàn ông ngồi uống rượu ghè, người phụ nữ địu con, người đàn ông vác nỏ đi rừng… dường như đã rất quen thuộc với người làng Tiêng 2. Tại những cuộc thi cồng chiêng ở địa phương, hình ảnh rối gỗ của đội cồng chiêng làng Tiêng 2 luôn tạo được ấn tượng sâu sắc đối với người xem. “Biết tay nghề của mình, nhiều người trong làng đã tìm đến nhà đặt làm rối gỗ nhưng ít ai ngỏ lời muốn theo học. Chắc có lẽ do rối gỗ khó làm, nếu người không thực sự đam mê hay không đủ sự nhẫn nại cũng như nhiệt huyết với văn hóa dân tộc sẽ khó mà theo đuổi”-ông Alanh trầm ngâm nói.
Làm sao để giữ gìn và bảo tồn rối gỗ cho thế hệ mai sau? Đó luôn là trăn trở của những nghệ nhân hết lòng vì văn hóa truyền thống như ông Ak, Yinh, Alanh. Chính vì vậy, họ vẫn lặng lẽ giữ gìn và đau đáu mong được “truyền nghề” chế tác rối gỗ cho lớp cháu con.
MAI KA