Ngành Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh chuyển đổi số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hiện nay, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở mọi ngành, mọi lĩnh vực. Trong xu thế ấy, ngành Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Gia Lai đã chủ động, linh hoạt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
Ông Huỳnh Minh Sở-Phó Giám đốc Sở TN-MT-cho biết: Thời gian qua, Sở chủ động, linh hoạt ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên một số lĩnh vực và đã đưa nhiều thủ tục hành chính giải quyết trên môi trường số, đáp ứng mục tiêu xây dựng chính quyền số, Chính phủ số. Đặc biệt, Sở đã đẩy mạnh ứng dụng phần mềm để giải quyết thủ tục hành chính và đã cơ bản cung cấp 23 thủ tục hành chính mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã xây dựng và vận hành hiệu quả nhiều cơ sở dữ liệu như: Cổng thông tin cơ sở dữ liệu TN-MT tỉnh Gia Lai là kênh thông tin dữ liệu tổng hợp của ngành; Cơ sở dữ liệu nền địa lý làm nền tảng xây dựng các cơ sở dữ liệu ngành như: cơ sở dữ liệu khoáng sản, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, cơ sở dữ liệu quy hoạch sử dụng đất, cơ sở dữ liệu môi trường. “Đến nay, Sở TN-MT đã số hóa được 41.706 hồ sơ tư liệu chuyển đổi mô hình quản lý từ môi trường giấy sang môi trường số của Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh trực thuộc Sở và một số huyện: Chư Păh, Đức Cơ, Ia Grai, Krông Pa, Đak Pơ…”-Phó Giám đốc Sở thông tin.
Ngành Tài nguyên và Môi trường đã đưa nhiều thủ tục hành chính giải quyết trên môi trường số, đáp ứng mục tiêu xây dựng chính quyền số, chính phủ số. Ảnh: Nhật Hào
Ngành Tài nguyên và Môi trường đã đưa nhiều thủ tục hành chính giải quyết trên môi trường số, đáp ứng mục tiêu xây dựng chính quyền số, chính phủ số. Ảnh: Nhật Hào
Đặc biệt, theo chỉ đạo của Sở TN-MT, các phòng, ban trực thuộc đã thực hiện trao đổi các văn bản trên hệ thống quản lý văn bản điều hành kết hợp ký số trên phần mềm, giúp tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu suất công việc. Ông Trịnh Hữu Tùng-Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh-cho hay: Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh đã chủ động đồng bộ các loại thủ tục hành chính về mức độ 2, 3 và 4 và nâng cấp hệ thống chuyển thuế điện tử tự động thay cho việc chuyển hồ sơ giấy, số hóa nhiều hồ sơ tài liệu chuyên ngành theo từng giai đoạn. Từ năm 2019 đến nay, Văn phòng đã tích hợp số hóa hồ sơ đất đai vào hệ thống phần mềm chuyên ngành Vilis phủ khắp 17 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh với tỷ lệ số hóa hơn 80% hồ sơ. Văn phòng cũng đã số hóa được 45.035 loại giấy tờ liên quan đến chuyển thông tin thuế tự động. “Văn phòng Đăng ký đất đai cũng đang hướng tới thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu khu dân cư theo Đề án 06 của Chính phủ với cơ sở dữ liệu đất đai. Theo đó, 100% văn bản, hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ văn bản mật), 100% văn bản được ký số điện tử, được thực hiện trên Hệ thống quản lý văn bản điều hành toàn tỉnh. Đặc biệt, thời gian tới, Văn phòng sẽ áp dụng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu đất đai, xử lý hồ sơ đất đai trên nền tảng đám mây tiên tiến theo dự án triển khai phần mềm VBDLIS thuộc dự án VLAG của Bộ TN-MT nhằm góp phần xây dựng, lưu trữ, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu đất đai hiệu quả hơn”-Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh cho hay.
Ngoài ra, Sở TN-MT cũng đã xây dựng hệ thống tiếp nhận, quản lý kết quả quan trắc tự động, liên tục nước thải, khí thải trên địa bàn tỉnh và đưa vào vận hành hồi tháng 10-2019. Số liệu quan trắc tự động, liên tục của các trạm quan trắc nước mặt và không khí đã được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc-Tổng cục Môi trường (http://cem.gov.vn), Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh (https://gialai.gov.vn) và Trang thông tin điện tử của Sở TN-MT (https://stnmt.gialai.gov.vn) để người dân có thể truy cập, theo dõi diễn biến chất lượng không khí và chỉ số chất lượng nước mặt trên địa bàn tỉnh. Hệ thống này tiếp nhận, quản lý dữ liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục của nước thải, khí thải từ các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống, thiết bị quan trắc tự động, liên tục theo quy định của Bộ TN-MT. 
Cán bộ tại bộ phận 1 cửa phường Hoa Lư hướng dẫn người dân làm các thủ tục. Ảnh: Nhật Hào
Cán bộ tại bộ phận 1 cửa phường Hoa Lư hướng dẫn người dân làm các thủ tục. Ảnh: Nhật Hào
Đặc biệt, theo kế hoạch năm 2022 và kế hoạch thực hiện chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở TN-MT đã tiến hành thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu dân cư theo Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” bảo đảm đúng lộ trình của tỉnh. Toàn bộ các báo cáo tổng hợp, báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê của Sở được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng theo hệ thống thông tin báo cáo của Bộ TN-MT và Chính phủ. 
Ông Huỳnh Minh Sở cho biết thêm: Để đạt được các kết quả trên, Sở TN-MT sẽ tiếp tục tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu ngành với cơ sở dữ liệu dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai, cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và các cơ sở dữ liệu khác; số hóa dữ liệu các huyện, thị xã, thành phố đồng nhất chuyển đổi từ môi trường quản lý giấy sang môi trường số, tích hợp, kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh. Theo đó, đơn vị sẽ tiếp tục vận hành hạ tầng phát triển công nghệ thông tin đáp ứng để trở thành nền tảng phục vụ công cuộc chuyển đổi số; các giải pháp tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin khi có nhu cầu. Trong quá trình thực hiện, Sở TN-MT cũng sẽ tiếp tục quản trị, vận hành, cập nhật dữ liệu trên hệ thống các phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành TN-MT và chú trọng đảm bảo hệ thống an toàn, an ninh mạng phục vụ tốt cho một số cơ sở dữ liệu và các dịch vụ của ngành trước nguy cơ bị tấn công mạng, đánh cắp cơ sở dữ liệu”-Phó Giám đốc Sở TN-MT nhấn mạnh.
NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm