Làng Wâu làm du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Việc phát triển du lịch cộng đồng tại làng Wâu đã có những tín hiệu khả quan, người dân ý thức hơn trong việc chỉnh trang nhà cửa, dọn vệ sinh môi trường, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa. Thời gian qua, làng cũng đón một số đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu mô hình”-ông Trương Văn Minh-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) cho biết.
Đến làng Wâu những ngày này, chúng tôi hoàn toàn ngỡ ngàng bởi sự đổi thay. Nhà cửa khang trang, đường làng được quét dọn gọn gàng, sạch sẽ; người dân đã biết tận dụng diện tích đất trống để trồng rau, hoa. Trong chiều muộn, những người đàn ông trung niên vẫn cặm cụi đan lát; phụ nữ thì miệt mài bên khung cửi. Thấy khách ghé thăm, ai nấy đều niềm nở và trò chuyện cởi mở.
Thấy tôi ngắm nhìn chiếc rọ đang trong quá trình hoàn thành phần đế, ông Ưnh chia sẻ: “Hơn 1 năm nay, mình không đan gùi nữa mà chuyển qua đan rọ. Đan rọ giống như đan gùi, cũng có dây đeo phía sau nhưng không cầu kỳ nên đan nhanh hơn. Người dân sử dụng rọ để gùi cỏ, củi, nước”.
Theo ông Ưnh, để có thể làm những chiếc rọ to, chắc chắn phải có đôi tay chắc khỏe, khéo léo mới có thể chẻ những cây tre, lồ ô to, già. Phần đế rọ, phải chọn những miếng gỗ dày, chắc chắn, sau đó uốn cho vừa đế mà không bị gãy hoặc nứt. Mỗi ngày, ông hoàn thành 1 chiếc rọ và bán với giá 200 ngàn đồng.
Ngồi kế bên ông Ưnh, ông Bôn thật thà nói: “Mình đan gùi 1 tuần mới xong 1 chiếc cũng bán với giá 200 ngàn đồng”. Tuy nhiên, ông Bôn cho rằng, rọ và gùi người dân đều cần trong đời sống. Do đó, có người làm việc này thì phải có người làm việc khác.
“Gùi được dùng để đựng gạo và đựng những vật dụng sinh hoạt trong gia đình. Phụ nữ cũng rất thích gùi những chiếc gùi đẹp đi tham gia các lễ hội hoặc đi dự đám cưới”-ông Bôn nói.
thay vì đan gùi thời gian gần đây ông Ưnh chuyển sang đan rọ để đáp ứng nhu cầu của người dân trong làng
Thay vì đan gùi, thời gian gần, đây ông Ưnh chuyển sang đan rọ để đáp ứng nhu cầu của người dân trong làng. Ảnh: Phương Dung
Để người dân tự tin và có thêm các kỹ năng quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống đến với du khách, thời gian qua, UBND xã Chư Á phối hợp với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội TP. Pleiku và Trường Cao đẳng Gia Lai đào tạo 35 cộng tác viên du lịch tại làng. Những người này đều trẻ, khỏe, nhiệt tình, trách nhiệm, có trình độ và am hiểu văn hóa Bahnar.
Chị Ye cho biết: “Sau 3 tháng tham gia lớp tập huấn, mình thấy tự tin hơn khi đứng trước đông người và cũng biết cách bài trí homestay, cách trò chuyện, tương tác với khách tham quan”.
 Ông Bôn bên chiếc gùi truyền thống. Ảnh: Phương Dung
Ông Bôn bên chiếc gùi truyền thống. Ảnh: Phương Dung
Giới thiệu về các điểm đến trong làng, chị Ye thông tin: Đầu tiên là cánh đồng Ia Bô rộng hơn 30 ha. Hầu hết các hộ dân trong làng đều có diện tích đất canh tác tại đây và cánh đồng nằm cuối làng nên rất thuận tiện nếu du khách có nhu cầu trải nghiệm thực tế cùng người dân sản xuất. Mùa mưa thì trồng lúa, mùa khô thì trồng rau để tăng thu nhập. Tiếp đến, du khách có thể tham quan nơi ăn ở, sinh hoạt hàng ngày của người dân trong các ngôi nhà sàn; xem cách đàn ông trong làng đan gùi, phụ nữ dệt vải; hoặc cùng người dân đi lấy nước giọt; xuống đồng bắt cá, bắt cua…
“Buổi tối, du khách có thể hòa mình vào các hoạt động: đốt lửa trại, múa xoang, đánh cồng chiêng và thưởng thức các món ăn truyền thống. Du khách còn có thể thưởng thức các món đặc trưng như: cua đồng khô giã ớt, chuột đồng nướng, chuột đồng um, cháo măng, cháo lá mì, cá lóc nướng. Riêng món cua đồng khô giã ớt là đặc sản. Cua sau khi bắt về, rửa sạch, ướp với muối đem phơi khô, sau đó nướng trên than đỏ cho chín rồi đem giã nhuyễn với ớt”-chị Ye chia sẻ.
Tâm huyết với việc phát triển du lịch cộng đồng, bà M’Lê-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã-cho biết: “Mình cùng với một số chị em trong làng có ý tưởng liên kết để làm du lịch. Sát cạnh nhà mình còn 700 m2 đất trống rất thích hợp để làm một dãy nhà sàn nhỏ, phía trước có thể trồng hoa, trồng rau phục vụ khách lưu trú; các chị em khác có thể nuôi gà, ủ rượu để phục vụ ẩm thực. Tuy nhiên vẫn cần có thêm thời gian, nguồn kinh phí mới có thể triển khai”.
Trao đổi về việc phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Chư Á cho biết: Ngoài tập huấn cộng tác viên du lịch cộng đồng, xã còn phối hợp tổ chức lớp truyền dạy cồng chiêng cho 35 người dân trong làng. Hiện làng Wâu có 3 bộ cồng chiêng phục vụ các hoạt động văn hóa tinh thần và biểu diễn khi có khách tham quan. Thời gian qua có một số đoàn khách ghé làng để tìm hiểu về đời sống, sinh hoạt cũng như các sản phẩm đặc trưng của người Bahnar; đồng thời tham quan mô hình phát triển du lịch cộng đồng của làng.
Ông Minh cho rằng, đây là bước khởi đầu quan trọng để xã tiếp tục hoàn thiện quy hoạch cũng như đầu tư thêm cơ sở hạ tầng, nhất là khu lưu trú cho khách, hệ thống điện chiếu sáng xung quanh khu vực nhà sinh hoạt cộng đồng… Cùng với làng Wâu, năm 2021, xã phấn đấu xây dựng Chuét Ngol trở thành làng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch cộng đồng. 
PHƯƠNG DUNG