"Kỳ quan" thác 50

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giữa thời đại công nghệ số mà 2 ngày không lên facebook, không chat zalo và thậm chí không cả nghe-gọi-nhắn tin điện thoại. Chiếc smartphone chỉ còn công dụng của 1 cái đèn pin. Dù danh sách những bất tiện còn nhiều nữa nhưng tôi vẫn chắc chắn rằng: Hành trình đến với thác 50 (Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng, huyện Kbang, Gia Lai) là một lựa chọn đúng đắn.

Ảnh: P.N
Ảnh: P.N

Nghe lời đề nghị “giúp bố trí 1 người dẫn đường” cho đoàn làm phim nhà báo chúng tôi, Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng cười cười: “Chắc các anh chị chưa biết về thác 50”. Và chỉ khoảng 1 giờ sau khi rời trụ sở khu bảo tồn, chúng tôi mới hiểu hết câu nói đó.

Tây Nguyên mới đón những cơn mưa đầu mùa. Hơn 7 km đường đất từ trạm cửa rừng đến Trại bò (một đồng cỏ mênh mông được người dân bản địa chọn làm nơi dựng nhà rẫy) đã trở thành thử thách đầu tiên không dễ vượt qua. Những đoạn đường như mai rùa không chào đón những tay lái lạ. 7 km mà mất của đoàn đi hơn 1 giờ đồng hồ. Bù lại, Trại bò chào đón chúng tôi bằng hình ảnh hoang sơ nhưng vô cùng hùng vĩ. Một đàn trâu có đến cả trăm con đang ung dung gặm cỏ trên một mảng xanh mênh mông kéo dài ngút tầm mắt. Thiết bị flycam (thiết bị bay để quay/chụp hình ảnh) của chúng tôi lúc này không chỉ giúp ghi lại bức tranh phong cảnh ở một điểm nhìn ấn tượng mà còn mang lại cảnh tượng độc đáo khi tiếng cánh quạt vù vù của chiếc flycam làm đàn trâu giật mình đuổi chạy khắp cánh đồng. Vậy nhưng đoàn cũng không thể nán lại lâu bởi còn hơn 5 km nữa mới tới được thác 50 nhưng  từ đây phải... đi bộ.

 

Trên đường vào thác. Ảnh: P.N
Trên đường vào thác. Ảnh: P.N

Khởi đầu cho hành trình băng rừng là nhiệm vụ lội suối. Mùa này nước chưa cao nhưng mọi người vẫn kiếm một nhánh cây làm gậy cho an toàn. Hành trang được tối giản hết mức, chỉ ưu tiên cho nhu yếu phẩm và thiết bị tác nghiệp. Đoạn suối Say này cách ranh giới huyện An Lão (tỉnh Bình Định) khoảng 7 km, nước rất trong và mát, những viên sỏi li ti ánh lên trong nắng chiều. Một cây cổ thụ bật gốc không biết tự bao giờ trôi về án ngữ ngay giữa lòng con suối tạo thành một cổng vòm độc đáo làm mê mẩn những ai yêu thích nhiếp ảnh.

Dưới tán rừng toàn những cây to, lá ken nhau dày đặc, không để lọt tia nắng nào, đoàn người trở nên nhỏ bé nhưng lại lâng lâng xúc cảm, thấy mình như thành viên đoàn thám hiểm trong một câu chuyện cổ nào đó. Cảm giác ấy làm xua tan những giọt mồ hôi không ngừng tuôn và cả bắp chân đang cứng dần vì đoạn đường rừng không dễ chinh phục. Đó là lý do đoàn chúng tôi có 6 người nhưng được bố trí đến 7 người dẫn đường.

 

Ảnh: P.N
Ảnh: P.N

Cũng mất gần 2 giờ đồng hồ nữa mới đến được đỉnh thác 50. Lán trại nhanh chóng được dựng lên. Sự chuyên nghiệp của những người thường xuyên đi rừng giúp công việc được phân công rõ ràng. Người kiếm cây khô nhóm bếp, nấu cơm, người giăng lưới bắt cá, người mò ốc, hái rau. Riêng chúng tôi tha hồ chọn bối cảnh để tác nghiệp, chỉ tiếc là không kịp ghi lại hết những thú vị của chuyến đi được đùa vui là “tự cung tự cấp” này. Bữa ăn tối “lấy lại sức” và để chuẩn bị cho hành trình khám phá đệ nhất thác của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng... ngon đến lạ. Không bàn ghế, không đầy đủ các gia vị đi kèm, những đặc sản cá niên, ốc đá và rau rừng vẫn đủ sức thách thức các nhà hàng sang trọng về hương vị với tiếng xuýt xoa của thực khách. Trong ánh lửa bập bùng, tiếng cười nói, những bài hát tập thể và cả những câu chuyện nghề, chuyện đời làm cho đêm giữa rừng trôi mau...
 

Chụp ảnh lưu niệm bên thác. Ảnh: P.N
Chụp ảnh lưu niệm bên thác. Ảnh: P.N

Bình minh ngày mới tiếp thêm năng lượng cho cả đoàn len lỏi giữa những vách đá, lần xuống dốc núi để nuôi dần sự háo hức khi tiếng thác đổ ngày một gần hơn và cuối cùng là vỡ òa cảm xúc khi tận mắt chiêm ngưỡng tuyệt tác của tạo hóa. Thác nước ầm ào từ chiều cao 50 mét tuôn dài như suối tóc được điểm xuyết khéo léo bằng những tảng đá rêu phủ xanh mướt. Khó diễn tả hết sự ngỡ ngàng rồi đến thán phục về sự sắp đặt hài hòa của đất trời. Đến nỗi những hình ảnh mà chúng tôi ghi lại được vẫn bị hoài nghi là có sự can thiệp quá đà của kỹ xảo?

 Hải Uyên

Có thể bạn quan tâm

Du xuân trên biên giới

Du xuân trên biên giới

(GLO)- Ia Grai là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, quê hương của Anh hùng Rơ Châm Ớt và Anh hùng A Sanh. Và giờ đây, Ia Grai lại được biết đến với những danh thắng kỳ thú được thiên nhiên ban tặng cho vùng đất biên giới này.
Đi chợ tết Lao Chải

Đi chợ tết Lao Chải

Lao Chải ở bên này cao nguyên đá của tỉnh Hà Giang, nơi nổi tiếng với núi non cao chất ngất, uy nghi, huyền bí; nơi phía nào cũng đối mặt với non xanh mây trắng. Còn ở phía bên kia cao nguyên đá, những cây ngô vừa bật mầm, những cây rơm lùn vàng sậm đẹp như tranh.
Sôi nổi lễ hội đua thuyền ở Cửa Tùng

Sôi nổi lễ hội đua thuyền ở Cửa Tùng

(GLO)- Đã thành truyền thống, cứ vào ngày mùng 4 tháng Giêng hàng năm, lễ hội đua thuyền truyền thống của ngư dân Cửa Tùng lại diễn ra tạo khí thế hào hứng, sôi nổi dịp đầu Xuân. Lễ hội đua thuyền truyền thống là một trong những sự kiện văn hóa quan trọng của huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) với mong muốn một năm mới làm ăn thuận buồm xuôi gió.
Trẩy hội đường hoa…

Trẩy hội đường hoa…

(GLO)- Tết này, Pleiku thốt nhiên chuyển mình trở lạnh trong cái nắng vàng tươi rực rỡ. Trời thốt nhiên trong hơn, gió thốt nhiên dịu dàng, thơm màu no ấm. Vào mỗi sáng sớm hay khi muộn chiều, chút se lạnh đến nao lòng ùa về-cái lạnh đủ để cho mỗi chúng ta hòa mình vào phố trong hơi ấm tình thân. Trong khoảnh khắc diệu kỳ ấy, khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết bỗng trở nên khoáng đạt hơn, rộng dài hơn, tươi mới hơn trong ăm ắp nói cười, trong rực rỡ sắc hoa. Là bởi, nơi này đã và đang trở thành một trong những điểm du Xuân không thể thiếu của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt từ năm 2014 trở lại đây, năm nào khu vực Quảng trường cũng được dành riêng cho việc tổ chức đường hoa.