Kỳ 1: Hiệu quả từ các mô hình điểm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Rác thải sinh hoạt luôn là vấn đề nóng đối với các địa phương của tỉnh Gia Lai. Theo đó, việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền và người dân.
Nhiều mô hình, cách làm sáng tạo trong thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt được triển khai tại các địa phương trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả, góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức cho người dân, từng bước đưa công tác vệ sinh môi trường trở thành trách nhiệm của cả cộng đồng để xây dựng một môi trường sống xanh-sạch-đẹp.
Cộng đồng tham gia giữ vệ sinh môi trường
Gần 1 năm nay, cứ đến ngày 15 hàng tháng, dân làng Thoong Nha (xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê) lại cùng nhau dọn vệ sinh tại các khu vực công cộng và dọc các tuyến đường làng. Từ đây, những bãi rác tự phát được xóa sổ, rác thải vương vãi dọc các tuyến đường được thu gom sạch sẽ. Cùng với đó, bà con cũng trồng thêm cây xanh và hoa dọc 2 bên đường để tô điểm cho làng thêm xanh-sạch-đẹp.
Trưởng thôn Đinh Vong cho biết: “Từ khi thành lập, “Tổ tự quản bảo vệ môi trường” đã huy động đông đảo người dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng đường làng ngày càng sạch đẹp. Chi hội Phụ nữ vận động chị em thực hiện tốt phong trào “5 không 3 sạch”, trồng và chăm sóc đường hoa, hàng rào xanh. Chi hội Nông dân vận động hội viên phân loại rác thải, trong đó, rác thải hữu cơ dùng để ủ phân bón cho cây trồng, bao bì ni lông thì đốt, rác thải nguy hại bỏ vào thùng rác đưa đi tiêu hủy. Đoàn Thanh niên vận động đoàn viên tham gia cùng người dân dọn vệ sinh, khơi thông cống rãnh tại các khu vực công cộng, các tuyến đường làng. Nhờ đó, cảnh quan của làng sạch-đẹp hơn”.
Đoàn viên, thanh viên thu dọn rác tại khu vực đồi thông xã Ia Dêr (huyện Ia Grai). Ảnh: Đức Thụy
Đoàn viên, thanh viên thu dọn rác tại khu vực đồi thông xã Ia Dêr (huyện Ia Grai) thời điểm chưa có dịch Covid-19. Ảnh: Đức Thụy
Nói về mô hình này, bà Phùng Thị Hà-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Sê-cho hay: “Toàn huyện đã thành lập 11 “Tổ tự quản bảo vệ môi trường”. Huyện trang bị cho mỗi tổ 3 bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, 1 bể đựng rác thải sinh hoạt và hỗ trợ kinh phí xây dựng các mô hình con đường hoa, hàng rào xanh. Các tổ đi vào hoạt động đã góp phần tuyên truyền nâng cao ý thức gìn giữ vệ sinh môi trường, đặc biệt là không vứt rác bừa bãi, tích cực tham gia dọn vệ sinh, thu gom, phân loại, xử lý rác thải, trồng con đường hoa, hàng rào xanh, từng bước làm cho khu vực nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số xanh-sạch-đẹp. Từ kết quả này, Phòng đã có văn bản hướng dẫn các xã, thị trấn tiếp tục triển khai nhân rộng”.
Hội viên, nông dân tham quan mô hình phân loại rác thải tại làng Hreng (xã Hòa Phú, huyện Chư Păh). Ảnh: Hồng Thương
Hội viên, nông dân tham quan mô hình phân loại rác thải tại làng Hreng (xã Hòa Phú, huyện Chư Păh) khi chưa có dịch Covid-19. Ảnh: Hồng Thương
Tương tự, mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” thôn Ninh Hòa (xã Ia Boòng, huyện Chư Prông) cũng đã phát huy hiệu quả trong việc xóa “điểm đen” rác thải tại các tuyến đường làng và khu vực thưa nhà ở. Ông Nguyễn Văn Chuyên cho biết: “Trước đây, người dân thường lén đổ rác tại đập tràn và các bãi vắng khiến cho môi trường ô nhiễm. Trên đường làng, rác thải vương vãi khắp nơi. Từ khi mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” được thành lập, người dân đăng ký thu gom rác thải để xử lý nên không còn tình trạng đổ rác bừa bãi nữa”.
Còn ông Kpa Ba-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Boòng-thông tin: “Sau khi hình thành “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, Mặt trận và các đoàn thể đã phối hợp tổ chức dọn dẹp rác thải tại đập tràn và những điểm tập kết rác tự phát trên địa bàn. Hơn 200 hộ dân trong thôn cũng đã đăng ký thu gom rác thải và những hộ còn lại xa khu dân cư được hướng dẫn đào hố đốt rác. Nhờ đó, các điểm tập kết rác thải tự phát được xóa bỏ, đường sá thông thoáng, sạch sẽ hơn”.
Phát huy vai trò của đoàn thể
Cảnh quan làng Iắt (xã Ia Boòng, huyện Chư Prông) những năm gần đây được cải thiện nhiều mặt nhờ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và đặc biệt là triển khai mô hình “Làng phụ nữ kiểu mẫu” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh xây dựng.
Bà Rơ Lan Giang-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Iắt-cho hay: “Hàng tháng, Chi hội vận động hội viên, phụ nữ tham gia dọn vệ sinh khu vực công cộng và đường làng. Đồng thời, vận động chị em hạn chế sử dụng túi ni lông khi đi chợ và phân loại rác thải sinh hoạt nhằm hạn chế phát thải rác ra ngoài môi trường. Chi hội cũng đã vận động hội viên giúp nhau ngày công đào hố để xử lý rác thải. Nhờ tổ chức các hoạt động này, hầu hết hội viên đã có ý thức phân loại, thu gom và xử lý rác thải, đặc biệt là hạn chế sử dụng túi ni lông để bảo vệ môi trường”.
Phụ nữ làng Iắt (xã Ia Bòong, huyện Chư Prông) dọn dẹp vệ sinh các khu vực công cộng. Ảnh Hồng Thương
Phụ nữ làng Iắt (xã Ia Boòng, huyện Chư Prông) dọn dẹp vệ sinh các khu vực công cộng thời điểm chưa có dịch Covid-19. Ảnh: Quang Tấn
Đến hết năm 2020, các cấp Hội Phụ nữ toàn tỉnh đã xây dựng 145 câu lạc bộ phòng-chống rác thải nhựa; 206 “Thôn, làng phụ nữ kiểu mẫu”, 217 “Chi hội Phụ nữ 5 không 3 sạch xây dựng nông thôn mới”. Riêng năm 2020, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động hơn 92.000 lượt phụ nữ tham gia phát quang bụi rậm, dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm; di dời 1.447 chuồng trại ra sau nhà, đào 4.571 hố rác...
Tương tự, kể từ khi Câu lạc bộ “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông” được thành lập vào năm 2019, hội viên, phụ nữ thôn Đoàn Kết (xã Bờ Ngoong) đã hạn chế sử dụng túi ni lông để đựng thức ăn. Bên cạnh đó, mỗi tháng 1 lần, Chi hội Phụ nữ làng phối hợp với Ban Nhân dân thôn huy động toàn thể người dân tham gia dọn vệ sinh đường làng và các khu vực công cộng.
Bà Lưu Thị Duyên chia sẻ: “Tham gia Câu lạc bộ, tôi được tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa, được tặng giỏ nhựa đi chợ để hạn chế sử dụng túi ni lông đựng thức ăn. Ngoài ra, tôi và các hội viên cũng thường xuyên tham gia thu gom rác thải. Những hoạt động này giúp chúng tôi gắn kết với nhau hơn và đặc biệt là mỗi người một tay trong việc thu gom rác thải mà đường sá trở nên sạch sẽ hơn hẳn”.
Tham gia mô hình Khu dân cư tự quản BVMT và câu lạc bộ Nói không với rác thải nhựa, bà Lưu Thị Duyên (thôn Đoàn Kết, xã Bờ Ngoong, Chư Sê) gương mẫu đi chợ bằng giỏ nhựa.
Tham gia mô hình "Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường" và Câu lạc bộ "Nói không với rác thải nhựa", bà Lưu Thị Duyên (thôn Đoàn Kết, xã Bờ Ngoong, Chư Sê) gương mẫu đi chợ bằng giỏ nhựa. Ảnh: Hồng Thương
Trao đổi với P.V, bà Rơ Chăm H’Hồng-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh-thông tin: “Thời gian qua, Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên gìn giữ vệ sinh sân vườn, nhà cửa; phát động các buổi thu gom, xử lý rác thải tại các tuyến đường, khu vực công cộng. Đặc biệt, Hội xây dựng nhiều mô hình điểm trong công tác bảo vệ môi trường, thu gom xử lý rác thải. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình này, đồng thời, chỉ đạo các cơ sở Hội tiếp tục thành lập một số mô hình phòng-chống rác thải nhựa; tích cực vận động hội viên, phụ nữ thực hiện tốt việc thu gom, phân loại rác thải tại nhà và các khu vực công cộng”.
Cũng nhằm góp phần thu gom, xử lý tốt rác thải trên địa bàn, Hội Nông dân tỉnh đã thành lập 222 mô hình “Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu” tại các xã, phường, thị trấn. Đồng thời, xây dựng một số mô hình điểm ở cơ sở như: “Hội Nông dân thu gom, phân loại và xử lý chất thải, rác thải nông thôn” tại thôn 4 (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh), “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt” tại làng Hreng (xã Hòa Phú, huyện Chư Păh)…
Các cấp hội phụ nữ đã xây dựng nhiều mô hình phân loại, xử lý rác thải hiệu quả. Ảnh Hồng Thương
Các cấp Hội Phụ nữ đã xây dựng nhiều mô hình phân loại, xử lý rác thải hiệu quả. Ảnh: Quang Tấn
(Ảnh chụp trước khi có dịch Covid-19)
Nói về kết quả thực hiện công tác thu gom, xử lý rác thải, bà Lê Thị Hồng Quyên-Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường-cho hay: Để nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong công tác quản lý rác thải sinh hoạt, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức. Nhằm phục vụ công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt, hàng năm, tỉnh đều bố trí kinh phí đầu tư, mua sắm trang-thiết bị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt cho các huyện, thị xã, thành phố.
Riêng đối với công tác quản lý rác thải nhựa đã được các cấp, các ngành, cơ sở, cộng đồng hưởng ứng, lan tỏa rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện có 48 đơn vị và 1 siêu thị cam kết, có quy định hoặc kế hoạch triển khai thực hiện. Trên địa bàn tỉnh cũng xây dựng được hàng trăm mô hình hạn chế sử dụng rác thải nhựa, tái sử dụng túi ni lông… góp phần giảm lượng rác thải phát thải ra môi trường. Năm 2020, tỷ lệ thu gom rác thải đô thị đạt 95%.
 
QUANG TẤN-HỒNG THƯƠNG