Công cuộc chuyển cư của các dân tộc vùng núi phía Bắc vào Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai đã tạo nên sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ giữa các dân tộc. Suốt gần 1/2 thế kỷ định cư trên vùng đất mới, các dân tộc phía Bắc như: H’Mông, Tày, Nùng, Thái, Mường… vẫn luôn gìn giữ mạch nguồn văn hóa dân tộc. Người H’Mông đang sinh sống ở vùng đất Ya Hội (huyện Đak Pơ) nổi bật trong Ngày hội di sản văn hóa do Bảo tàng tỉnh tổ chức nhờ trang phục sặc sỡ, đính kết cầu kỳ vô cùng đẹp mắt. Các dân tộc Tày, Nùng, Mường, Thái của xã Ia Lâu (huyện Chư Prông) lại tạo ấn tượng bởi sự duyên dáng trong trang phục kín đáo, ý nhị và những chiếc khăn sặc sỡ, mềm mại, tạo nét duyên cho trang phục. Các nghệ nhân Jrai phường Yên Đổ (TP. Pleiku) lại mang sắc màu riêng từ trang phục thổ cẩm đặc trưng, mỗi hoa văn là một chỉ dấu văn hóa vô cùng độc đáo.
Chị Đào Thị Dương (làng Mông, xã Ya Hội) tự hào khi được nhiều người dân và du khách chụp ảnh trong Ngày hội di sản. “Tôi biết ơn cha ông đã sáng tạo bộ váy áo khiến phụ nữ H’Mông trở nên xinh đẹp và duyên dáng hơn. Gia đình tôi cũng như nhiều gia đình người H’Mông khác vào Gia Lai, dù sinh sống trên vùng đất mới nhiều chục năm nhưng các giá trị văn hóa của dân tộc vẫn luôn được gìn giữ. Ngày hội là dịp để chúng tôi giới thiệu nét đẹp văn hóa ấy đến với mọi người”-chị Dương bày tỏ.
Không chỉ mãn nhãn với màu sắc văn hóa từ trang phục, những trò chơi dân gian của cư dân bản địa Tây Nguyên và vùng Tây Bắc tạo không khí sôi động cho ngày hội. Em Siu Nghiêm (lớp 6, Trường THCS Lê Lợi, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) không rời mắt khỏi những quả còn lao vun vút về phía vòng tròn sặc sỡ gắn trên đỉnh cây nêu cao chót vót.
Trò chơi thu hút đông người tham gia và mang lại nhiều tiếng cười nhất phải kể đến múa sạp. Ông Thái Văn Tình-du khách tham gia ngày hội-chia sẻ: “Tham gia các trò chơi dân gian, người ta mới hiểu vì sao nó lại có sức sống lâu bền như vậy trong đời sống văn hóa các dân tộc. Cách tổ chức ngày hội như vậy rất hay và thú vị, giúp người dân và du khách không chỉ có một địa điểm vui chơi, thư giãn cuối tuần, thưởng thức món ăn truyền thống và hiểu thêm văn hóa của các dân tộc Việt Nam”.
Sự tham gia của lực lượng trẻ trong các hoạt động cho thấy sự kế thừa, tiếp nối trong bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa. Đây là năm thứ 2 liên tiếp tham gia ngày hội, em Đậu Tuấn Anh (dân tộc Thái, học sinh lớp 12, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh) chia sẻ: “Em rất tự hào khi đại diện cho thế hệ trẻ tham gia vào ngày hội tôn vinh di sản văn hóa các dân tộc. Bạn bè của em phần lớn là người Jrai, Bahnar. Các bạn hát hay, chơi nhạc cụ dân tộc giỏi và có ý thức trong gìn giữ văn hóa truyền thống. Em rất tự hào vì người Thái ở cao nguyên vẫn giữ được nhiều sinh hoạt văn hóa của dân tộc mình. Sự giao lưu này giúp chúng em nâng cao sự tự tôn đối với văn hóa dân tộc”.
Thuộc thế hệ thứ 3 của người H’Mông sinh sống ở vùng đất Ya Hội, chị Nông Thị Sái vừa phục vụ mèn mén cho thực khách, vừa giới thiệu lịch sử của món ăn. Với chị Sái, món ăn chính là sự kết nối của các thế hệ. “ Đây là món ăn ra đời từ sự đói khổ. Bây giờ, người H’Mông đã no đủ hơn nên rất ít khi làm món ăn này. Nhưng trong các dịp trọng đại, lễ hội, ngày giỗ, Tết, chúng tôi vẫn được người lớn dạy làm mèn mén như một sự nhắc nhớ về cội nguồn”-chị Sái cho hay.
Ông Lê Thanh Tuấn-Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng tỉnh-cho biết: “Gia Lai là một trong những địa phương có nhiều dân tộc sinh sống nhất trong cả nước nên sắc màu văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Các hoạt động trong ngày hội không chỉ tôn vinh di sản của đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh mà giúp chúng ta nhận thức rõ hơn ý nghĩa, giá trị của văn hóa trong đời sống hiện nay để có sự chung tay bảo vệ, phát huy. Khi di sản đang trở thành tài sản làm đòn bẩy phát triển du lịch, sự đa sắc màu văn hóa của các dân tộc Gia Lai trở thành thế mạnh, góp phần thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” phát triển”.