Học sinh Pleiku hiến kế phát triển du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với mong muốn thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” của địa phương phát triển, một số học sinh ở Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã bắt tay thực hiện nhiều ý tưởng hay, hữu ích. Bên cạnh góp phần quảng bá du lịch, việc làm của các em còn nhằm phục vụ hoạt động giáo dục truyền thống trong nhà trường.

Từ sổ tay, cẩm nang du lịch

Cầm trên tay cuốn “Cẩm nang du lịch phía Bắc TP. Pleiku-Gia Lai”, 2 học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku) là Nguyễn Thị Minh Khánh (lớp 11A1) và Nguyễn Thị Thanh Huyền (lớp 10A1) vui vẻ giúp du khách tham quan Khu du lịch Biển Hồ hiểu rõ hơn về thắng cảnh nổi tiếng này.

Cuốn sổ tay nhỏ với đầy đủ thông tin về các danh lam, thắng cảnh cùng địa chỉ nhà hàng, khách sạn, quán ăn... trên địa bàn thành phố là nguồn thông tin hữu ích đối với du khách lần đầu đặt chân đến Phố núi. Đây cũng chính là sản phẩm mà 2 em đã dày công xây dựng nhằm góp sức quảng bá du lịch tỉnh nhà.

Em Nguyễn Thị Minh Khánh (bìa phải) và Nguyễn Thị Thanh Huyền (Trường THPT Hoàng Hoa Thám, TP. Pleiku) giới thiệu với du khách cuốn cẩm nang du lịch do 2 em thực hiện. Ảnh: Mộc Trà
Nguyễn Thị Minh Khánh (bìa phải) và Nguyễn Thị Thanh Huyền (Trường THPT Hoàng Hoa Thám, TP. Pleiku) giới thiệu với du khách cuốn cẩm nang du lịch do 2 em thực hiện. Ảnh: Mộc Trà


Khánh chia sẻ: “Gia Lai còn thiếu những công cụ quảng bá du lịch quen thuộc như tờ gấp, bản đồ, cẩm nang du lịch... nên nhiều du khách không biết đi đâu để tham quan và hành trình di chuyển như thế nào. Do đó, chúng em đã nảy ra ý tưởng và cùng nghiên cứu làm một cuốn sổ tay cẩm nang du lịch để giúp du khách có cái nhìn toàn cảnh hơn về những sản phẩm, tài nguyên du lịch đặc sắc ở khu vực phía Bắc TP. Pleiku”.

Khánh và Huyền đã xây dựng sổ tay cẩm nang trên cơ sở sử dụng hệ thống bản đồ du lịch kết hợp với hình ảnh, thơ ca giới thiệu từng địa danh nổi tiếng của tỉnh. Ngoài hình ảnh thực tế, thông tin cơ bản về tên gọi, địa chỉ của thắng cảnh Biển Hồ nước, Biển Hồ chè, chùa Bửu Minh, núi lửa Chư Đang Ya, 2 em còn đưa thêm vào sổ tay những thông tin cần thiết để du khách tiện tra cứu, tìm kiếm như: đặc sản ẩm thực của Gia Lai, lễ hội tiêu biểu trong đời sống văn hóa của dân tộc bản địa, ghi chú nhắc nhở về những vật dụng du khách cần mang theo khi tham quan, du lịch tại Phố núi Pleiku.

Đề tài của Nguyễn Thị Minh Khánh (bìa phải) và Nguyễn Thị Thanh Huyền (Trường THPT Hoàng Hoa Thám, TP. Pleiku) đã đạt giải tư tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh lần thứ VII năm học 2020-2021. Ảnh: Mộc Trà.
Đề tài của Nguyễn Thị Minh Khánh (bìa phải) và Nguyễn Thị Thanh Huyền đạt giải tư tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh lần thứ VII năm học 2020-2021. Ảnh: Mộc Trà


“Tất cả tư liệu đều được chúng em khảo sát, thực nghiệm và thu thập từ những nguồn chính thống. Dưới sự hướng dẫn của cô giáo Nguyễn Thị Thông, chúng em đã biên soạn sổ tay, thiết kế hình thức, cấu trúc. Đồng thời, chúng em đối chiếu, so sánh với bản đồ hành chính, bản đồ điện tử, bản đồ giao thông vệ tinh Google Maps để kiểm tra độ chính xác của các nội dung, thông số thể hiện trên bản đồ du lịch trong sổ tay thiết kế. Dù cẩm nang du lịch điện tử đã phát triển mạnh mẽ, song qua thực tế khảo sát, chúng em nhận thấy nhu cầu về sổ tay cẩm nang du lịch của du khách vẫn rất cao”-Huyền cho hay.

Chị Nguyễn Thị Hải Lý (thôn 2, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) nhận xét: “Tôi thấy sản phẩm này khá mới lạ khi kết hợp hình ảnh, bản đồ, thơ ca với nhau để giới thiệu, quảng bá về địa điểm du lịch. Dù không còn xa lạ gì với những danh thắng này, nhưng có nhiều điều khi đọc sổ tay tôi mới biết được. Tôi cảm thấy khá thú vị và chắc hẳn khách du lịch khi đến Phố núi cũng sẽ rất cần cuốn cẩm nang này như một công cụ chỉ dẫn thông tin. So với kích thước hiện tại, theo tôi, cuốn sổ tay nên được thiết kế nhỏ hơn nữa để du khách tiện mang theo bên người”.

Đến clip dữ liệu những điểm tham quan

Cùng chung trăn trở về phát triển du lịch Phố núi, các em Trần Lê Huyền Trang (lớp 12B7) và Nguyễn Lê Khánh Như (lớp 10C5 Trường THPT Lê Lợi, TP. Pleiku) đã bắt tay nghiên cứu đề tài “Xây dựng cơ sở dữ liệu các địa danh, di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu ở TP. Pleiku phục vụ giáo dục truyền thống và quảng bá phát triển du lịch Gia Lai”.

Từ tháng 10-2020 đến tháng 1-2021, dưới sự giúp đỡ của thầy giáo Ngô Minh Hiệp, Trang và Như đã tập hợp các cơ sở dữ liệu thông tin về địa danh, di tích lịch sử-văn hóa tiêu biểu của TP. Pleiku gồm: Khu du lịch Biển Hồ, Biển Hồ chè, hồ Diên Hồng, Công viên Đồng Xanh, ngã ba Diệp Kính, Di chỉ khảo cổ học Trà Dôm, Nhà thờ Thăng Thiên, Nhà lao Pleiku, Bảo tàng tỉnh, núi Hàm Rồng, Căn cứ cách mạng Khu 9 và một số ngôi chùa như: Minh Thành, Bửu Minh, Bửu Nghiêm, Bửu Quang, Bửu Thắng...

Qua đó, các em đã phân tích thực trạng công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống và phát triển du lịch của thành phố trong thời gian qua; đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động này trong những năm tới.

Em Nguyễn Thị Minh Khánh (bìa phải) và Nguyễn Thị Thanh Huyền (Trường THPT Hoàng Hoa Thám, TP. Pleiku) trao đổi để hoàn chỉnh cuốn “Cẩm nang du lịch phía Bắc TP. Pleiku-Gia Lai”. Ảnh: M.T
Em Nguyễn Thị Minh Khánh và Nguyễn Thị Thanh Huyền trao đổi để hoàn chỉnh cuốn “Cẩm nang du lịch phía Bắc TP. Pleiku-Gia Lai”. Ảnh: Mộc Trà


“Chúng em đã đi thực tế các địa điểm trên để tìm hiểu và tự thực hiện 1 video clip tổng hợp nhằm giới thiệu, quảng bá về các địa danh lịch sử-văn hóa tiêu biểu của thành phố. Chúng em cũng phát 100 phiếu điều tra xã hội học liên quan đến đề tài nghiên cứu. Qua đó, chúng em nhận thấy, đa số người dân có sự quan tâm nhất định về mảng địa danh lịch sử-văn hóa tiêu biểu và đều cho rằng việc khai thác địa danh để giáo dục truyền thống cũng như quảng bá du lịch là cần thiết, cấp bách”-Trang thông tin.

Chia sẻ thêm về đề tài nghiên cứu của học trò, TS. Ngô Minh Hiệp-giáo viên Trường THPT Lê Lợi-cho biết: Khi nghe các em nêu ý tưởng này, tôi thấy rất hay và thiết thực nên sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn các em triển khai thực hiện. Kết quả nghiên cứu của đề tài có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các nhà trường, Đoàn Thanh niên, cơ quan quản lý văn hóa-du lịch, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và phục vụ công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu về du lịch.

Mặt khác, đề tài còn có ý nghĩa thực tiễn trong điều chỉnh nội dung giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh, sinh viên thông qua các địa danh, di tích lịch sử. Dù còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng các em đã ý thức được trách nhiệm của mình, biết góp sức cho sự phát triển của nơi mà mình sinh sống là điều đáng quý.

Với ý nghĩa thực tiễn, 2 đề tài trên đã đạt giải tư tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh lần thứ VII năm học 2020-2021 diễn ra vào tháng 1 vừa qua. Cả 2 nhóm tác giả đều hy vọng đề tài của mình sẽ nhận được sự quan tâm của các đơn vị, tổ chức liên quan để từ đó có thể ứng dụng vào thực tiễn phát triển ngành “công nghiệp không khói” của thành phố trong thời gian đến.

 

 MỘC TRÀ