Giúp trẻ sống có kỷ luật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Kết thúc năm học, nhiều chương trình sinh hoạt hè cùng những hoạt động bổ ích cũng như các lớp kỹ năng sống được phối hợp tổ chức nhằm tạo dựng cho trẻ em khoảng thời gian thư giãn hữu ích và an toàn.

Song, nếu trẻ thiếu chủ động, thiếu kỷ luật bản thân thì ngày hè càng dài, nỗi lo của phụ huynh càng tăng.

Không biết từ khi nào mà kỳ nghỉ hè thường mang đến rất nhiều áp lực cho phần lớn phụ huynh. Nguyên nhân là do các em được nghỉ học nhưng cha mẹ vẫn phải đi làm, thiếu sự quản lý sát sao. Vì vậy, các em dễ sa vào các trò giải trí vô bổ hoặc tìm đến những điểm vui chơi thiếu an toàn như: ao hồ, sông suối…

Nhiều gia đình chọn cách đăng ký cho con tham gia các lớp học thêm để lấp đầy thời gian rỗi, khiến trẻ không còn cảm nhận đúng nghĩa 2 từ “nghỉ hè”. Trong điều kiện đó, có lẽ việc trao cho con sự chủ động trong sắp xếp thời gian biểu, khuyến khích con tự thiết lập kỷ luật bản thân là phương án tối ưu hơn cả.

Kỷ luật bản thân như một hành lang an toàn, giúp mỗi người thêm vững bước trên con đường của mình (ảnh nguồn Internet)

Kỷ luật bản thân như một hành lang an toàn, giúp mỗi người thêm vững bước trên con đường của mình (ảnh nguồn Internet)

Một phụ huynh mà tôi quen biết chia sẻ niềm vui về việc thực thi kỷ luật dịp hè của con trai. Sau khi được bố mẹ phân tích, cậu đã tự lên một kế hoạch khá chi tiết mỗi ngày và duy trì gần 1 tuần nay, trong đó có việc dọn phòng, tập thể dục bằng cách đạp xe mỗi sáng, tự học tiếng Anh 1 giờ/ngày, đăng ký học thêm môn cầu lông, đọc sách 15 phút trước khi ngủ…

Một phụ huynh khác thì hướng cho con lên lịch tập yoga để nâng cao thể lực và sức bền, cùng với đó dành thời gian tự học tiếng Anh và một số kỹ năng sống. Nhờ đó, trẻ tự giác quản lý thời gian và kế hoạch của mình trong sự cảm nhận rõ rệt về lợi ích mang lại cho cơ thể, tâm trí…

Các chuyên gia về tâm lý đã chỉ ra rằng, nếu không có kỷ luật bản thân, cuộc sống của mỗi người dễ trở nên tùy tiện, chỉ phụ thuộc vào tâm trạng và ý thích nhất thời, mất phương hướng. Với trẻ em, rèn kỷ luật bản thân càng sớm chừng nào thì càng có lợi chừng ấy. Thông qua việc thiết lập nhịp điệu sinh hoạt nền nếp, nhất là trong dịp hè, trẻ có thể “tự lãnh đạo” bản thân, biến kỳ nghỉ thành quãng thời gian bổ ích, lành mạnh.

Theo thông tin từ trang web của Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 (thuộc Ủy ban Quốc gia về trẻ em Việt Nam), một nghiên cứu kéo dài gần 40 năm được thực hiện bởi 3 trường đại học hàng đầu thế giới gồm King’s College (Anh), Duke (Mỹ) và Dunedin (New Zealand) đã cho thấy sự thành công của 1.000 đứa trẻ nếu ngay từ nhỏ chúng được phát triển tính kỷ luật.

Không chỉ vậy, đây còn là những người sống khỏe mạnh và trở thành phụ huynh có phương pháp giáo dục con cái tiến bộ, phù hợp. Không khó để nhận diện 2 mẫu hình trong xã hội: người có tính kỷ luật tốt dễ thành công mọi mặt vì họ biết cách kiểm soát cuộc sống của mình; người thiếu kỷ luật thì luôn bị chi phối bởi những cám dỗ và dĩ nhiên làm việc gì cũng khó lòng thu được kết quả tốt nhất.

Việc phụ huynh cần làm là khơi gợi để trẻ có động lực tự xây dựng kỷ luật bản thân (ảnh nguồn Internet).

Việc phụ huynh cần làm là khơi gợi để trẻ có động lực tự xây dựng kỷ luật bản thân (ảnh nguồn Internet).

Có thể hình dung kỷ luật bản thân như một hành lang an toàn, giúp mỗi người thêm vững bước trên đường đời. Để xây dựng kỷ luật ấy là cả một nỗ lực, nhất là với một đứa trẻ bởi ngủ nướng luôn dễ chịu hơn dậy sớm, lướt mạng xã hội hấp dẫn hơn việc cầm lên một cuốn sách, chơi game vui hơn tập thể thao… Nếu chỉ chiều theo những ham thích đơn thuần trước mắt, trì hoãn thực hiện mục tiêu đã đề ra thì không thể nào trông đợi vào thành tựu.

Việc phụ huynh cần làm là khơi gợi để trẻ có động lực tự xây dựng kỷ luật, đồng thời hướng dẫn và làm gương cho trẻ trong phân bố thời gian dịp hè để ngủ nghỉ đúng giờ, tập thể dục, đọc sách, học hỏi kiến thức mới, phụ giúp việc gia đình… từ đó thiết lập lối sống nhịp nhàng, quy củ.

Thêm một phương pháp hay là khuyến khích trẻ ghi ra danh sách các thói quen tốt và xấu để tùy vào đó mà phát huy hoặc hạn chế; tận dụng khoảng thời gian này nhằm lên kế hoạch thay đổi, phát triển bản thân như giảm béo, học thêm kỹ năng sống…

Một khi hiệu quả của kỷ luật bản thân được phát huy, trẻ không những tự tin, tự giác hơn mà cha mẹ cũng nhẹ bớt nỗi lo về việc thiếu định hướng trong vui chơi, giải trí, rèn luyện dẫn đến tai nạn thương tích, đuối nước ngày hè.

Có thể bạn quan tâm

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

(GLO)- Hình ảnh cậu bé Husy (11 tuổi, làng Bok Ayơl, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đứng trên sân khấu say sưa diễn tấu tiết mục “Độc tấu t’rưng-Buôn làng ấm no” tại Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn tỉnh lần thứ III diễn ra hồi tháng 10 vừa qua đã để lại ấn tượng thật khó phai.

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Không được đến trường, những đứa trẻ từ 5-10 tuổi ăn mặc lem luốc lượn lờ khắp nơi xin tiền người đi đường, bất kể trời mưa nắng. Không có tuổi thơ, giờ chúng là “phương tiện” để người lớn kiếm tiền trên lòng thương cảm của người khác.