"Giọt nước" giữa lòng thành phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với công dân "gốc Pleiku" ở xóm Đức An và quanh đó độ tuổi xấp xỉ sáu mươi trở lên nhiều người còn nhớ con suối Ia Kring mùa khô nước trong veo; lại được nghe kể, đầu nguồn có "Giọt nước". "Đầu nguồn" bây giờ là miếng đất trống cây cỏ dại um tùm trên đường Lê Thánh Tôn, bên trái đường Châu Văn Liêm (theo hướng về trung tâm thành phố). Chân vực khu đất ấy, tre nứa phủ xanh, ken dày xưa kia có một "giọt nước".

1. Lịch sử hình thành và nhận diện qua tên gọi cho biết đô thị Pleiku xưa là làng đồng bào Jrai. Quá trình phát triển, Pleiku là nhiều làng hợp lại. Những tên gọi địa danh các làng trong phố thuộc phường như: Pleiku Roh, Plei Ngó, Plei Ốp, Plei Kép… nói lên điều đó.

Với địa hình đồi bát úp, đất bazan kiến tạo bởi núi lửa ngừng hoạt động, Tây Nguyên nói chung được rừng đại ngàn che phủ. Đồi dốc-rừng-khí hậu hai mùa mưa nắng hình thành vô vàn suối khe, sông ngòi, hồ nước. Các dân tộc Tây Nguyên lập làng, chọn vị trí đẹp hội tụ các tiêu chí: đất đai màu mỡ, có nguồn nước tốt. Đất-nước-con người trong mối quan hệ cộng sinh hình thành nên vùng văn hoá Trường Sơn-Tây Nguyên với sắc thái đặc trưng là nếp sống nương rẫy, con người gắn bó với môi trường rừng núi, cả đời sống vật chất cũng như thế giới tinh thần. Từ thực tiễn được khái quát, khu vực quanh con suối Ia Kring trước kia có làng đồng bào Jrai là hoàn toàn hợp lý. Và, với mật độ cư dân thưa thớt, rừng nguyên sinh bao bọc; con người sinh sống chủ yếu nhờ vào tự nhiên trong mối quan hệ hài hòa và tôn trọng cho dòng suối Ia Kring mùa khô nước trong veo, đầy đặn; có “giọt nước” đầu nguồn ngọt lành, trong trẻo; hai bên bờ dọc suối cây lúa rẫy, lúa nước, ngô, sắn đậm nhạt sắc màu quanh năm của đồng bào Jrai là bức tranh dễ hình dung, được khẳng định!

 Đầu nguồn con suối Ia Kring bây giờ. Ảnh: Đình Phê
Đầu nguồn con suối Ia Kring bây giờ. Ảnh: Đình Phê


Con suối cạn Ia Kring đổ ra suối Hội Phú, dẫn nước vào cánh đồng lúa nước, ruộng rau muống một thời gian dài góp phần nuôi sống cả cư dân nông nghiệp người Kinh thuộc phường Hội Phú ngày nay. Phương thức canh tác thô sơ truyền thống, nhịp sống chậm giữ cho môi trường đất-nước-không khí thanh sạch. Thói quen cánh đàn ông, con nít tắm táp trong dòng suối Hội Phú không phải là câu chuyện dệt nên từ trí tưởng tượng mà hoàn toàn có thật một thời.

2. Không chỉ là con suối và giọt nước nơi đầu nguồn. Ông Phan Đình Trang-nguyên Chủ tịch UBND phường Diên Hồng-cho biết: “Nghị quyết Đảng bộ phường Diên Hồng năm 1984 ra chủ trương phát triển kinh tế phường phải chú trọng đến nông nghiệp cùng với việc giãn dân ra vùng ven. Theo đó, hoạt động nạo vét thung lũng Đức An, ngăn dòng suối Ia Kring để nâng mạch nước ngầm giúp cư dân sống quanh hồ, gồm khu vực đồi 42 thuận lợi hơn trong việc đào giếng lấy nước sinh hoạt, tưới tắm vườn hoa màu, cây trái. Công trình được hoàn thành vào cuối năm 1986, hồ Đức An ra đời từ đấy”.

Năm 1988, UBND phường Diên Hồng bàn giao hồ Đức An cho UBND thị xã Pleiku. Khu lịch sinh thái với tường bao, bên trong có nhà Thủy Tạ, con đường bê tông nối dẫn chiếc cầu treo vắt qua lòng hồ, quanh lòng hồ; làng du lịch, nhà hàng Thiên Đường Xanh, dãy nhà chòi ven hồ, cây xanh, hoa chăm, cỏ xén, muông thú… cho chúng ta một quần thể du lịch Công viên Hồ Diên Hồng như ngày hôm nay.

Tôi đã từng theo “cần thủ” ghé ngồi dưới chân bờ ngăn, phía hồ tràn. Tôi đã từng qua đêm trong ngôi nhà thuộc làng du lịch; từng ngồi hàng giờ những quán cà phê trên đường Lê Quý Đôn lưng giáp lòng hồ. Cả khi vào mùa mưa, nước từ hồ chính, nước từ con mương bê tông men theo dãy nhà dọc tường xây khuôn viên Công viên đổ xuống hồ tràn ầm ào nước cũng không xua đi mùi xú uế lưu cữu bọc chắn bởi bèo hoa tím ken dày; bởi bao bì, vật dụng bằng xốp, từ nhựa cũ và mới bồng bềnh trên mặt hồ này. Tôi chờ một con cá đớp mồi vào lưỡi câu nhắp, câu vung để xem tài nghệ giật, rê, kéo của cần thủ mà mãi không có được. Thay vào đó, lại nghe câu nhận xét:- Phía hồ này nước bẩn, cá ít lắm!

Tôi đã từng ngồi phía sau nhà xưởng cơ sở quảng cáo đầu đường Châu Văn Liêm của chú em bạn vong niên ngắm hoàng hôn vấp vào đám tre nứa um tùm xưa kia là giọt nước. Nhìn dòng ánh sáng yếu ớt chiều đông hấp hoắng trên nền cây cỏ dại, những chiếc túi ni lông qua sử dụng bay chấp chới, vướng cỏ cành rung theo gió, đố ai đón được dưới nền đất còn có những gì?

Tôi đã từng quan sát thật kỹ mặt sau miếng đất, nơi bắt nguồn con suối. Nền đất được san lấp từ xà bần, rác rưởi đủ loại ngổn ngang; nước thải sinh hoạt và chăn nuôi của những hộ dân sống cạnh đổ trực tiếp ra suối. Mạch nước có còn trong sạch? Câu hỏi chẳng đợi trả lời!

Câu chuyện vô hồi có nhắc đến, nơi đầu nguồn dự án bờ kè, đập ngăn, liên hợp khu nghỉ dưỡng dành cho người cao tuổi; trồng cây xanh; khôi phục giọt nước. Công trình nhắm vào hai mục đích: cảnh quan và môi trường đang kêu gọi nhà đầu tư. Lại có người khẳng định, mới chỉ là ý tưởng!

3. Dù là dự án được phê duyệt, thông qua hay mới chỉ là ý tưởng thì việc giữ lấy một một mạch nước, một dòng suối trong lành giữa lòng thành phố cần thiết đến nhường nào. Cần chung tay cả cộng đồng! Bắt đầu từ mỗi người dân Phố núi Pleiku! “Đánh thức” giọt nước cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của cảnh quan môi trường; ý nghĩa của hoạt động bảo vệ môi trường từ việc làm cụ thể, thiết thực. Công trình cần liên tục kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân điển hình làm tốt; phát huy, nâng cao nhận thức của cộng đồng, những người tiên phong trong hoạt động bảo vệ môi trường.

Chúng ta, rồi các thế hệ công dân Pleiku tiếp nối có quyền thụ hưởng những cảnh quan đẹp đẽ trong môi trường thanh sạch. Dự án kè Hội Phú sẽ đi vào sử dụng. Những công trình mọc lên, khang trang và hoành tráng. Một chút lãng mạn, dòng sông Seine giữa lòng Paris hoa lệ thu hẹp, tại sao không? Câu chuyện liên hoàn chuỗi hệ thống nguồn nước-suối-hồ-xử lí nước thải-ý thức công dân cho dòng nước trong lành hòa vào sông, ra biển cả thuộc về chúng ta!

 

NGUYỄN ĐÌNH PHÊ