Giải pháp bảo vệ nguồn nước sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, nguồn nước ngọt trên bề mặt cũng như trong lòng đất ở Gia Lai đã bị suy kiệt, thất thoát nhiều, một phần không nhỏ bị ô nhiễm không thể sử dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của con người. Vì vậy, việc tìm ra giải pháp để tái tạo, bảo vệ nguồn nước sạch có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với đời sống con người cũng như các hoạt động kinh tế. 
Nguồn nước ngày càng suy kiệt, ô nhiễm 
Gia Lai có 2 con sông lớn chảy qua là Sê San và sông Ba cùng với hệ thống ao hồ, sông suối nhỏ. Bên cạnh đó, nguồn nước ngầm cũng tương đối dồi dào, có thể khai thác phục vụ cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, nguồn nước ngọt trên bề mặt cũng như trong lòng đất bị suy kiệt, thất thoát nhiều, một phần không nhỏ đã bị ô nhiễm không thể sử dụng.
Nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng này là hiện tượng nóng lên của trái đất khiến cho mực nước biển dâng cao, xâm nhập mặn xảy ra ở nhiều vùng trên khắp lục địa; lũ lụt, hạn hán ngày càng khốc liệt hơn. Ở Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng, lượng mưa hàng năm giảm dần, mùa khô thường kéo dài khiến lượng nước trên sông suối, ao hồ suy kiệt, không đủ phục vụ nhu cầu dân sinh và tưới tiêu mùa màng; hệ sinh thái bị đảo lộn. 
Về chủ quan, đáng kể nhất là việc phá rừng kéo dài trong nhiều năm liên tục, kể cả rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ cũng bị thu hẹp. Rừng như một đặc ân của Mẹ thiên nhiên ban cho Tây Nguyên. Nó không những là nguồn sống căn bản của người dân miền núi, là mạch nguồn văn hóa của các dân tộc bản địa bao đời nay mà còn là mái nhà chung bảo vệ các nguồn nước an lành cho cả vùng đồng bằng và duyên hải miền Trung. Trải qua thời kỳ chiến tranh tàn khốc, rừng ở Gia Lai bị tàn phá nặng nề bởi bom đạn và chất độc của kẻ thù. Trong một thời gian dài, tình trạng phá rừng khiến nguồn nước dần cạn kiệt, đất đai bị xói mòn, hiện tượng “sa mạc hóa” ở nhiều vùng đất Tây Nguyên ngày càng rõ nét hơn.
Sông Ba cung cấp nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho nhiều địa phương ở phía Đông và Đông Nam tỉnh. Ảnh: Đình Chiến
Sông Ba cung cấp nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho nhiều địa phương ở phía Đông và Đông Nam tỉnh. Ảnh: Đình Chiến
Đồng thời với việc mất rừng, chúng ta đã phát triển cây công nghiệp dài ngày như: cà phê, hồ tiêu… một cách thái quá, thiếu quy hoạch vùng gây ra mất cân đối giữa diện tích cây trồng và nguồn nước tưới. Nhiều vườn cà phê, hồ tiêu, các trang trại trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã khoan giếng tận dụng nguồn nước ngầm để tưới khiến các mạch nước ngầm ngày càng kiệt quệ, hệ thống sông suối bị bức tử, đẩy nhanh quá trình “sa mạc hóa”, phá hủy môi trường, môi sinh. Cũng do quá trình phát triển nông nghiệp thiếu bền vững, chúng ta đã thải ra môi trường các loại hóa chất độc hại, làm ô nhiễm nguồn nước ngọt, tác động đến môi trường ngành thủy sản và có hại đến sức khỏe con người. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp ở Gia Lai cũng đang trên đà phát triển mạnh nhưng đa phần các nhà máy và khu công nghiệp được đầu tư chưa hoàn chỉnh, nhất là hệ thống xử lý rác và nước thải. Một số nhà máy đường, nhà máy tinh bột mì trước đây đã xả thẳng nước thải ra môi trường làm ô nhiễm nguồn nước tự nhiên và nước sinh hoạt của dân cư như ở thị xã An Khê, huyện Krông Pa…
Ngoài những nguyên nhân nói trên, một trong những dấu hiệu khác do tác động của con người làm nguồn nước ngọt tự nhiên trên địa bàn tỉnh bị thất thoát lớn, đó là việc ngăn dòng phát triển hệ thống nhà máy thủy điện một cách khá tùy tiện ở các dòng sông chính, thậm chí có nơi còn xẻ dòng để chia nguồn nước cho dòng sông khác, một điều tối kỵ trong thuật phong thủy, như ở thượng nguồn sông Ba. Chúng tôi từng có đợt khảo sát trên dòng sông Ba từ hạ lưu đến thượng nguồn để tìm hiểu về sự biến đổi môi trường sinh thái và đời sống cư dân dọc theo triền con sông có bề dày lịch sử-văn hóa phía Đông và Đông Nam Gia Lai. Và điều đáng tiếc là vào mùa khô kiệt, khi các đập thủy điện ngăn dòng tích nước thì những khúc sông chạy qua các làng mạc, đô thị ở Gia Lai dường như chết lặng, dòng chảy ngưng trệ, nguồn nước còn sót lại bị ô nhiễm trầm trọng. Nhiều nơi, người dân thiếu nguồn nước sinh hoạt kéo dài vài ba tháng như thị xã Ayun Pa và các huyện: Kông Chro, Ia Pa, Krông Pa…
Quá trình tăng dân số và phát triển đô thị nhanh chóng ở Gia Lai cũng là một trong những thách thức đối với môi trường nước trên địa bàn vì nhu cầu nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp ngày càng tăng. Bên cạnh đó, chất thải, nước thải bị đẩy ra môi trường cũng tăng theo vì thiếu các giải pháp xử lý hiệu quả.
Giải pháp tái tạo, bảo vệ nguồn nước sạch
Trong một lần đến trang trại nông nghiệp của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (tỉnh Attapeu, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) tham quan hệ thống tưới nhỏ giọt cho các vườn cây, chúng tôi có được một bài học về cách tiết kiệm nguồn nước ngọt mà không phải ai cũng nhận thức đầy đủ về nó. Tại vùng đất Attapeu phì nhiêu có đến 3 dòng sông: Se Kong, Xe Kaman và Xe Sou đủ sức tưới cho hàng vạn héc ta đất nông nghiệp ở đây. Nhưng không phải cứ có nguồn nước trời cho là mặc sức phung phí mà phải biết sử dụng đúng mức để được bền lâu. Bảo vệ nguồn nước ngọt quý giá là bảo vệ sự sống. Đó là nhận thức của những người lãnh đạo và công nhân đang canh tác trên vùng đất của nước bạn Lào.
Anh Phan Thanh Thủ-người phụ trách cơ sở nông nghiệp của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ở Nam Lào bấy giờ-kể cho tôi nghe về cách tiết kiệm nước của người Israel khi anh đi tham quan và học tập canh tác nông nghiệp ở đất nước vùng Trung Đông có đến 60% diện tích là sa mạc này. Ở Israel, lượng mưa hàng năm rất ít ỏi, nước hồ và nước ngầm ngày càng cạn kiệt nên họ rất quý nguồn nước ngọt, thường ví tài nguyên này là “vàng trắng”. Vì thế, đi đến đâu, ở bất cứ nơi nào, họ cũng sử dụng nước sinh hoạt hết sức hạn chế để không lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên khan hiếm của đất nước mình. Nước sinh hoạt ở gia đình hoặc nơi công cộng đều được quản lý và dùng công nghệ tái chế để sử dụng lại đến 75%. Trong số đó, một phần lớn sử dụng lại trong sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Hiện nay, Israel là quốc gia hàng đầu thế giới có công nghệ và đầu tư nhiều nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt để phục vụ dân sinh, đáp ứng 3/4 nhu cầu nước ngọt cho toàn quốc. Do vậy, trong nền nông nghiệp phát triển của mình, Israel đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt vừa tiết kiệm được nguồn nước ngọt, vừa tăng năng suất cây trồng lên gấp đôi so với cách tưới truyền thống.
Cách tiết kiệm nước của người Israel đáng để cho chúng ta học tập và ứng dụng trong cuộc sống hiện tại. Để bảo vệ, tái tạo nguồn nước sạch phục vụ dân sinh và đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp, công nghiệp trên địa bàn tỉnh, bên cạnh các giải pháp mang tính vĩ mô như rà soát các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, sản xuất nói riêng để chấn chỉnh các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước đi vào khuôn phép, chúng ta cần tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng về việc bảo vệ, sử dụng nguồn nước sạch một cách tiết kiệm, xử lý nghiêm các hành động làm ô nhiễm nguồn nước.
Đối với địa phương, việc cần làm ngay là tổ chức điều tra, đánh giá tổng quan về tài nguyên nước trên địa bàn; phân vùng cấp độ ô nhiễm nguồn nước ở cả phần nước ngọt trên bề mặt và nước ngầm. Từ đó, đề ra các biện pháp xử lý từng giai đoạn để tái tạo nguồn nước bị ô nhiễm, bảo vệ nguồn nước sạch còn lại. Đầu tư các thiết bị hiện đại để quan trắc nguồn nước tự nhiên; đồng thời sử dụng vào thực tế để xử lý nguồn nước bị ô nhiễm, bảo vệ môi trường nước sạch. Phát động chiến dịch trồng rừng hàng năm, phủ xanh đồi núi trọc, tạo độ che phủ ở mức khá tốt. Bảo vệ nghiêm ngặt rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ. Kiểm soát hữu hiệu việc xả chất thải độc hại ra môi trường; kiểm tra thường xuyên các nhà máy có nguy cơ làm ô nhiễm môi trường; tuyệt đối không đưa nước thải chưa qua xử lý ra ngoài sông suối, môi trường tự nhiên.
Có thể nói, bảo vệ và kiểm soát được nguồn nước sạch cũng như sử dụng tiết kiệm nước trong tương lai gần là một cuộc cách mạng đầy khó khăn. Tuy nhiên, vì môi trường sống của con người, dù trở ngại dường nào, chúng ta cần chung tay gìn giữ nguồn tài nguyên quý giá còn lại để duy trì sự sống và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong hiện tại cũng như tương lai.
BÙI QUANG VINH