Dùng áo dài để quảng bá Gốm Bát Nhã

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cuối tuần vừa qua, những thiết kế áo dài được NTK Vũ Thảo Giang sử dụng nguyên tác của gốm sứ Việt cổ ở các cung điện lăng tẩm, đặc biệt là Gốm Bát Nhã, đã xuất hiện tại TP.HCM, thu hút sự chú ý của công chúng.

 
Nhà thiết kế Vũ Thảo Giang trong trang phục áo dài sử dụng họa tiết Gốm Bát Nhã. Ảnh: NVCC
Nhà thiết kế Vũ Thảo Giang trong trang phục áo dài sử dụng họa tiết Gốm Bát Nhã. Ảnh: NVCC
Việc tận dụng những mảng gốm để ghép nối nên một tác phẩm nghệ thuật đã xuất hiện ở nước ta vào thế kỷ XI – XII, xuất phát từ những người thợ ngoã trong dân gian. Cái đẹp và đặc biệt của khảm gốm sứ là từ những mảnh gốm sứ vỡ, người nghệ nhân biến chúng thành một tác phẩm độc đáo hoàn toàn mới.
Qua ngần ấy thời gian, người Việt vẫn đơn giản gọi môn nghệ thuật đã tạo nên vẻ đẹp độc tôn, hồn cốt tinh anh của các công trình kiến trúc truyền thống xứ Huế là “khảm gốm sứ”.
Khảm gốm sứ xuất hiện trải dài từ Bắc vào Nam, thể hiện một nét đẹp trong kiến trúc nước nhà. Tìm hiểu kỹ càng về nghệ thuật khảm gốm sứ, NTK Vũ Thảo Giang đã mạnh dạn giới thiệu đến công chúng thông qua Lễ hội áo dài TP.HCM lần thứ 8, bộ sưu tập Khảm Gốm Bát Nhã gồm 18 thiết kế áo dài tôn vinh nét đẹp nghệ thuật tinh tế đầy tài hoa của những nghệ nhân xưa.
NTK Vũ Thảo Giang chia sẻ: “Sinh ra và lớn lên ở vùng non nước Cao Bằng, nơi giàu truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc và cũng là cái nôi của lịch sử cách mạng dân tộc ta đã ươm mầm nguồn cảm hứng cho tôi.
Mỗi vùng miền của đất nước đều chứa rất nhiều những nét độc đáo riêng về văn hoá truyền thống, càng đi càng tìm hiểu lại càng có thêm nhiều nguồn cảm hứng để cho ra đời những bộ sưu tập mới.
Bộ sưu tập Khảm Gốm Bát Nhã là một trong những cảm hứng tôi mong muốn giới thiệu vẻ đẹp của kiến trúc Việt thông qua tà áo dài dân tộc”.
Nghệ thuật khảm gốm sứ, sành thường gặp ở các chùa, miếu và các kiến trúc cung đình Việt Nam với nhiều hoạ tiết cầu kỳ, tinh tế.
Tài hoa của những nghệ nhân xưa được phô diễn bởi những bức bích hoạ, phù điêu bằng chất liệu mảnh gốm sứ khảm vốn là mảnh vỡ được tỉ mỉ lựa chọn màu sắc, mài dũa và khéo léo ghép lại, tạo nên vẻ đẹp độc đáo riêng biệt nét tinh hoa văn hoá di sản Việt.
Mỗi tác phẩm mang đậm tính nghệ thuật trong bộ sưu tập gợi lại cảm xúc xúc động xen lẫn tự hào bằng hoa văn họa tiết; hình ảnh đại diện được tái hiện cho bốn mùa Xuân – Hạ - Thu – Đông hay mang hình dáng của Long – Lân – Quy – Phụng, bát bửu, ngũ phúc, vương miện…
Nhà thiết kế đã lựa chọn chất liệu vải lụa nhung cao cấp kết hợp cùng phom dáng áo dài truyền thống kết hợp kỹ thuật thêu đính tỉ mỉ với những màu sắc có độ chuyển màu đậm nhạt và thiết kế có tính ứng dụng cao, dễ dàng sử dụng trong đời sống thường nhật.
NTK Vũ Thảo Giang từng ghi dấu với nhiều bộ sưu tập mang đậm văn hoá Việt. Không chỉ là một nhà thiết kế trẻ có cơ hội tham dự nhiều chương trình, sự kiện lớn trong nước và quốc tế, Vũ Thảo Giang còn tích cực tham gia các hoạt động ngoại giao của Việt Nam nhằm quảng bá áo dài Việt trong suốt những năm qua.
Bộ sưu tập áo dài Khảm Gốm Bát Nhã là kết quả của hành trình dày công sưu tập những họa tiết gốm sứ trong kiến trúc suốt 2 năm của chị và ekip công ty thời trang Sen Vàng.
Ngay sau khi xuất hiện tại buổi họp báo tại TP.HCM, bộ sưu tập Khảm Gốm Bát Nhã đã nhận được khá nhiều sự quan tâm của người yêu áo dài.
Bộ sưu tập đã được trình diễn trong lễ Khai mạc Lễ hội diễn ra vào tối 6.3 tại Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường đi bộ Nguyễn Huệ.

 
 
Một số mẫu trong bộ sưu tập áo dài của NTK Vũ Thảo Giang. Ảnh: NVCC
Một số mẫu trong bộ sưu tập áo dài của NTK Vũ Thảo Giang. Ảnh: NVCC
Ngoài NTK Vũ Thảo Giang, người con dân tộc Tày là đại diện các NTK khu vực phía Bắc, lễ hội Áo dài TPHCM lần VIII - 2022 diễn ra từ ngày 5.3 đến 15.4, còn có sự đồng hành của hơn 20 nhà thiết kế như Đỗ Trịnh Hoài Nam, Sĩ Hoàng, Tuấn Hải, Mai Thanh Duy, Võ Việt Chung, Việt Hùng, Ngô Nhật Lê, Trung Đinh, Liên Hương, Anna Hạnh Lê, Trisha Võ, Ella Phan...
Theo ban tổ chức, lễ hội Áo dài TPHCM năm nay có ý nghĩa đặc biệt khi được tổ chức trong bối cảnh cả nước và thành phố đang khôi phục trở lại các hoạt động kinh tế - xã hội, đời sống người dân đang trở lại trạng thái "bình thường mới" và TPHCM đã trở thành "vùng xanh" - vùng an toàn với dịch COVID-19.
Lễ hội là sự kiện góp phần khẳng định quyết tâm của TPHCM trong việc tái khôi phục và phát triển sau dịch bệnh, giới thiệu đến du khách trong nước và quốc tế một thành phố sống động và hiện đại, một điểm đến hấp dẫn và an toàn, hướng đến xây dựng hình ảnh “đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á”.
Theo THẾ VINH (LĐO)

Có thể bạn quan tâm