(GLO)- Đó là người Bí thư Đảng bộ đầu tiên của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Gia Lai: Phan Thêm-người anh cả của chi bộ đầu tiên ở Gia Lai thành lập ngày 1-10-1945. Tên tuổi của ông luôn gắn với lịch sử của Đảng bộ và của tỉnh Gia Lai.
Ông Phan Thêm sinh năm 1913, tại xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam-nơi có phong trào cách mạng phát triển. Năm 1936, ông tham gia hoạt động cách mạng, đến tháng 3-1938 được kết nạp vào Đảng, được cử làm Bí thư chi bộ ghép của 2 làng Vân Trai-Thọ Khương (xã Tam Hiệp). Tháng 9-1939, ông được bổ sung vào Tổng ủy Phú Hòa, được phân công đi dự Hội nghị bàn kế hoạch triển khai thực hiện chỉ thị của Trung ương do Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức, chưa kịp đi dự thì bị địch bắt vì liên quan tới việc ông bảo vệ và che giấu đồng chí Nguyễn Xí-cán bộ Tỉnh ủy Quảng Ngãi bị truy nã đang lẩn trốn ở vùng Thọ Khương, bị địch tra tấn rất dã man.
Chúng tuyên án 5 năm tù, nhưng sau ông chống án, chúng tuyên phạt thêm 2 năm nữa và đưa đi nhà lao Buôn Ma Thuột vào cuối năm 1940. Tại nhà lao Buôn Ma Thuột, ông cùng với anh em đồng chí tù chính trị đấu tranh chống lại sự dã man của chế độ nhà tù, không những thế còn biến nhà tù thành trường học chính trị, bồi dưỡng và rèn luyện ý chí cách mạng. Khi Nhật đảo chính Pháp (ngày 9-3-1945), tình hình bấy giờ có nhiều thuận lợi cho ta, bọn Nhật buộc phải thả tù chính trị. Theo sự phân công của tổ chức, ông được phân về Quảng Ngãi, nhưng chưa bắt được liên lạc nên về lại Quảng Nam hoạt động, tham gia ngay vào đội quân khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 2-9-1945, tại thị xã Hội An, Tỉnh ủy và Ủy ban Việt Minh tỉnh tổ chức mít tinh mừng thắng lợi cuộc tổng khởi nghĩa và ra mắt UBND cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Nam, ông được phân công làm Ủy trưởng điều tra.
Chỉ 3 tuần sau lễ Tuyên ngôn độc lập (2-9) khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 23-9-1945, thực dân pháp núp dưới quân đội Anh đã đánh chiếm lại Nam bộ. Tình hình Tây Nguyên lúc bấy giờ vẫn phức tạp, thực dân Pháp có thể gây hấn tái chiếm bất cứ lúc nào. Trong khi các tỉnh Tây Nguyên chưa có tổ chức đảng trực tiếp lãnh đạo, chính quyền cách mạng còn non trẻ, lực lượng vũ trang chưa hình thành… Bởi thế, Xứ ủy Trung bộ chỉ đạo gấp rút phải xây dựng các tổ chức đảng và lực lượng vũ trang địa phương để chủ động trong công tác lãnh đạo và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài chống quân xâm lược.
Với uy tín và bề dày hoạt động cách mạng của một cán bộ kiên trung, ông được Xứ ủy tin cậy giao cho lên xây dựng tổ chức đảng ở Bắc Tây Nguyên. Ông kể lại trong hồi ký của mình: “Tháng 9-1945, đồng chí Nguyễn Chí Thanh-Bí thư Xứ ủy Trung kỳ và đồng chí Trần Hữu Dực-Chủ tịch Ủy ban hành chính Trung bộ cử tôi (Phan Thêm với tư cách là Đặc phái viên-N.V) vào chỉ đạo công tác của hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum (Bắc Tây Nguyên)”. Cùng lúc đó, Đoàn thanh niên Gia Lai cử đồng chí Nguyễn Đường và Trần Ngọc Vỹ đại biểu thanh niên yêu nước ở An Khê, Gia Lai ra Huế xin Xứ ủy cử cán bộ vào giúp. Vậy là ông cùng Nguyễn Đường, Trần Ngọc Vỹ mang theo một tiểu đội thuộc đội du kích Ba Tơ lên Gia Lai (đây là lực lượng nòng cốt để xây dựng lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh-N.V)”.
Sau một thời gian ông cùng với các đồng chí trong Đoàn thanh niên Pleiku tích cực vận động, dựa trên cơ sở của những người hoạt động tiền khởi nghĩa, như các hội viên (cũ) của Hội Ái hữu, Công hội đỏ của phong trào công nhân ở các đồn điền, phong trào thanh niên và các đảng viên hoạt động từ các tỉnh thành về hoạt động tại các đồn điền ở Gia Lai, ngày 1-10-1945, tại trường Tiểu học Việt-Pháp, chi bộ Đảng đầu tiên ra đời. Ông viết: “Lên đến Gia Lai tại thị xã Pleiku, tôi nghĩ ngay đến việc thành lập Đảng vì ở đây chưa có Đảng trực tiếp lãnh đạo.
Qua sự điều tra và được giới thiệu của đồng chí Trần Ren-thành phần công nhân, là một đảng viên cũ và anh Nguyễn Đường-đại biểu thanh niên Gia Lai; tháng 10-1945, tôi thành lập chi bộ đầu tiên ở thị xã Pleiku gồm 9 người là: Trần Ren, Nguyễn Đường, Nguyễn Bá Hòe, Nguyễn Xuân, Trương Trợ, Hồ Dung, Lý Tú, Phạm Thuần và tôi (Phan Thêm), bầu đồng chí Nguyễn Đường làm Bí thư. Mỗi đồng chí lấy một chữ trong câu “Xin-Thề-Hy-Sinh-Tất-Cả-Vì-Đảng-Ta” đặt bí danh cho mình. Tôi được mang bí danh là Cả, coi như người anh cả trong 9 người. Đây là tiền thân Ban cán sự Đảng và Tỉnh ủy sau này. Đảng bộ Tây Sơn còn non trẻ nhưng phải gánh vác 2 nhiệm vụ rất nặng nề và cũng rất vinh quang: “Xây dựng chính quyền và chuẩn bị trường kỳ kháng chiến”... Ở đây là nơi đã ươm mầm những hạt giống đầu tiên cho phong trào cách mạng Gia Lai-Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Khí thế cách mạng ngày càng vững mạnh. Riêng tôi rất tự hào là người có vinh dự đặt 9 viên gạch đầu tiên trên mảnh đất này. Đó là chi bộ 9 người”.
Chi bộ vừa được thành lập mang thêm nhiệm vụ là Ban vận động thành lập Đảng bộ Gia Lai. Để cuộc vận động đi sâu vào quần chúng, chi bộ thành lập ngay Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin và tổ chức tuyên truyền trong quần chúng biết và hiểu về đảng cộng sản. Nhờ vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, đến tháng 11-1945, các chi bộ đảng: An Khê, Bàu Cạn, Biển Hồ và chi bộ lực lượng vũ trang của chi đội Tây Sơn lần lượt ra đời. Cùng lúc ấy một số cán bộ, đảng viên được Xứ ủy điều về bổ sung cho Gia Lai như: Võ Thị Hồng Sâm, Trần Ngọc Giới, Nguyễn Văn Thưởng, Nguyễn Nông, Phạm Kiên, Phan Bình…
Như vậy, chỉ sau 3 tháng vận động và tổ chức, trên cơ sở của các chi bộ vừa thành lập trên địa bàn Gia Lai và Kon Tum, ngày 10-12-1945 Đảng bộ tỉnh Gia Lai được thành lập lấy tên là Đảng bộ Tây Sơn, tổng số đảng viên là 24 người.
Thời gian sau đó (1945-1947), ông tiếp tục là người đứng đầu của Đảng bộ lãnh đạo kháng chiến chống Pháp, xây dựng Đảng bộ và lực lượng vũ trang ngày càng phát triển, ông cũng là người sáng lập ra tờ báo Sáng (báo Gia Lai ngày nay) và là Chủ nhiệm báo đầu tiên của Đảng bộ tỉnh. Đến giữa năm 1948, ông được cấp trên điều về công tác ở Khu ủy Khu 5, rồi ra Bắc chuyển sang quân đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ…
Quốc Ninh