Chương trình hành động của ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV Châu Ngọc Tuấn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Vừa qua, Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 tỉnh Gia Lai đã công bố danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV tại các đơn vị bầu cử trên địa bàn tỉnh. Nhằm giúp cử tri lựa chọn những người đủ đức, đủ tài để bầu vào Quốc hội, Báo Gia Lai điện tử lần lượt trích đăng chương trình hành động của các ứng cử viên. Dưới đây là chương trình hành động của ông Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai.

 
Ông Châu Ngọc Tuấn.
Ông Châu Ngọc Tuấn.

Tôi rất vinh dự được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hiệp thương, giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại đơn vị bầu cử số 1, gồm các huyện: Đức Cơ, Chư Prông, Ia Grai, Chư Păh và TP. Pleiku.

Trên cơ sở các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội và trước yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đất nước, của địa phương trong giai đoạn phát triển mới; nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV, tôi sẽ nỗ lực với quyết tâm cao nhất để thực hiện chương trình hành động với các nội dung trọng tâm sau:

Một là, tham gia tích cực và có hiệu quả vào các hoạt động của Quốc hội trên các mặt công tác: Xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội; thực hiện tốt trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. Tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, học tập, giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, thực hiện tốt việc nêu gương; phát huy khả năng, sở trường và kinh nghiệm công tác để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Hai là, thường xuyên giữ mối liên hệ mật thiết với Nhân nhân thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, qua đi nghiên cứu, khảo sát cơ sở và chịu sự giám sát của cử tri; luôn gần dân, hiểu dân, là cầu nối đưa ý kiến, tâm tư nguyện vọng của cử tri, Nhân dân tới Quốc hội; phát huy dân chủ theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”; đồng thời, phổ biến và vận động cử tri, Nhân dân thực hiện đúng Hiến pháp và pháp luật.

Ba là, đề xuất, kiến nghị với Đảng, Quốc hội, Chính phủ sớm cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành luật pháp, cơ chế, chính sách để thực thi trong cuộc sống, nhất là định hướng phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên giai đoạn 2021-2025, cụ thể: “Nâng cao hiệu quả diện tích cây công nghiệp, cây dược liệu, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối, xây dựng thương hiệu sản phẩm trên thị trường quốc tế. Chú trọng khôi phục và phát triển kinh tế rừng. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng của vùng. Tạo điều kiện thuận lợi phát triển năng lượng tái tạo. Phát triển các trung tâm du lịch lớn, hình thành các tuyến du lịch chuyên đề đặc thù vùng Tây Nguyên. Chú trọng khôi phục và phát triển kinh tế rừng. Đầu tư, nâng cấp các tuyến giao thông, rút ngắn thời gian và khoảng cách kết nối các tỉnh Tây Nguyên với các địa phương, đô thị ven biển”.

Bốn là, với trách nhiệm là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và là người đại biểu của Nhân dân, tôi sẽ cùng với tập thể Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thường xuyên đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vừa bảo đảm tính toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm, phát huy dân chủ, tính sáng tạo, nhưng bảo đảm nguyên tắc, quy định của Đảng, Nhà nước. Vận dụng đúng đắn Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh với quyết tâm chính trị cao nhất, trong đó, đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Tập trung thực hiện 4 chương trình trọng tâm: Tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực. Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch. Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu và chương trình hành động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh.

Quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số; công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; việc thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg, ngày 15-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ về thu hút các nguồn lực xã hội cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng biên giới đất liền, trên biển và hải đảo, gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống Nhân dân.

Năm là, có trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân theo quy định của pháp luật; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại của công dân; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Là đại biểu của tỉnh nhà ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, tôi nhận thức sâu sắc rằng, đây là vinh dự và trách nhiệm lớn lao của bản thân trước cử tri, Nhân dân tỉnh nhà nói riêng, cử tri, Nhân dân cả nước nói chung. Nếu được cử tri tín nhiệm bầu là đại biểu Quốc hội, tôi sẽ phấn đấu thực hiện tốt chương trình hành động nêu trên. Tôi xin trân trọng cảm ơn những tình cảm quý báu của cử tri và Nhân dân tỉnh nhà dành cho tôi trong thời gian qua và rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ, chia sẻ, động viên trong thời gian đến để tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.