An Khê chung tay bảo vệ môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 02-CT/TU của Ban Thường vụ Thị ủy An Khê (tỉnh Gia Lai), hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn thị xã đã chuyển biến tích cực. 
Tăng cường thu gom, xử lý rác thải 
Hẻm đường Lê Lợi ở tổ 5 (phường An Bình) chỉ rộng gần 2 m nên xe của Ban Quản lý Nhà máy rác và Dịch vụ đô thị thị xã An Khê không thể vào thu gom rác. Trước đây, 8 hộ dân sinh sống ở đây thường mang rác ra đầu hẻm bỏ, gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hơn 1 năm nay, tình trạng này không còn khi Ủy ban MTTQ Việt Nam phường và người dân chung tay góp kinh phí mua thùng đựng rác đặt ở đầu hẻm.
Bà Đinh Thị Klah chia sẻ: “Thùng rác có giá 500 ngàn đồng, Nhà nước hỗ trợ 250 ngàn đồng, còn lại bà con đóng góp. Sau khi thùng được đặt cố định ở đầu hẻm, bà con không vứt rác bừa bãi. Nhờ vậy, cảnh quan môi trường khu dân cư trở nên sạch đẹp”. 
Ông Phan Thanh Giang-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường An Bình-cho biết: “Trên địa bàn phường có 14 hẻm xe chuyên dụng không thể vào thu gom rác. Đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường đã xuất kinh phí và vận động người dân đóng góp hơn 5 triệu đồng mua 11 chiếc thùng đựng rác đặt tại 5 con hẻm. Chúng tôi đang triển khai vận động mua thùng rác đặt tại các hẻm còn lại”. 
Nhiều tuyến đường trên địa bàn thị xã An Khê được người dân trồng hoa, cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp hơn. Ảnh Ngọc Minh
Nhiều tuyến đường trên địa bàn thị xã An Khê được người dân trồng hoa, tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp. Ảnh: Ngọc Minh
Tại phường An Phú, công tác bảo vệ môi trường cũng được Mặt trận, các hội, đoàn thể và người dân tích cực thực hiện. Bà Dương Thị Hiệp (hẻm 172/5 đường Quang Trung) kể: Theo lịch thu gom rác của Ban Quản lý Nhà máy rác và Dịch vụ đô thị thị xã, cứ 2 ngày/lần, xe sẽ tới vận chuyển rác. Khi đó, bà con trong hẻm sẽ mang rác ra. Tuy nhiên, có những lúc xe hỏng cả tuần, rác để trong nhà bốc mùi rất khó chịu. Nhiều nhà đem bỏ ra đầu hẻm, rác bay tung tóe khắp nơi.
“Chính vì vậy, khi Ủy ban MTTQ Việt Nam phường vận động đóng góp tiền mua thùng đựng rác, tôi đồng ý ngay. Mỗi người đóng có mấy chục ngàn đồng. Tôi thấy chi phí nhỏ mà lợi ích lớn”-bà Hiệp phân tích. 
Không chỉ khu vực nội thị mà ở các xã vùng ven, chính quyền và các hội, đoàn thể cũng rất quan tâm đến việc thu gom rác thải. Bà Nguyễn Thị Hồng Oanh-quyền Chủ tịch UBND xã Thành An-cho hay: “Mỗi ngày, người dân trong xã thải ra khoảng 1,4 tấn rác thải sinh hoạt. Trong đó, Ban Quản lý Nhà máy rác và Dịch vụ đô thị thị xã thu gom 0,6 tấn/ngày tại thôn 1 và thôn 6. Các thôn 2, 3, 4, 5, Mặt trận và các hội, đoàn thể vận động người dân đào được 47 hố chôn lấp rác. Nhờ vậy, không còn tình trạng người dân mang rác vứt ra đường, bờ ruộng”. 
Ông Hồ Mộng Điệp-Trưởng ban Quản lý Nhà máy rác và Dịch vụ đô thị thị xã An Khê-cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã tăng cường thu gom, vận chuyển rác ở 5 phường nội thị gồm: An Bình, Tây Sơn, An Phú, An Tân, Ngô Mây và 2 xã Thành An, Song An với khối lượng 27-30 tấn/ngày. Riêng năm 2020, đơn vị mở thêm một số tuyến thu gom, vận chuyển rác mới như: đường Yă Đố đi qua Nhà máy Đường An Khê, 3 tuyến đường bê tông thuộc thôn Thượng An 2 (xã Song An), đoạn cuối của đường Đào Duy Từ (phường An Bình); một số hẻm trên địa bàn phường An Phú. Song song với công tác thu gom, từ tháng 7-2019 đến nay, thị xã đã tiến hành xử lý rác thải bằng hệ thống dây chuyền lò đốt của Đức với khối lượng xử lý 10-10,5 tấn rác/ngày đêm. 
Xây dựng đô thị xanh-sạch-đẹp 
Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 02-CT/TU của Ban Thường vụ Thị ủy, công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn thị xã chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ dân tham gia hợp đồng thu gom rác thải tăng dần qua từng năm. Nếu như năm 2016, tỷ lệ hộ dân tham gia hợp đồng thu gom rác thải là 56,2% thì đến cuối năm 2020 tăng lên 70%.
Bên cạnh đó, các ngành, các cấp đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân xây dựng nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; duy trì các “đoạn đường tự quản” và thực hiện tốt tiêu chí 3 sạch; thực hiện hiệu quả phong trào “Ngày chủ nhật xanh”… Trong năm 2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã phối hợp với các hội, đoàn thể ra quân thu gom được 8.540 tấn rác thải, quét dọn được 2.310 m đường... Cũng trong 5 năm qua, UBND thị xã An Khê chỉ đạo cơ quan chuyên môn xử phạt các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường với tổng số tiền 80 triệu đồng.
Người dân thị xã An Khê bỏ rác đúng nơi quy định góp phần xây dựng khu phố sạch đẹp. Ảnh: Ngọc Minh
Người dân thị xã An Khê bỏ rác đúng nơi quy định góp phần xây dựng khu phố sạch đẹp. Ảnh: Ngọc Minh
Để góp phần xây dựng An Khê đạt tiêu chuẩn đô thị loại III, từ năm 2017 đến 2020, thị xã đã trồng được 2.841 cây xanh các loại và trồng bổ sung hơn 38.279 m2 thảm cỏ, trên 1.714 m2 cây lá màu, cây đường viền trên các tuyến đường, công viên, khu công cộng. Ngoài ra, năm 2019, UBND thị xã chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí cho phường An Bình, An Tân trồng cây xanh ở khu vực bệnh viện cũ, ngã năm Ngô Mây với tổng diện tích 17.160 m2 nhằm tạo cảnh quan, khu vui chơi, giải trí, tập thể dục thể thao cho người dân. Với những nỗ lực đó, đến nay, An Khê đã đạt tiêu chí về đất, cây xanh công cộng theo tiêu chuẩn đô thị loại III (3,54 m2/người).
Ông Nguyễn Hùng Vỹ-Chủ tịch UBND thị xã An Khê-thông tin: “Thời gian tới, thị xã tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 02-CT/TU của Ban Thường vụ Thị ủy. Trong đó, nâng cao trách nhiệm và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong các tổ chức, đoàn thể và các tầng lớp Nhân dân về vai trò, ý nghĩa của công tác bảo vệ môi trường gắn với định hướng phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng cơ chế thu hút doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng công trình thu gom, xử lý nước thải, rác thải nhằm xây dựng môi trường sống trên địa bàn thị xã thật sự xanh-sạch-đẹp”.
NGỌC MINH