"Thủ phủ" mai rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không khó để bắt gặp mai rừng khi đến xã Ia Kênh (TP. Pleiku). Nơi này, có hộ trồng cả ngàn cây mai rừng. Mỗi năm, vào dịp Tết Nguyên đán, mai rừng ở Ia Kênh theo những chuyến xe mang sắc xuân đến từng nếp nhà ở Gia Lai nói riêng, cả nước nói chung, đem lại cho người dân Ia Kênh nguồn thu nhập ổn định.



Trồng hàng rào bằng... mai rừng

Cứ đến dịp Tết Nguyên đán, những hàng xe nối đuôi nhau chở mai rừng khoe sắc vàng ra TP. Pleiku bày bán ở nhiều tuyến đường khiến chúng tôi tò mò về nguồn gốc loài hoa gắn với mùa xuân này. Thật bất ngờ khi biết “quê hương” những cành mai ấy chẳng ở đâu xa, chỉ cách TP. Pleiku về hướng Tây Nam khoảng 10 km. “Đếm không xuể cây mai rừng được trồng ở xã mình đâu. Nhà nào cũng trồng mai mà. Nhà ít thì 1-2 cây, nhà trồng nhiều thì khoảng 1.000 cây. Nếu chạy dọc theo các con đường giao thông nội xã, nhà báo sẽ gặp những hàng rào dài bằng mai rừng. Nhà mình cũng có vài chục cây mai được trồng cách đây mấy chục năm”-anh Rơ Châm Duih-Bí thư Đảng ủy xã Ia Kênh-chia sẻ.

Những cây mai rừng được anh Rơ Châm Lem (xã Ia Kênh, TP. Pleiku) mua về chăm sóc để bán trong dịp Tết Canh Tý 2020. Ảnh: N.S
Những cây mai rừng được anh Rơ Châm Lem (xã Ia Kênh, TP. Pleiku) mua về chăm sóc để bán trong dịp Tết Canh Tý 2020. Ảnh: N.S



Nói rồi, anh Duih dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh xã. Quả thật, mai rừng ở Ia Kênh nhiều vô kể. Các hộ dân thuộc 6 làng của xã đều có cây mai rừng trong khuôn viên nhà hoặc vườn rẫy. Trong đó, 4 làng có nhiều cây mai rừng nhất là: O Sơr, Thông Jố, Thông Ngó, Mơ Nú. Điều ấn tượng nhất với chúng tôi là hình ảnh những hàng rào dài bằng dây thép gai và cây mai rừng. Bà con trồng mai theo hàng thẳng tắp quanh vườn nhà rồi dùng dây thép gai buộc lại để ngăn cách với nhà hàng xóm và đường đi trước nhà.

Người trồng mai rừng nhiều nhất ở xã Ia Kênh là ông Rơ Lan Luih (làng Mơ Nú). Ngoài hàng chục cây mai được trồng làm hàng rào quanh nhà ở, ông Luih còn có 1 ha đất rẫy (cách nhà gần 1 km) chỉ trồng mai rừng với khoảng 1.000 cây lớn nhỏ. Có cây mới mọc lên khỏi mặt đất khoảng 1 gang tay, cũng có cây mai rất to, cành nhánh sum suê, tất cả đều được chủ nhân để phát triển tự nhiên như ở rừng. “Mình không nhớ hết được số cây mai trong rẫy này đâu. Nhiều lắm. Đó là mình đã bán bớt rồi đấy. Vườn mai của mình có từ thời ông bà để lại. Mỗi năm, chúng nở hoa đậu hạt rồi rụng xuống đất và nẩy mầm. Mình chỉ lấy cuốc đào cây con trồng lại cho thẳng thớm theo hàng”-ông Luih bộc bạch.

Người trồng mai nhiều thứ nhì ở xã Ia Kênh là anh Puih Blêl (làng Thông Jố). Trong khu vườn rộng khoảng 1 ha, anh Blêl trồng xen khoảng 600-700 cây mai rừng với cây cà phê. Anh Blêl nói: “Trong vườn này có sẵn mấy cây mai rừng từ xưa. Sau này, mỗi năm mình lại nhân rộng thêm. Loại cây này sống khỏe nên dễ trồng lắm. Sau Tết, hạt mai rụng đen gốc, mình tưới nước chống hạn cho cà phê thì tưới luôn cho nó. Ít lâu sau thấy cây nẩy mầm thì dùng cuốc đào trồng xen giữa hàng cây cà phê. Đến mùa, mai nở vàng cả vườn, nhìn đã mắt lắm”.

Tết ấm no

Trồng và buôn bán cây mai rừng đang trở thành một nghề của người Jrai trên địa bàn xã Ia Kênh. Hàng năm, ngoài việc thu lượm hạt mai rụng về ươm thành cây con rồi mang ra trồng ở vườn, nhiều người dân ở Ia Kênh còn đi đến các vùng khác trong tỉnh tìm mua cây mai về trồng rồi bán lại mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Gia đình ông Luih là một điển hình. Tại nhà ông hiện có một cây mai rừng cổ thụ, đường kính gốc to bằng bắp đùi thanh niên to khỏe. Cây mai này được ông mua về dịp cuối năm 2018 từ một người dân ở huyện Chư Prông. Hiện đã có người trả giá 40 triệu đồng nhưng ông Luih chưa muốn bán.

 

Sắc xuân. Ảnh: THẾ HIỂN
Sắc xuân. Ảnh: THẾ HIỂN


Nhiều hộ Jrai khác ở xã Ia Kênh cũng làm nghề buôn bán mai rừng như các anh: Rơ Châm Lem, Rơ Lan Hong, Kpă Pơl… Họ vừa tự nhân giống lại vừa đi nơi khác mua về bán thêm, nhất là mỗi dịp Tết cổ truyền dân tộc. “Mình học theo bố thôi. Xưa, trong vườn nhà trồng nhiều mai, Tết đến bố chọn cành to đẹp cắt xuống rồi chở ra phố bán cho người ta. Số tiền đó giúp anh em mình có những bữa ăn đủ đầy hơn. Bây giờ, ngoài trồng cây mai thì mình còn đi mua, nhất vào giai đoạn cận Tết. Nếu có người bán, mình mua nguyên cây, thuê người đào về chăm sóc, đến khi bung nụ thì mang ra phố bán lấy lời. Có cây lời vài trăm ngàn đồng, cũng có cây lời vài triệu đồng”-anh Lem cho hay.

Nghề buôn bán mai rừng đang giúp nhiều hộ dân ở Ia Kênh có cuộc sống khấm khá hơn. Vợ chồng ông Luih vừa xây cho cậu con trai thứ một ngôi nhà trị giá gần nửa tỷ đồng. Tương tự, ngôi nhà xây khoảng 300 triệu đồng của anh Pơl cũng được xây dựng bằng tiền tích cóp từ việc buôn bán cây mai. Đối với anh Lem, tiền lãi từ việc bán mai giúp gia đình anh có cuộc sống ổn định hơn, con cái được ăn học đầy đủ. Bí thư Đảng ủy xã Ia Kênh cho biết thêm: “Ở đây, bà con bán mai quanh năm. Cứ vài tháng lại có người ở các tỉnh miền Trung đánh xe ô tô tải loại lớn lên mua cây mai rồi chở về dưới đó. Nhiều hộ có cuộc sống khấm khá nhờ buôn bán mai. Các hộ còn lại cũng có đồng ra đồng vào, nhất là dịp Tết”.

 


Ông Rơ Lan Luih (làng Mơ Nú, xã Ia Kênh): “Mình buôn bán mai khoảng 15 năm nay. Ngày trước, mỗi dịp Tết Nguyên đán, mình chặt cành trong vườn ra bán với nhiều mức giá khác nhau. Sau thấy nhu cầu mua cao, bán có lời nên mình đi mua thêm cành, nhánh mai của bà con trong xã mang ra bán. Nếu người chơi hỏi mua nguyên cây mai trong vườn, mình cũng bán luôn”.
 

 HOÀNH SƠN-NGỌC SANG