(GLO)- Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh (SLTS và SS) được triển khai ở Gia Lai từ năm 2009 đến nay đã giúp cho ngành dân số phát hiện, can thiệp kịp thời khá nhiều bệnh tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh. Đặc biệt, đề án đã làm thay đổi nhận thức của người dân về việc tham gia các quá trình sàng lọc.
Trước đây, khi đề án chưa được triển khai thì phần lớn phụ nữ mang thai ở Gia Lai mỗi khi đi khám, siêu âm thai chỉ quan tâm đến giới tính, cân nặng của con chứ ít ai nhờ bác sĩ đo độ mờ da gáy, kiểm tra nhiễm sắc thể, nước ối… xem thai nhi có bị dị tật, bị bệnh tim bẩm sinh hay không? Song vấn đề này lại rất quan trọng, cần thiết để duy trì nòi giống và tương lai của con em sau này. Bởi nếu được khám sàng lọc trong quá trình bà mẹ mang thai sẽ phát hiện được những khuyết tật ở trẻ và xử lý kịp thời. Với những khuyết tật không khắc phục được, các bác sĩ sẽ có những tư vấn hữu ích cho các bà mẹ và gia đình.
Các y-bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh lấy máu trẻ khi mới sinh ra để phát hiện dị tật. Ảnh: Đinh Yến |
Bà Đinh H’Nghĩa- Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, cho rằng: Tỷ lệ trẻ sơ sinh và trẻ em bị dị tật, khuyết tật ở Gia Lai vẫn còn ở mức cao, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dân số, vì thế việc triển khai đề án SLTS và SS sẽ từng bước kiểm soát, phát hiện điều trị nhằm giảm thiểu tỷ lệ trẻ sinh ra bị dị tật, dị dạng, mắc các bệnh di truyền, bệnh tim bẩm sinh.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Viết Nhân-Trưởng bộ môn Di truyền Đại học Y Dược Huế, sản phụ phải xét nghiệm để đo nồng độ AFP và siêu âm khi thai được 12-16 tuần của thai kỳ là bởi siêu âm trong giai đoạn này sẽ giúp cho thai phụ đánh giá sức khỏe của thai nhi và cho phép phát hiện 98% các dị tật hở của ống thần kinh và nhiều loại dị tật bẩm sinh khác. Từ 32 đến 37 tuần thai phụ tiếp tục siêu âm để đánh giá sự phát triển, kích thước, trọng lượng, tư thế của thai để chuẩn bị cho cuộc chuyển dạ.
Đối với trường hợp trẻ sinh ra bị thiểu năng tuyến giáp bẩm sinh thì việc khám SLTS và SS càng có ý nghĩa quan trọng. Bệnh bẩm sinh này liên quan đến tuyến giáp nằm ở phía trước cổ. Tuyến giáp sản xuất ra một loại nội tiết tố (còn được gọi là hoóc môn) gọi là tyrôxin rất cần thiết cho sự phát triển bình thường của cơ thể.
Nếu tuyến giáp không sản xuất đủ tyrôxin sẽ gây ra thiểu năng tuyến giáp. Vì vậy, tất cả trẻ sơ sinh cần được xét nghiệm sớm để phát hiện thiểu năng tuyến giáp bẩm sinh bằng cách lấy một giọt máu khô ở gót chân trẻ để gửi đi phân tích. Thời gian lấy máu gót chân của trẻ lý tưởng nhất là từ 24 tiếng đến 36 tiếng sau sinh, tối đa là 48 tiếng, do y-bác sĩ ở cơ sở y tế thực hiện. Nếu sản phụ có tiền sử gia đình khuyết tật, cần làm một số xét nghiệm chẩn đoán sẽ được tiến hành để xác định tình trạng bệnh tật. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ có khả năng bị thiểu năng tuyến giáp bẩm sinh, trẻ sẽ được khám bởi một bác sĩ chuyên khoa và được thực hiện xét nghiệm để xác định chắc chắn trẻ có bị thiểu năng hay không.
Theo báo cáo của Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh, hiện nay trẻ em bị dị tật bẩm sinh ở Gia Lai chiếm 2,6% trong tổng số trẻ em sinh ra sống; chết trẻ em dưới 5 tuổi là 3,2%; nhiều gia đình cả 2-3 đứa con đều bị dị tật bẩm sinh. Năm 2012, Gia Lai tiếp tục triển khai đề án đến 14 huyện, thị xã và 131 xã trên địa bàn tỉnh. |
Với ý nghĩa của việc SLTS và SS như nêu trên, nhưng trước thông tin về tình hình dị tật của thai nhi, thái độ của các sản phụ rất khác nhau. Từ chỗ họ cảm thấy bất ngờ đến việc nhiệt tình tham gia việc triển khai đề án thì không hề đơn giản. Chị Nguyễn Thị Thủy-xã Ia Boòng (huyện Chư Prông), ôm đứa con trai được 4 tháng tuổi nhỏ thó trên tay và liên tục quấy khóc, da tím tái, rưng rưng nước mắt khi đứng đợi đến lượt trong đợt khám sàng lọc trẻ bị bệnh tim bẩm sinh tại Bệnh viện Đại học Y Dược Hoàng Anh Gia Lai, kể: Tôi phát hiện có biểu hiện bất thường khi thai được 16 tuần, nhưng do hiểu mù mờ thông tin nên chỉ điều trị qua loa ở Trung tâm Y tế huyện đến khi sinh cháu ra được 1,2 kg và cháu mắc rất nhiều bệnh. Cháu được 4 tháng tuổi mà vẫn như lúc mới sinh ra, càng ngày thấy càng yếu đi. Nếu trước đây tôi hiểu ra đi siêu âm thì bây giờ vợ chồng tôi đỡ khổ hơn.
Chị Kpuih Ble-cộng tác viên dân số làng Phun B, xã Ia Phang (huyện Chư Pưh) thì cho biết, hầu hết chị em trong làng bây giờ khi mang thai đều đi siêu âm để kiểm tra sức khỏe của bào thai và phát hiện một số dị tật của thai nhi. Có trường hợp thai nhi bị dị tật, các y-bác sĩ khuyên hủy bỏ thai kịp thời gia đình hiểu ra và đồng ý bỏ.
Theo chị Rah Lan Hồng- Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ia Phang (huyện Chư Pưh), việc triển khai đề án ban đầu cũng gặp khó khăn. Nhiều chị em không nhận thức được, thậm chí có người còn cho đó là không cần thiết vì trước đây người ta không làm gì hết nên vẫn sinh con bình thường. Có chị em thì cho rằng, cha mẹ khỏe mạnh con sinh ra sẽ bình thường nên không phải xét nghiệm. Song qua nhiều lần giải thích cộng với việc nhiều người tham gia đã tác động tích cực đến các gia đình khác nên việc triển khai đề án cũng thuận lợi hơn trước rất nhiều.
Đinh Yến