(GLO)- Trong khi một số ca sĩ Gia Lai đang tìm cơ hội phát triển nghề nghiệp ở những thành phố lớn thì Ksor Đức-sau 7 năm hoạt động nghệ thuật ở TP. Hồ Chí Minh-đã quyết định quay về tìm lại một góc tĩnh lặng cho riêng mình nơi Phố núi thân thương.
Có một hoa vàng trên Cao nguyên
Lặng lẽ suốt gần 1 năm qua và gần như không có hoạt động âm nhạc gì nổi trội, nhưng gần đây, khi một video clip về hoa dã quỳ vàng trên đỉnh Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah) xuất hiện trên mạng xã hội với phần nhạc nền là bài hát “Hoa vàng trên cao nguyên” thì cái tên Ksor Đức lại khiến người ta hết sức tò mò. Hãy cùng lắng lòng để nghe những giai điệu, ca từ thật lãng mạn và khoáng đạt, qua giọng ca thật vang và ấm: “Rồi gió cuối năm lại về/Hoa vàng thắm sắc trên đồi cao/Nhớ ánh mắt em ngây dại/Nhớ đắm say, rồi chợt yêu… Chợt tiếng hát ai cuối chiều/Hoàng hôn tím cho ta gần nhau/Hãy lắng nghe nơi tim mình/Tình yêu ấm áp trong ánh mặt trời… Cao nguyên em hoa vàng rực rỡ/Không nơi đâu đẹp như nơi này/Ta cùng ngất ngây giữa rừng xanh/Theo nhịp xoang quanh lửa hồng ngày hội say men…”. Một không gian mênh mang, xôn xao của dã quỳ cứ thế trải dài trong bài hát.
Ca sĩ Ksor Đức (ảnh do nhân vật cung cấp). |
Trò chuyện cùng Gia Lai Cuối tuần, Ksor Đức cho hay, anh sáng tác bài “Hoa vàng trên cao nguyên” cách đây 2 năm, trong một ngày cuối năm Sài Gòn đột ngột chuyển mùa, gợi những niềm nhớ về cao nguyên Pleiku. Vậy là những ca từ, giai điệu như thế đã ra đời chỉ trong vòng một buổi sáng, mang theo nỗi lòng rất thật của một người con xa Phố núi. Bài hát được nhạc sĩ Tuấn Khanh góp ý, chỉnh sửa, và rồi xuất hiện trong album “Về với tôi”. Album này ra mắt trên trang Zing.mp3 với 3 bài gồm: “Về với tôi”, “Hoa vàng trên cao nguyên” và “Góc yên bình” với phong cách ballad đậm chất trữ tình.
Đến nay, chàng trai Jrai sinh năm 1984 đến từ làng Chuét 1 (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) đã có trong tay gần 20 ca khúc tự sáng tác. Không nhiều, nhưng lại là “hàng hiếm”, bởi anh là một trong số rất ít những ca sĩ tại Gia Lai có khả năng vừa hát vừa sáng tác, sau nhạc sĩ Phi Ưng (thành viên nhóm nhạc Bazan, hiện đang công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh). Cảm hứng lớn nhất của Đức trong sáng tác chính là niềm đau đáu về quê nhà. Đồng thời, cái khó nhất trong sáng tác cũng lại là cảm hứng. Có khi chỉ cần một buổi sáng là hoàn thành một bài hát, nhưng cũng có bài cần đến khoảng thời gian dài, có khi là nhiều năm trời. “Một ngày, bỗng nhiên tìm thấy một bài hát đã viết đoạn mở đầu từ rất lâu rồi, và khi đó mình mới viết tiếp được đoạn cuối”-anh chia sẻ.
“Xa mấy cũng muốn quay về”
Không chỉ theo nghiệp từ năng khiếu, Ksor Đức có đến 7 năm được đào tạo bài bản trong môi trường âm nhạc tại một địa chỉ có tiếng: Trường Đại học Văn hóa-Nghệ thuật Quân đội. Năm 2001, trường về Gia Lai tuyển một số học viên người dân tộc thiểu số có năng khiếu về âm nhạc vào học. Ksor Đức nhanh chóng được ghi danh vào học, ngoài ra Đức còn lợi thế khác là có 2 chị gái đang theo học tại đây, trong đó một người hiện vẫn đi theo con đường nghệ thuật, đó là nghệ sĩ đàn t’rưng Ksor Bla, hiện công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
Hoàn thành 3 năm hệ trung cấp Khoa Thanh nhạc, Ksor Đức tiếp tục học liên thông lên cao đẳng. Sau đó, anh về công tác tại Đoàn Nghệ thuật Đam San được gần 1 năm thì lại đăng ký học liên thông lên đại học tại TP. Hồ Chí Minh (lúc này Trường Cao đẳng Văn hóa-Nghệ thuật Quân đội vừa lên đại học, có cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh). Hoạt động nghệ thuật rất sôi động tại miền đất phương Nam này khiến anh quyết định trụ lại. Có thời gian anh được ca sĩ Siu Black và nhạc sĩ Tuấn Khanh dìu dắt, giúp đỡ khá nhiều. Với thế mạnh là những ca khúc về Tây Nguyên và chất giọng bariton đầm ấm, có thể hát cả nhạc trữ tình và rock, Ksor Đức từng lọt vào vòng Đối đầu của cuộc thi Giọng hát Việt mùa đầu tiên (The Voice 2012). Cùng với hoạt động ca hát, anh vẫn duy trì nghề tay trái, đó là làm nhân viên văn phòng của Công ty Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco).
Sau một vài biến cố trong cuộc sống, gần 1 năm nay anh quay về “ở ẩn” tại Gia Lai. Anh trải lòng: “Giờ tôi không muốn bon chen nữa. Sống xa nhà từ nhỏ, nay chỉ muốn gần gia đình hơn. Giờ tôi được tận hưởng cuộc sống nơi quê nhà, nơi có những kỷ niệm tuổi thơ. Quê hương đối với tôi là không thể xa rời, dù đi xa mấy cũng muốn quay về…”. Những tâm tư đó đã được Đức gửi gắm trong “Về với tôi”: Giữa phố thị đông người chật chội/Nắng chói chang đổ xuống chiều muôn lối/…Chợt tôi nhớ về nơi xa xôi quê mình… Bạn và tôi, biết mai sẽ ra sao/Mà sao ta vẫn cứ mãi hơn thua bon chen…
Giờ thì Đức chỉ cười nhẹ khi được hỏi: “7 năm được đào tạo âm nhạc bài bản, sao giờ lại buông xuôi?”, hoặc “sống như bây giờ có lặng lẽ quá?”. Anh trả lời: “Giờ tôi muốn nghỉ ngơi và sẽ trở lại với những dự án âm nhạc khi lòng đã nhẹ nhàng hơn, tĩnh lặng hơn”. Anh cho biết mình chưa có định hướng gì rõ ràng, nhưng có lẽ sẽ mở những lớp dạy nhạc cho các em nhỏ, và mở một phòng thu. Nếu có lời mời tham gia chương trình ở các thành phố khác thì vẫn sẽ nhận lời. Một “tham vọng” khác của Đức là dành thời gian nghiên cứu về dân ca và bảo tồn âm nhạc Tây Nguyên.
Dù sao chăng nữa, người yêu nhạc Phố núi vẫn đang chờ đợi những bài hát mới của chàng ca sĩ-nhạc sĩ Jrai, vẫn chất nhạc trữ tình, vui tươi, khỏe khoắn như “Cho tôi một góc yên bình, khung trời riêng tư, tự do hát ca/Cho tôi về với quê mẹ, nơi hoang sơ rừng xưa đại ngàn/...Say, cho tôi say một chút men tình/Ngất ngây theo nhịp điệu cồng chiêng, quên đi ngày tháng nhọc nhằn/Bay, cho tôi bay theo cánh chim trời, bay qua những cánh rừng cà phê, qua những buôn làng xa xôi, nơi tôi chào đời…” (Góc yên bình).
Lam Nguyên