Cà phê du lịch ở Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều quán cà phê ở Pleiku có xu hướng khai thác triệt để dư địa về văn hóa, địa hình, khí hậu để tạo nên không gian đặc trưng riêng. Phong cách cà phê này đang dần trở thành những địa điểm hấp dẫn không chỉ với người dân địa phương mà còn hướng đến phục vụ khách du lịch khi tới trải nghiệm vùng đất cao nguyên.

Khai thác đặc thù địa lý vào không gian cà phê

Con đường với những khúc cua dưới hàng thông dẫn đến Thông Farm & Bistro (466 Lê Thánh Tôn) đã “đốn tim” bao bước chân lữ khách ngay giây phút đầu tiên bởi không gian thiên nhiên rộng mở, đặc trưng. Ở Thông Farm, sáng sớm tìm một chỗ ngồi dưới bóng thông xanh, bình yên ngắm ruộng đồng trù mật bảng lảng bên dưới sương mù. Chiều xuống, hoàng hôn phản sắc xuống ruộng nơi thung lũng tạo nên một khung cảnh huy hoàng.

Anh Nguyễn Quốc Bảo-chủ Thông Farm-cho biết, quán rộng 2,3 ha, thiết kế theo phong cách Đà Lạt, có nhiều view đẹp, góc sống ảo và một vườn cúc họa mi. Ai cũng có thể tìm được chỗ ngồi vừa ý để thưởng thức đồ uống, đắm chìm trong khung cảnh thiên nhiên mộng mơ. Anh Bảo cho biết, dù quán có hơi hướng của không gian cà phê Đà Lạt, nhưng về lâu dài, anh muốn tạo cho Thông Farm một cá tính riêng, không chỉ để khách du lịch cảm nhận hơi thở và dòng chảy cà phê khác biệt, mà còn để người dân Phố núi có thêm một địa điểm vui chơi, giải trí.

 Thông Farm (466 Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku) có không gian thiên nhiên rộng mở, đặc trưng. Ảnh: Hoàng Ngọc
Thông Farm (466 Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku) có không gian thiên nhiên rộng mở, đặc trưng. Ảnh: Hoàng Ngọc


Một quán cà phê có view đồng ruộng và ngắm hoàng hôn cực chất khác là Chill Factory (17 Bùi Đình Túy). Quán do một người làm việc trong lĩnh vực du lịch lâu năm thiết kế nên đánh trúng nhu cầu và tâm lý về một địa điểm không chỉ để uống cà phê. Chill Factory không chỉ là một nơi chốn tuyệt đẹp để ngắm hoàng hôn mà còn khiến bạn sững sờ bởi vẻ đẹp bốn mùa bên thung lũng vốn là một miệng núi lửa đã tắt. Vào mùa dã quỳ, từ Chill Factory có thể trải tầm nhìn ngắm trọn thung lũng vàng sắc dã quỳ bao bọc những thửa ruộng.

Vào những đêm mùa đông, trong không khí đẫm sương lạnh, khách có thể đốt lửa, cùng nhau xuýt xoa cái lạnh Phố núi, thưởng thức trái bắp, củ khoai thơm lừng trên than hồng, chill khoảnh khắc thành phố về đêm huyền ảo trong ánh đèn màu. Sáng sớm ngày mưa, không gian của Chill Factory chìm trong sương mù giăng kín. Cả thung lũng bàng bạc màu sương hư ảo.

3 Nhiều bạn trẻ mượn không gian cà phê để thực hiện những bộ ảnh cưới. Ảnh Chiu Hiu JPG.jpg
Nhiều bạn trẻ mượn không gian quán cà phê để thực hiện những bộ ảnh cưới. Ảnh: Chiu Hiu


Xuất hiện đầu tiên và mở đầu cho xu hướng “cà phê du lịch” này phải kể đến quán ChiuHiu nằm giữa rừng thông xanh, quay lưng về phía viên ngọc bích Biển Hồ. Không chỉ là nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất, ấn tượng nhất Phố núi, ChiuHiu còn là giấc mơ về một cuộc sống bình dị, mộc mạc, chan hòa giữa thiên nhiên với ngôi nhà gỗ bên lưng đồi, có hồ nước, thông reo. Quán có nhiều đồ uống đặc trưng nhưng đặc biệt nhất phải kể đến cà phê muối. Tìm một chỗ trên chiếc ghế gỗ cũ, nhâm nhi vị mặn, béo của ly cà phê muối đang tan dần, ngắm hoàng hôn bình yên thả những giọt nắng cuối ngày là dư vị khó quên. Vào những dịp đặc biệt như Noel, đón năm mới…, ChiuHiu còn tổ chức những sự kiện âm nhạc, giải trí phù hợp với thị hiếu giới trẻ.

Anh Nguyễn Huy Hoàng-một bạn trẻ thuộc thế hệ 9X ở Gia Lai hiện đang làm CEO ngành nhà hàng, khách sạn ở TP. Hồ Chí Minh-cho biết: “Tôi khá ấn tượng bởi những quán cà phê mới mở rất phong cách như ChiuHiu, Yên, Thông Farm... Tôi yêu thích không gian cà phê theo phong cách này. Để ý sẽ thấy Gia Lai bây giờ khí hậu lạnh hơn, và nhiều người đã chú ý khai thác các yếu tố đặc trưng để thổi hồn vào không gian cà phê, tạo nhiều dư vị cho khách du lịch khi đến đây trải nghiệm”.

Tạo sự kiện để hấp dẫn du khách

Không chỉ là những quán cà phê view đẹp, khai thác triệt để dư địa về địa hình, khí hậu đặc thù, việc các quán cà phê tạo ra sự kiện âm nhạc, văn hóa, giải trí còn giúp giới trẻ có địa điểm giải trí, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. Nhiều năm gắn bó với du lịch tại Hội An trước khi trở về Gia Lai mở cà phê Chill Factory, anh Vũ Đức Thu Ân cho biết việc tạo ra sự kiện ở các quán cà phê là yếu tố hấp dẫn không chỉ cho người dân mà cả khách du lịch. Đây là cách mà ở các thành phố du lịch như Hội An, Đà Lạt đã làm rất thành công để thu hút du khách.

Một góc ngắm hoàng hôn tại không gian cà phê Chill Fartory. Ảnh: Hoàng Ngọc
Một góc ngắm hoàng hôn tại không gian cà phê Chill Factory. Ảnh: Hoàng Ngọc


Với Chill Factory thì quán thường tổ chức các workshop theo chủ đề như vẽ bánh cookies đón Tết, những bữa tiệc âm nhạc điện tử với không khí sôi động và âm thanh “thôi miên” giới trẻ. Mặc dù quán có những quy định khá chặt chẽ khi tham gia các sự kiện này như phải tải ứng dụng PC-Covid, điền đầy đủ thông tin và đảm bảo tiêm đủ mũi vắc xin; khi đến check-in phải xếp hàng và quét mã QR để đảm bảo quy định phòng-chống dịch nhưng vẫn thu hút khá đông giới trẻ.

Anh Nguyễn Quốc Bảo-chủ Thông Farm thì có ý tưởng: “Khi quán hoạt động ổn định và dịch bệnh được kiểm soát tốt, chúng tôi sẽ tổ chức thêm chương trình nhạc acoustic với chủ đề “Giai điệu hoàng hôn” vì đây là địa điểm ngắm hoàng hôn tuyệt đẹp. Trên sân khấu ngoài trời, trong khung cảnh thơ mộng, mọi người có thể hát để kể cho nhau nghe những câu chuyện tình yêu, những giai điệu ngọt ngào, chắc chắn sẽ là kỷ niệm rất đáng nhớ”.

Còn chị Phùng Thị Thảo Nhung-một blogger du lịch người Gia Lai, sáng lập trang E-dulich, với kinh nghiệm du lịch nhiều vùng đất của Việt Nam và hơn 35 quốc gia trên thế giới-cũng chia sẻ: “Sự ra đời của những không gian cà phê đặc trưng sẽ tạo nên hiệu ứng tích cực cho du lịch Gia Lai. Như cách Đà Lạt đã tạo được dấu ấn đối với khách du lịch từ phong cách cà phê, văn hóa cà phê của họ. Với vùng đất nhiều dư địa để phát triển như Gia Lai thì không cần phải “bắt chước” ai, mà nếu tạo được phong cách cà phê thu hút người dân lẫn du khách thì sẽ tạo nên đặc trưng riêng và hiệu ứng không nhỏ đối với ngành du lịch”.

 

HOÀNG NGỌC