Bẫy bùa ngải tràn lan trên… mạng xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trên mạng xã hội, nhiều hội nhóm mua bán bùa, ngải, vòng phong thủy giúp cầu tình duyên, tài lộc và cả điểm số trong thi cử.
Trước những lời mời chào hấp dẫn, không ít người bị các thầy bùa “dỏm” lừa đảo và chịu cảnh chuyển tiền xong thì thầy tự nhiên “biến mất”.
Bát nháo hội tâm linh
Tham gia vào nhóm Chuyên Bùa Yêu Bùa Ngải Tâm Linh Thái Lan trên Facebook, PV Thanh Niên phát hiện nhiều loại bùa được rao bán như: bùa cầu công việc suôn sẻ, cầu tình duyên trọn vẹn thậm chí có cả cầu cho “thi đậu ĐH”.
Đây là một nhóm riêng tư được thiết lập hồi tháng 4.2021 và đến nay có hơn 38.000 thành viên. Muốn gia nhóm này, người dùng phải trả lời đầy đủ các câu hỏi như “Bạn vào đây để làm gì? Bạn có tin vào tâm linh không?”, sau đó quản trị viên sẽ duyệt để vào nhóm. Ngoài bán bùa thì trang này còn quảng cáo móc khóa, vòng tay, nến… mỗi thứ sẽ có một chức năng khác nhau như cầu sức khỏe hay tình duyên.

Người bán giới thiệu các loại bùa với PV Thanh Niên thông qua nền tảng Messenger. Ảnh chụp màn hình
Người bán giới thiệu các loại bùa với PV Thanh Niên thông qua nền tảng Messenger. Ảnh chụp màn hình
Vào vai một người cần mua bùa để cầu cho em trai thi đậu vào một trường ĐH danh tiếng, PV Thanh Niên đã tiếp cận tài khoản tên H.H.H (quê Phú Thọ).
H.H.H. giới thiệu một loại bùa để trong ốp lưng vào điện thoại với giá 550.000 đồng/1 lá, chưa tính tiền vận chuyển. Người này hướng dẫn chi tiết cách sử dụng cùng một số điều kiêng kị khi dùng bùa như “kiêng ăn thịt chó, không để bùa ở trong cốp xe hoặc nhà vệ sinh”.

Đủ loại bùa cầu may được rao bán trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình
Đủ loại bùa cầu may được rao bán trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình
Khi được hỏi về tác dụng của lá bùa, H. cho rằng phải tùy “lộc” của từng người thì bùa sẽ hiệu nghiệm và quan trọng nhất là “dùng hàng phải có sự tin tưởng mới được”.
Tương tự, một tài khoản khác mang tên P.T.T.L (Hà Nội) tư vấn nhiệt tình về lá bùa có giá 25.000 đồng, với công dụng không khác gì tài khoản H.H.H. giới thiệu ở trên.
Tuy nhiên, mỗi lá bùa do T.L rao bán có một chức năng riêng và được xếp theo học tập, sức khỏe, vận hạn. Do đó, nếu muốn linh nghiệm thì T.L tư vấn phải mua hết 4 lá bùa, tổng cộng 125.000 bao gồm phí vận chuyển. Theo T.L, 4 lá bùa trên có hạn dùng từ 6 tháng - 1 năm và người dùng tránh để bùa nơi bẩn, nếu không dùng nữa thì “bóc đốt đi rồi đổ tàn vào gốc cây”.
Khi được hỏi vì sao có sự chênh lệch lớn về giá cả, T.L nói: “Đấy là họ nhờ thầy lễ nên giá khá là cao. Em thỉnh bên chị thì chị sẽ chỉ em cách em lễ ông bà gia tiên tại nhà. Vẫn có lộc bình thường nha. Quan trọng là niềm tin của mình vào sản phẩm”.
Hoang mang vì thầy bùa lấy tiền xong “mất tích”
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, mỗi ngày có hàng chục người tự xưng là “thầy” đăng bài nhận thỉnh bùa trong các hội nhóm bùa ngải. Nhiều đối tượng còn đăng tải thêm những hình ảnh phản hồi tích cực của người thỉnh để tăng độ tin cậy cho khách hàng.
Tuy nhiên, trong các hội nhóm này cũng xuất hiện không ít bài viết tố cáo các thầy bùa “dỏm”. Với phương châm “phải chuyển tiền trước rồi mới nhận được bùa”, các đối tượng lừa đảo ngang nhiên nhận tiền rồi cắt đứt mọi cách thức liên lạc với nạn nhân.

Bài đăng của Nguyễn Tâm trong hội nhóm “Bùa, ngãi, bùa yêu, bùa làm ăn”. Ảnh chụp màn hình
Bài đăng của Nguyễn Tâm trong hội nhóm “Bùa, ngãi, bùa yêu, bùa làm ăn”. Ảnh chụp màn hình
Trong một trường hợp cụ thể, nạn nhân K.T.N. (ngụ tại TP.HCM) kể cô liên hệ với tài khoản Trâm Lê thông qua mạng xã hội. Sau đó, Trâm Lê giới thiệu cho cô một người thầy tên C.N. (ở Hòa Bình) nhận làm bùa rồi trả lễ sau.
Ban đầu, C.N. yêu cầu cô đưa trước 150.000 đồng tiền cúng lễ, rồi đến ngày hẹn, tiếp tục viện lý do khó làm phép lấy bùa nên xin thêm 300.000 đồng. Tuy nhiên, sau đó thầy cúng “bặt vô âm tính”. “Tôi nghĩ rằng người giới thiệu và thầy bùa đó cùng 1 người vì khi tài khoản Facebook người này tắt thì Zalo người kia hoạt động và ngược lại”, K.T.N. chia sẻ.
Còn H.K (ngụ tại Bình Dương) liên hệ với một người để mua bùa và “thầy” yêu cầu chuyển khoản trước 9 triệu đồng rồi mất liên lạc chỉ vài phút sau khi nhận được tiền.

Một bài viết bốc phốt trò lừa đảo bán bùa
Một bài viết bốc phốt trò lừa đảo bán bùa
Thậm chí, một trang trên mạng xã hội còn rao bán cả bùa phép ngoại nhập, chẳng hạn bùa thỉnh từ Nhật Bản. “Tôi hỏi mua một loại bùa giúp suôn sẻ trong học tập với giá 90.000 đồng. Sau đó, khi tìm hiểu kỹ hơn thì tôi mới biết lá bùa mình mua về là đồ giả, chỉ là tờ giấy và cũng có tác dụng tâm linh gì”, nạn nhân N.H tố cáo một cửa hàng chuyên bán bùa may mắn Nhật Bản trên Facebook.
Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Văn Tường, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhận định sinh viên mua bùa, vòng phong thủy với mong muốn đạt được điểm cao trong thi cử là dựa trên cơ sở niềm tin của mỗi cá nhân sinh viên, niềm tin này có thể được hình thành từ trải nghiệm thực tế của sinh viên hoặc ảnh hưởng từ niềm tin của bạn bè, người thân.
“Trong quá trình học tập, làm việc mỗi người có quan điểm riêng, dù tin vào điều gì đi chăng nữa thì cũng không thể phủ nhận vai trò của chính bản thân mình, đó là sự nỗ lực, kiên định để đạt được mục tiêu. Để có được điểm số như mong muốn thì cùng với niềm tin vào sức mạnh từ bên ngoài, học sinh sinh viên cũng nên phát triển niềm tin vào năng lực của bản thân mình. Từ đó hiểu rõ việc mình cần làm, nên làm hoặc phải làm là gì. Học tập là một quá trình, học sinh, sinh viên cần chủ động thiết kế, xây dựng kế hoạch học tập và điều chỉnh khi cần thiết”, tiến sĩ Tường đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ.
Theo Tuyết Rcom-Trần Thanh Thảo (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

(GLO)- Hình ảnh cậu bé Husy (11 tuổi, làng Bok Ayơl, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đứng trên sân khấu say sưa diễn tấu tiết mục “Độc tấu t’rưng-Buôn làng ấm no” tại Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn tỉnh lần thứ III diễn ra hồi tháng 10 vừa qua đã để lại ấn tượng thật khó phai.

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Không được đến trường, những đứa trẻ từ 5-10 tuổi ăn mặc lem luốc lượn lờ khắp nơi xin tiền người đi đường, bất kể trời mưa nắng. Không có tuổi thơ, giờ chúng là “phương tiện” để người lớn kiếm tiền trên lòng thương cảm của người khác.