Bão Doksuri dự kiến đạt sức mạnh siêu bão khi tiến thẳng về Trung Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Bão Doksuri mạnh lên đang gây ảnh hưởng ở Philippines trước khi nhắm vào Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc) và một số khu vực ở miền nam Trung Quốc.
Ảnh radar bão Doksuri sáng 25.7. Ảnh: AccuWeather

Ảnh radar bão Doksuri sáng 25.7. Ảnh: AccuWeather

Siêu bão Doksuri, được gọi là Egay ở Philippines, tương đương với cơn bão cấp 3 trên thang Saffir-Simpson (tức có sức gió duy trì tối đa 178-208 km/h) tính tới tối 24.7, theo AccuWeather.

Nhà khí tượng học cấp cao Jason Nicholls của AccuWeather cho biết, sau khi tâm bão Doksuri đi vào eo biển Luzon trong đêm 25.7 hoặc ngày 26.7, dự kiến bão di chuyển gần hoặc ngay phía nam Đài Loan từ đêm 26-27.7, giờ địa phương.

Theo chuyên gia thời tiết Nicholls, cuộc đổ bộ của bão Doksuri có thể xảy ra ở phía đông Quảng Đông hoặc tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc vào 28.7, giờ địa phương.

Khi quét qua Philippines, bão Doksuri dự kiến mang theo mưa lớn tới phía bắc nước này từ 24-26.7. Lượng mưa trên diện rộng từ 50-100mm được dự báo trên cả nước, riêng phía bắc Luzon, quần đảo Batanes và Babuyan, lượng mưa dự kiến từ 200-900mm.

Dự báo đường đi của bão Doksuri sáng 25.7. Ảnh: AccuWeather

Dự báo đường đi của bão Doksuri sáng 25.7. Ảnh: AccuWeather

Lượng mưa 100-200mm dự kiến xảy ra ở Đài Loan từ 25-28.7, giờ địa phương, riêng phía nam Đài Loan mưa từ 200-300mm.

Lượng mưa tương tự dự kiến ở phía đông tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến của Trung Quốc từ 27-29.7, giờ địa phương. Trên khắp phần còn lại của miền đông Trung Quốc, từ tỉnh Quảng Đông đến Giang Tô, dự báo lượng mưa sẽ giảm còn 25-100mm, có thể dẫn đến các khu vực lũ quét.

“Có thể xảy ra thiệt hại trên diện rộng với cây cối, một số công trình điện và mất điện. Gió giật 160-190 km/giờ có thể xảy ra dọc theo bờ biển Trung Quốc và phần còn lại của Đài Loan với nguy cơ gây thiệt hại và mất điện" - ông Nicholls cho biết. Gió giật lên tới 100 km/giờ có thể xảy ra quanh Thượng Hải vào cuối tuần.

Chuyên gia thời tiết Nicholls cảnh báo thêm, ngay sau bão Doksuri, điều kiện thời tiết đang thuận lợi cho hình thành áp thấp nhiệt đới mới trên biển Philippines trong cuối tuần này. "Cơn bão tiềm tàng này có thể đe dọa miền đông Trung Quốc hoặc Nhật Bản vào tuần tới" - ông cảnh báo.

Trong khi đó, Reuters cảnh báo, bão Doksuri dự kiến đạt sức mạnh siêu bão khi tiến về phía bờ biển phía nam Trung Quốc.

Tốc độ gió tối đa gần mắt bão Doksuri có thể đạt tới cấp siêu bão 58 m/giây, tương đương 209 km/h, khi cơn bão tiến đến bờ biển phía nam Đài Loan, theo Cơ quan Khí tượng Trung Quốc ngày 24.7.

Tin bão mới nhất của cơ quan này cho hay, tính đến 8h giờ sáng 24.7, giờ Bắc Kinh, Doksuri cách Philippines khoảng 940 km về phía đông, mang theo sức gió lên tới 42 m/giây từng ghi nhận ở những cơn bão dữ dội - cấp độ mạnh chỉ sau siêu bão.

Với sức gió hủy diệt, những cơn bão quái vật như siêu bão có thể làm bật gốc cây cối, đổ đường dây điện và vỡ cửa sổ. Ngoài ra, mưa lớn đi kèm bão cũng gây ngập lụt và tàn phá cơ sở hạ tầng.

Cơ quan Khí tượng Trung Quốc cho biết, Doksuri có thể quét qua hoặc đổ bộ vào bờ biển phía tây nam Đài Loan trước khi đổ bộ tỉnh Phúc Kiến ngày 28.7.

Các quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực đã tăng cường ứng phó khẩn cấp với bão Doksuri.

Tân Hoa xã thông tin, khi cơn bão Doksuri tiến gần hơn, chiều 24.7, tỉnh Phúc Kiến ở Trung Quốc đã nâng cấp ứng phó khẩn cấp với bão lên cấp III, cấp cao thứ 3 trong thang ứng phó khẩn cấp ở Trung Quốc.

Dự kiến, bão Doksuri đổ bộ vào khu vực giữa bờ biển nam trung bộ của tỉnh Phúc Kiến và bờ biển phía đông của tỉnh Quảng Đông trong sáng 28.7 và có thể phát triển thành một siêu bão khi đổ bộ.

Phúc Kiến dự kiến Doksuri mang theo gió và mưa kéo dài từ 26.7, với lượng mưa mạnh nhất dự kiến ngày 28.7 khi bão đổ bộ.

Giới chức Phúc Kiến đang theo sát diễn biến của cơn bão Doksuri và thực hiện một loạt các biện pháp phòng ngừa. Tàu đánh cá đã được yêu cầu quay về bờ. Các biện pháp ứng phó bão cùng các biện pháp đề phòng thảm họa thứ cấp như lũ lụt, sạt lở đất đã được triển khai.

Có thể bạn quan tâm