Tổ chức tốt việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo tin từ Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia, công tác tổ chức chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 trong phạm vi cả nước đang được triển khai đúng pháp luật, bảo đảm tiến độ đề ra.

Hội đồng Bầu cử Quốc gia và các cơ quan hữu quan ở Trung ương đã tập trung thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn về bầu cử. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan, tổ chức, đoàn thể ở địa phương đã thực hiện tốt các bước chuẩn bị và đang khẩn trương, nghiêm túc triển khai các công việc còn lại, bảo đảm cho cuộc bầu cử diễn ra thành công.

 

Kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử.
Kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử.

Cả nước đã thành lập 184 Ban bầu cử đại biểu Quốc hội (63 tỉnh, thành phố); 1096 Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; 6.382 Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện (61/63 tỉnh, thành phố) và 76.605 Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã (61/63 tỉnh, thành phố).

Theo đánh giá của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, nhìn chung, các cơ quan phụ trách bầu cử ở Trung ương và địa phương được thành lập bảo đảm đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời gian, số lượng và thành phần theo quy định của pháp luật, hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, bảo đảm tổ chức cuộc bầu cử đúng tiến độ, kế hoạch đề ra với tinh thần khẩn trương, cẩn trọng và trách nhiệm cao.

Tổng hợp của Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia cho thấy tính đến 17 giờ ngày 13-3-2016 (là thời điểm cuối cùng nhận hồ sơ ứng cử), đã có 197 hồ sơ của những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV gửi đến Hội đồng Bầu cử quốc gia và 1012 hồ sơ của những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV gửi đến Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố.

Trong số này, có 162 hồ sơ tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV. Nhìn chung, hồ sơ của những người tham gia ứng cử bảo đảm kê khai đầy đủ và đúng theo quy định, tuy nhiên cũng có một số hồ sơ kê khai còn thiếu thông tin hoặc chưa đầy đủ, đã được Tổ giúp việc nhân sự của Hội đồng Bầu cử quốc gia hướng dẫn và gửi lại Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố để yêu cầu người ứng cử tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

Cùng thời điểm này, đã có 7.799 hồ sơ của những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh gửi về Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố; trong đó có 7.720 hồ sơ của những người ứng cử được các cơ quan, nhà nước tổ chức giới thiệu và 79 hồ sơ tự ứng cử.

Đối với bầu cử đại biểu Quốc hội, sau khi kết thúc Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, tổng số người được lập danh sách sơ bộ ở cả Trung ương và địa phương là 1.146 người (trong đó Trung ương là 197 người; địa phương là 949 người, có 154 người tự ứng cử), đạt tỷ lệ 2,29 người ứng cử trên 1 đại biểu được bầu. So với 198 người ứng cử được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ tại Nghị quyết số 1140/2016/UBTVQH13 ngày 5-2-2016 thì thiếu 1 người thuộc khối đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương.

Đối với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, tổng số đại biểu được bầu theo luật định là 3.919 người. Tổng số người ứng cử sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai thỏa thuận lập danh sách sơ bộ là 7.552 người.

Theo báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội nghị hiệp thương lần thứ hai đã lập danh sách sơ bộ 74 người tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Từ ngày 10 đến 18-3-2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập 6 đoàn công tác đến làm việc tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Qua giám sát, kiểm tra thực tiễn cho thấy các địa phương đã tích cực, chủ động triển khai các nội dung công việc chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo đúng kế hoạch, chỉ đạo và hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử quốc gia và các cơ quan, ban, ngành ở trung ương.

Hội đồng Bầu cử Quốc gia yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức tốt việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử từ nay đến 12-4-2016 bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng pháp luật; phân bổ ứng cử viên đại biểu Quốc hội ở Trung ương về ứng cử tại các địa phương đảm bảo đúng nguyên tắc và tiêu chí phân bổ; tiến hành Hội nghị hiệp thương lần thứ ba và ban hành Nghị quyết công bố danh sách chính thức những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước, trong đó đảm bảo đạt tỷ lệ nữ và dân tộc thiểu số theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Ủy ban bầu cử các cấp ban hành nghị quyết công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo từng đơn vị bầu cử theo đúng thời hạn quy định; tiếp tục rà soát danh sách cử tri; niêm yết danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; tổ chức tốt việc để người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp gặp gỡ, tiếp xúc cử tri thực hiện vận động bầu cử, báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu trúng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Hội đồng cũng lưu ý các địa phương chú ý một số tỉnh thực hiện chủ trương xây dựng các khu đô thị mới, tại một số đơn vị hành chính xã, phường (ở Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Hà Tĩnh) đã thực hiện di dân, giải phóng mặt bằng nên trong quá trình tổ chức bầu cử, những địa phương này gặp một số khó khăn, trở ngại liên quan đến lập danh sách cử tri, phát thẻ cử tri và chia đơn vị bầu cử...

Hội đồng Bầu cử Quốc gia cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác truyên truyền về bầu cử, tổ chức đa dạng các hình thức truyên truyền, nhất là về danh sách những người ứng cử, củng cố các cụm khẩu hiệu, panô, áp phích, tranh cổ động tại các khu vực đông dân cư và các địa điểm bỏ phiếu; tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đề phòng sự phá hoại của các thế lực thù địch, phản động lôi kéo quần chúng, phá hoại cuộc bầu cử.

Theo TTXVN