Thung sâu giữa lòng Phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bên cạnh Đà Lạt thì Pleiku có đặc điểm rõ nhất của vùng đồi núi cao nguyên với nhiều thung lũng tự nhiên đẹp và thơ mộng, hấp dẫn du khách. 
Đô thị Pleiku dù "sinh sau đẻ muộn" trong số các thành phố cao nguyên nước ta nhưng điều kiện tự nhiên không thua kém bất cứ đô thị miền núi nào. Đặc biệt, nơi đây xuất hiện sự kiến tạo địa chất với nhiều miệng núi lửa đã tắt hàng triệu năm. Bên cạnh đó, Pleiku có nhiều thung lũng rộng nằm trong lòng và ngoại ô cùng các con suối nhỏ nước chảy róc rách quanh năm.
Ở phạm vi bài viết này, tôi chỉ đề cập đến 4 thung lũng nội đô Pleiku tạo ấn tượng khá đậm nét cho bất cứ ai lần đầu đến thành phố Bắc Tây Nguyên này. Đó là thung lũng phía Bắc, ở cuối đường Tô Vĩnh Diện (gần làng Ốp) thuộc phường Hoa Lư, phía đối diện là Sân bay Pleiku; thung lũng phía Nam trên đường Lê Thánh Tôn, giáp đường Trường Sa, thuộc phường Hội Phú và phường Ia Kring; thung lũng phía Đông, nằm trên đường Tôn Thất Tùng (trước Bệnh viện Đa khoa tỉnh) quanh qua đường Lê Duẩn, kéo dài đến cầu Ia Sol (đường Cách Mạng Tháng Tám) thuộc phường Phù Đổng và Hội Phú; thung lũng phía Tây trên đường Phạm Văn Đồng (gần Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh và Trường Tiểu học-THCS-THPT Sao Việt) thuộc phường Tây Sơn. Hầu hết những thung lũng này có diện tích hàng chục héc ta, thuộc đất nông nghiệp; từ lâu được người dân địa phương khai phá để làm ruộng lúa nước hoặc trồng rau màu. 
Thung lũng phía Tây trên đường Phạm Văn Đồng (TP. Pleiku) gần Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh. Ảnh: Phan Lài
Thung lũng phía Tây trên đường Phạm Văn Đồng (TP. Pleiku) gần Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh. Ảnh: Phan Lài
Nếu nhìn Pleiku từ máy bay vào mùa lúa chín, chúng ta bắt gặp một màu vàng đều tắp từ các thung lũng như những cánh đồng nơi vùng duyên hải miền Trung đang vụ gặt. Hiện nay, bao quanh các góc thung lũng là những tuyến đường khá hiện đại. Các cụm dân cư tự phát ở kín dọc theo triền thung lũng tạo nên nhiều con đường bậc thang chạy xuống sát lòng thung.
Những năm gần đây, khi du lịch phát triển, nhiều doanh nghiệp làm dịch vụ đã mua đất bên cạnh các triền thung lũng để mở nhà hàng, quán cà phê… rất được thực khách ưa chuộng. Nếu ai đã từng đến Nhà hàng Thiên Thanh đối diện với thung lũng Trung tâm Huấn luyện-Đào tạo và Thi đấu thể thao tỉnh thì chắc chắn sẽ ấn tượng với không gian rộng mở, trong lành đầy thú vị. Hoặc đến quán Cà phê Hồn Gỗ nằm sát thung lũng phía trước Bệnh viện Đa khoa tỉnh trên đường Ngô Thì Nhậm, chúng ta có được những phút giây tĩnh lặng bên không gian xanh, thoáng mát.
Dịp cuối năm, nếu du khách thích ngắm hoa dã quỳ trong lòng phố thì đến với thung lũng gần làng Ốp; hay đến với thung lũng phía Nam trên đường Lê Thánh Tôn nép vào góc rừng thông bên đường Trường Sa tạo nên bức tranh sống động của đô thị trẻ.
Tuy nhiên, muốn biến ý tưởng quy hoạch, tôn tạo các thung lũng quanh TP. Pleiku thành những khu sinh thái nghỉ dưỡng và phát triển du lịch thì cần có tư duy đột phá, dám nghĩ dám làm và được sự đồng thuận của người dân. Trước mắt, theo chúng tôi, UBND TP. Pleiku cần quy hoạch để bảo toàn các thung lũng nói trên, không để các tổ chức, cá nhân tự xây dựng, đào lấp làm mất đi địa mạo, vẻ đẹp tự nhiên vốn có. Đồng thời, có kế hoạch để từng bước đầu tư xây dựng hạ tầng; tạo điều kiện, kêu gọi các doanh nghiệp đấu thầu các hạng mục theo quy hoạch, thiết kế đã đề ra.
Khó khăn nhất vẫn là công tác giải tỏa đền bù, chuyển mục đích một số diện tích đất đang trồng lúa và canh tác hoa màu của người dân sang mục đích khác. Đây là công việc khó khăn và lâu dài, cần phải thận trọng, minh bạch, vì lợi ích cộng đồng.
Tôi tin rằng, nếu ý tưởng này trở thành hiện thực thì bộ mặt đô thị Pleiku sẽ đổi thay toàn diện, môi trường sống của người dân được cải thiện đáng kể, vẻ đẹp tự nhiên của thành phố được tôn tạo một cách hài hòa, khó có đô thị cao nguyên nào sánh kịp.
 
BÙI QUANG VINH