Pleiku: Điểm đến hấp dẫn du khách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gắn bó với cao nguyên Pleiku mấy mươi năm, tôi cảm nhận được thành phố này có khá nhiều điều đặc sắc. Đó là địa hình thắng cảnh, văn hóa vùng đất… tạo thành nét riêng, hấp dẫn du khách.
Về địa hình thắng cảnh, Pleiku chủ đạo thế đất xen lẫn giữa núi đồi thoai thoải, suối nhỏ thơ thới và thung lũng miệng núi lửa tròn vành vạnh. Pleiku có những miệng núi lửa lồi như núi Hàm Rồng, núi Voi, có những miệng núi lửa sâu hoắm như Biển Hồ trầm mặc cổ tích, lại có những miệng núi lửa tối cổ bồi tụ làm nên những thung lũng xanh dịu mát.
Các thung lũng tự nhiên được phân bố khá hài hòa xung quanh thành phố như có bàn tay thần kỳ sắp đặt. Những Ia Choh (Bầu Một), Ia Pơi (Bầu Hai) ở phía Tây Nam; Ia Á ở Đông Nam; Ia Pe (thung lũng 37 Pháo binh) phía Tây; Ia Xí (giáp đường Phan Đình Phùng), Ia Nung (thung lũng Thiên Thanh), Ia Lâm (thung lũng gần Trường THPT Pleiku), Ia Soi (phần cuối suối Hội Phú)… Đó là những thảm xanh điểm xuyết giữa không gian trập trùng mái phố.
Xa nữa về phía Nam là núi Hàm Rồng mờ ảo, tựa như mái nhà rông khổng lồ mơ mộng. Là phát sinh của năm con suối đổ về các hướng trên cao nguyên Pleiku. Đi về hướng Bắc, Biển Hồ thâm trầm như cổ tích. Đó là một sự kết hợp âm dương rất hài hòa của trời đất. Nhìn về hướng Bắc, Pleiku có cái thế tự nhiên lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra hồ, đẹp một cách lý tưởng! Ngoại ô Pleiku 3 bề (Bắc, Tây, Nam) được bao bọc bởi những khu rừng thông, những trảng cỏ tự nhiên mướt mát như khoác cho thành phố tấm áo choàng xanh lộng lẫy.
Theo thế đất, những con đường Pleiku uốn lượn lên xuống với nhiều cung bậc. Đẹp nhất có thể nói là đường Nguyễn Tất Thành-Phạm Văn Đồng. Đây là con đường xuyên qua giữa lòng phố, ngang qua Quảng trường Đại Đoàn Kết khoáng đạt, với những đoạn khi uốn lượn, lúc trải dài vắt qua phố phường nhộn nhịp.
Phía ngoại ô thì có con đường tránh đi qua xã Gào anh hùng, xuyên giữa những khu vườn xanh bát ngát cao su, cà phê… Ngoại ô Pleiku còn có những đồn điền chè hàng trăm năm tuổi, những rừng thông tuyệt đẹp, xanh mướt và rất trong lành. Đầu mùa khô, rừng thông “xuống tóc” tạo nên những thảm vàng miên man giữa mặt đất cao nguyên. Sang xuân, cây thông “thắp nến”, những đọt chồi tua tủa giơ lên giữa trời xanh. Đó là sinh cảnh, là lá phổi xanh cho đô thị giữa 2 mùa mưa nắng.
Thành phố Pleiku nhìn từ trên cao. Ảnh: Phan Nguyên
Thành phố Pleiku nhìn từ trên cao. Ảnh: Phan Nguyên
Có thể nói, Pleiku là thành phố đa văn hóa, đa phong cách. Cư dân phần lớn là người thập phương tụ cư mưu sinh qua nhiều thế hệ, nhiều giai đoạn lịch sử. Đan xen trong đô thị hiện đại là những làng đồng bào dân tộc thiểu số. Những ngôi làng vẫn còn không gian thoáng đãng, còn những lễ hội truyền thống. Hiện nay, đời sống của bà con nơi đây được nâng lên, sinh hoạt được đổi khác. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, tự nó đã xóa đi, lãng quên nhiều di sản văn hóa một cách vô thức.
Vậy nên, để có một Pleiku hài hòa, ôn hòa và giữ được bản sắc văn hóa, rất cần có những cái nhìn kỹ càng thấu đáo. Theo đó, về môi trường sinh thái, cần dành quỹ đất trồng các băng rừng phía Đông thành phố, sẽ góp phần ngăn cản bớt những luồng gió khô từ hướng biển. Nên ưu tiên trồng các cây bản địa thường xanh như: sao xanh, hương, trắc, trám trắng, muồng đen, kơ nia…
Nếu được có thể duy trì và phát triển một số diện tích rừng tự nhiên hỗn giao với đa dạng loài cây bản địa tại xã Gào và phần đất thuộc Trung tâm Nghiên cứu rừng nhiệt đới. Rừng tự nhiên góp phần bảo tồn và đa dạng hóa nguồn gen thực vật quý hiếm, đồng thời đưa con người gần với thiên nhiên một cách thiết thực nhất, hấp dẫn nhất.
Trên địa bàn Pleiku có một số đồi núi cấu tạo từ đá bọt, đá gan gà, như đồi Đức Mẹ, đồi Pháo binh. Cần nghiên cứu phủ xanh bằng các loại cây rễ khí sinh thuộc họ đa, sung, si, sộp… Như vậy vừa điều hòa khí hậu, vừa tạo sinh cảnh cho thành phố, có thể làm nơi leo núi rèn luyện sức khỏe, du lịch sinh thái.
Trong khu vực nội thị cần cải tạo các thung lũng bán ngập. Có thể nghiên cứu đào đắp một phần những miệng núi lửa như Ia Lâm, Ia Soi, Ia Pe thành những hồ nước để tăng độ ẩm, điều hòa khí hậu cho Pleiku trong mùa khô, cũng là nơi vui chơi giải trí cho người dân trong tỉnh và thu hút du khách. Một số thung lũng lớn như Ia Xi, Ia Nung, Ia Choh, có thể cải tạo sơ bộ một phần nào đó diện tích thành những hồ sen, trồng các giống sen ngoại ra hoa nhiều lần trong năm, tạo cảnh quan sinh thái, thêm vẻ đẹp cho thành phố.
Ngoài ra, rất cần dành những diện tích ở các lưng đồi dốc xung quanh các miệng núi lửa sâu như Ia Nung, Ia Lâm, Ia Pe… để trồng nhiều cây xanh, tạo thành những công viên văn hóa. Ở đó ngoài cây xanh, hoa cỏ, cần có những khu mang đậm văn hóa Tây Nguyên như khu tượng cách điệu mô phỏng phong cách tượng mồ, làm bằng các chất liệu tốt chịu được mưa nắng như đá, đồng…
Ở các khu vui chơi nên trồng một số loại cây đã ăn sâu trong tâm thức người Tây Nguyên như: pơ lang, kơ nia… Có thể phục dựng một số nhà sàn, nhà rông truyền thống của người Jrai, Bahnar để du khách tham quan, tìm hiểu nét đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc bản địa.
Pleiku có lẽ cần sinh cảnh, sinh thái hơn là những khu cao ốc chọc trời, mà để có sinh cảnh thì yêu cầu phải đầu tư nhiều trí tuệ và tâm thức, tâm huyết. Hy vọng, Pleiku sẽ ngày càng xanh hơn, mát hơn, ôn hòa hơn, lãng mạn hơn, bản sắc hơn và trở thành một điểm đến đẹp, hấp dẫn, rất riêng giữa trùng trùng cao nguyên đất đỏ.
PHẠM ĐỨC LONG