 |
|
 |
|
 |
|
Nắng vàng chạm ngõ, anh Nguyễn Văn Nguyên (làng Kinh Pêng, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đi từ nhà ra khu đất canh tác của người dân dưới chân núi Chư A Thai để tìm gỗ hóa thạch. “Vùng này được mệnh danh là “vương quốc” của gỗ hóa thạch, nhất là trên dãy núi Chư A Thai. Ngày trước, gỗ hóa thạch còn nhiều, đường kính to, người dân trong vùng đi nhặt nhiều, nay thì ít hơn. Bà con thường tranh thủ lúc rảnh rỗi ra những thửa đất mới cày xới, san ủi lượm đá về bán. Có hôm trúng cục to bán tiền triệu nhưng cũng có ngày về tay không. Tính ra thì mỗi ngày đi nhặt cũng được vài trăm ngàn đồng”-anh Nguyên tâm sự.
Ở một khoảnh đất khác, anh Nguyễn Văn Chuyển (làng Dlâm) di chuyển theo dấu bánh máy cày tìm gỗ hóa thạch. Đưa cho tôi xem một vật hình chữ nhật có màu đỏ, dài chừng một gang tay, anh Chuyển hồ hởi: “Thạch mộc đấy. Cũng nhờ việc đi thu nhặt thạch mộc mà mấy năm nay, gia đình có thêm đồng ra đồng vào lúc nông nhàn để nuôi con cái ăn học. Ngày trước, vùng này có nhiều lắm, đào móng làm nhà cũng phát hiện gỗ hóa thạch. Thế nhưng, từ năm 1998, người dân các nơi đổ về hỏi mua nên bà con đổ xô đi kiếm về bán. Có người chỉ sau một hôm đã trở nên giàu có vì bán được khúc gỗ hóa thạch với giá cả tỷ đồng. Thế là không ai bảo ai, người trong vùng ùn ùn đi tìm thạch mộc. Thậm chí, có người thuê máy múc lên núi Chư A Thai đào tìm khiến cơ quan chức năng phải xử lý vì xâm hại đất rừng. Nay chỉ còn mấy cục nhỏ như này thôi, họa hoằn lắm mới nhặt được cục to”.
 |
|
Ở một nơi khác, đám trẻ chăn bò cũng đang cặm cụi tìm thạch mộc. Khi một đứa reo lên thông báo, tất cả tụm lại ngó nghiêng, thì thầm to nhỏ. Có đứa nghịch ngợm cầm mảnh gỗ hóa thạch bỏ chạy khiến các bạn hốt hoảng đuổi theo giật lại, tiếng cười nói rộn một góc núi.
Ông Phùng Trung Toàn-Chủ tịch UBND xã Chư A Thai-thông tin: Nghề săn tìm gỗ hóa thạch ở xã bắt đầu từ năm 1998, đến những năm 2005-2006 thì rộ lên vì giá cao, nhu cầu của thị trường lớn. Có không ít hộ dân đổi đời từ gỗ hóa thạch. Hiện nay, người dân một số làng của xã và thị trấn Phú Thiện vẫn đi nhặt gỗ hóa thạch nhưng không nhiều như trước. Cũng có một số người lên núi Chư A Thai dùng thuổng đào tìm. Tuy nhiên, gần 24 năm trôi qua, nguồn gỗ hóa thạch ở xã bị khai thác gần cạn kiệt, giá bán không còn cao, người mua cũng ít dần. Chủ yếu là các cục gỗ hóa thạch nho nhỏ được thợ thủ công ở thị trấn mua về chế tác thành vòng đeo tay. Mặt khác, nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại rừng để khai thác gỗ hóa thạch, các ngành chức năng của huyện phối hợp với xã triển khai nhiều đợt truy quét và tuyên truyền, vận động. Nhờ đó, thời gian gần đây không ghi nhận trường hợp khai thác gỗ hóa thạch trên diện tích rừng xã được giao quản lý.
 |
|
Nằm sâu trong lòng đất hàng triệu năm, những thân gỗ trên dãy núi Chư A Thai bị phong hóa, chuyển thành nhiều màu sắc, đường vân bắt mắt và có giá trị thẩm mỹ cao. Cùng với đó, việc người đời quan niệm thạch mộc mang trong mình hai dòng năng lượng của đá, gỗ sẽ mang lại may mắn, chữa được bệnh tật cho gia chủ nên rộ lên cơn sốt một thời. Sở hữu một bộ sưu tập đồ sộ thạch mộc có nguồn gốc từ Phú Thiện và Đà Lạt, chị Nguyễn Thị Thanh Thanh (phường Phù Đổng, TP. Pleiku) cho hay: Gia đình chị bắt đầu thú chơi gỗ hóa thạch từ năm 2010. Ban đầu, vợ chồng chị mua gỗ hóa thạch về cho thợ gia công để bày biện trong nhà nhằm mang lại sự may mắn. Sau đó, anh chị ngày càng đam mê các dòng sản phẩm từ gỗ hóa thạch.
 |
|
 |
|
Khi việc săn tìm thạch mộc nở rộ thì nghề chế tác cũng hình thành ở vùng đất dưới chân đèo Chư Sê. Đến thị trấn Phú Thiện, hỏi xưởng chế tác gỗ hóa thạch của anh Đỗ Văn Ngọc hầu như ai cũng biết. Bởi lẽ, anh Ngọc là người nức tiếng trong và ngoài tỉnh với nghề này. Trong ngôi nhà của anh trưng bày nhiều tác phẩm làm từ gỗ hóa thạch có giá trị thẩm mỹ, kinh tế cao. Ngoài ra, qua đôi tay khéo léo của anh, hàng trăm sản phẩm thạch mộc thêm lung linh, huyền ảo. Cùng tôi chiêm ngưỡng một cục đá hóa thạch nặng gần 2 tạ vừa mua về từ một người dân ở xã Chư A Thai, anh Ngọc chia sẻ: “Khi đào ao lấy nước tưới hoa màu, bà con phát hiện thạch mộc nên gọi tôi mua. Vì mỗi cục gỗ hóa thạch mang trong mình nhiều vẻ đẹp tự nhiên nên không cần phải chế tác nhiều, tôi dành nhiều thời gian mài cho bóng bẩy và khoe hết sắc màu tiềm ẩn. Tác phẩm này có giá trên thị trường vài trăm triệu đồng nên tôi phải làm cẩn thận từng chút một”.