Tạo sân chơi cho trẻ trong mùa dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường. Trẻ em có thể vẫn phải học trực tuyến trong thời gian tới. Làm sao để các con vừa ở nhà học online hiệu quả, vừa có sân chơi bổ ích để được giải trí, giúp phát triển cảm xúc lành mạnh, tích cực là điều mà nhiều phụ huynh trăn trở.
“Năm học này đối với con thật buồn tẻ. Con và em gái luôn phải ở trong nhà, học online trên máy tính và điện thoại, không được đi chơi, không được gặp gỡ bạn bè. Ba mẹ thì đi làm suốt ngày, nhiều lúc ở nhà con rất chán”-em Nguyễn Quốc Huy-học sinh lớp 9, Trường THCS Phạm Hồng Thái (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) tâm sự. Huy cho biết, theo kế hoạch, hè năm nay, em sẽ tham gia học kỳ quân sự kéo dài gần 1 tháng, nhưng dịch bệnh bùng phát trở lại nên chương trình bị hủy bỏ. Vào năm học mới, háo hức chờ đến ngày khai giảng để gặp bạn bè nhưng cũng vì dịch bệnh mà phải ở nhà học trực tuyến kéo dài. Bản thân em cũng đã từng là F2, phải tự cách ly y tế theo quy định. Cũng như Huy, rất nhiều bạn nhỏ khác đang háo hức với bao nhiêu dự định cho những ngày hè sôi nổi, cho năm học mới cũng đành ngậm ngùi tiếc nuối vì dịch bệnh mà không thể thực hiện được.
Vấn đề đặt ra là làm sao dung hòa được việc học và chơi mà vẫn đảm bảo an toàn cho trẻ trong khi cha mẹ vẫn phải đi làm để mưu sinh, phải gồng mình chống dịch, các con lại ở nhà suốt ngày dán mắt vào ti vi, máy tính, điện thoại… mà con trẻ thì cần được chăm nom, để ý từng phút từng giờ, không được phép lơ là. Thiết kế các hoạt động học tập, vui chơi phù hợp vừa để nuôi dưỡng cảm xúc tích cực, vừa rèn luyện kỹ năng cho các con đòi hỏi phải có sự đầu tư công sức của các bậc phụ huynh.
Gia Lai có nhiều khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ cho trẻ trải nghiệm. Ảnh: Hoàng Nguyên
Gia Lai có nhiều khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ cho trẻ trải nghiệm. Ảnh: Hoàng Nguyên
Hòa mình cùng thiên nhiên
Những ngày đẹp trời, nếu có thời gian rảnh rỗi, hãy tranh thủ cho các con dạo chơi ngoài trời. Đây thực sự là hoạt động rất bổ ích, vừa tăng cường sức khỏe thể chất vì trẻ được tắm nắng, chạy nhảy chơi đùa, lại vừa giúp các con cảm thấy dễ chịu, thoải mái khi hòa mình với thiên nhiên. Suốt ngày phải ở trong nhà chắc chắn trẻ sẽ cảm thấy bí bách, chưa kể áp lực học hành nặng nề khiến trẻ dễ rơi vào trạng thái stress, thậm chí trầm cảm. Gia Lai có rất nhiều cảnh đẹp thiên nhiên để cha mẹ dẫn các con dạo chơi trong những ngày nghỉ. Không gian thoáng đãng, khung cảnh tươi đẹp hùng vĩ sẽ xua tan nỗi lo âu về dịch bệnh, nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ.
Bố mẹ nên dành một góc nhỏ trong sân vườn để trẻ trồng cây xanh. Trồng cây rất thú vị. Trẻ sẽ được quan sát hành trình sinh trưởng của cây xanh với sự háo hức đặc biệt. Hãy chọn những loại cây đơn giản, dễ trồng, dễ thu hoạch. Một củ khoai lang ngâm vào ly nước, mấy hạt lúa gieo vào cái khay nhựa nhỏ, mấy cây hoa mười giờ, một cây dưa leo trồng trong chậu hoặc tận dụng thùng xốp. Hàng ngày, các con sẽ có nhiệm vụ tưới nước, quan sát và ghi chép lại quá trình phát triển của loại cây mà con trồng. Động viên con thuyết trình về những gì mà con đã thu lượm được để rèn luyện kỹ năng quan sát, sắp xếp ý tưởng, tự tin trình bày ý tưởng bằng lời nói. Cho con trồng vài cây xanh trong nhà, cha mẹ sẽ thấy nó hấp dẫn đối với con như thế nào.
Hoạt động thể dục thể thao
Bình thường khi học ở trường, trẻ chạy nhảy vui chơi với bạn bè, ít nhất cũng được vận động thể chất. Bây giờ ở trong nhà, thậm chí gần như suốt ngày ngồi một chỗ học trên các phương tiện điện tử, học xong lại xem ti vi, chơi game… có quá nhiều nguy cơ từ tình trạng này. Tìm cho con một môn thể thao phù hợp với thể chất, định sẵn một khung giờ cố định trong ngày để tập cùng con là lý tưởng nhất. Các môn phù hợp như: đi bộ, đạp xe, cầu lông… Để hình thành thói quen thể dục hàng ngày, đòi hỏi cả bố mẹ và các con đều phải kiên trì. Dần dần sẽ trở thành hoạt động quen thuộc và yêu thích mỗi ngày nơi trẻ. Tôi đã mua đủ cho 2 con 2 chiếc xe đạp, khuyến khích các con đạp xe cùng nhau để đứa lớn trông chừng đứa bé. Chiều chiều, các con thường đạp xe cùng nhau, rồi trở về mồ hôi nhễ nhại, tinh thần phấn chấn, làm cha mẹ cũng vui lây.
Khuyến khích trẻ vận động trong mùa dịch. Ảnh: Hoàng Nguyên
Các bậc phụ huynh nên khuyến khích con hoạt động thể dục thể thao trong mùa dịch. Ảnh: Hoàng Nguyên
Cho trẻ làm việc nhà
Dạy con làm việc nhà là cách tuyệt vời để rèn cho con kỹ năng sống, biết cách chia sẻ và có tinh thần trách nhiệm. Tôi đưa một danh sách việc nhà và cho con lựa chọn những việc mình thích làm và làm được. Trẻ hoàn toàn có thể nhặt rau, quét nhà, lau nhà, gấp quần áo gọn gàng… trẻ lớn có thể nấu cơm, chế biến những món ăn đơn giản. Có những việc nên thỏa thuận và trả cho trẻ một chút tiền công, rồi dạy con cách sử dụng tiền phù hợp. Cả gia đình cùng tham gia làm việc nhà vào bất cứ khi nào có thể sẽ giúp gắn kết tình cảm, gia tăng tình yêu thương và niềm hạnh phúc cho mỗi người.
Đồng hành cùng con cái, tâm sự trò chuyện với trẻ, thậm chí tìm hiểu các trò chơi game của con, chơi cùng con, đọc sách cùng con... có rất nhiều cách thức để làm phong phú đời sống tâm hồn cho trẻ. Dù dịch bệnh có thể còn kéo dài, song với tình yêu thương và trách nhiệm, cha mẹ phải cố gắng từng ngày để giúp các con trở thành những đứa trẻ hạnh phúc, sáng tạo và kiên cường.
HOÀNG NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

(GLO)- Hình ảnh cậu bé Husy (11 tuổi, làng Bok Ayơl, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đứng trên sân khấu say sưa diễn tấu tiết mục “Độc tấu t’rưng-Buôn làng ấm no” tại Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn tỉnh lần thứ III diễn ra hồi tháng 10 vừa qua đã để lại ấn tượng thật khó phai.

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Không được đến trường, những đứa trẻ từ 5-10 tuổi ăn mặc lem luốc lượn lờ khắp nơi xin tiền người đi đường, bất kể trời mưa nắng. Không có tuổi thơ, giờ chúng là “phương tiện” để người lớn kiếm tiền trên lòng thương cảm của người khác.