Hạt mầm từ trang sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày nghỉ dài, con gái tôi lần lượt đọc hết các quyển sách mà mẹ mua cho. Có quyển đọc đến năm hay mười lần thuộc cả nội dung. Khi đọc hết số sách đó thì con bé lại lục sách của mẹ và chạy lại hỏi: “Quyển này con đọc được không?”. Khi tôi đồng ý, nó hí hửng cười rồi cặm cụi ngồi đọc. Chỉ thoáng một hoặc hai ngày sau, nó lại nói: “Con đọc hết rồi mẹ ạ. Khi nào mẹ có tiền thì mua sách cho con nhé. Mua sách dày dày vào để con đọc lâu hết”.
Kể cũng lạ, con bé từ khi 4 tuổi đã bắt đầu mở quyển sách Tiếng Việt lớp 1 và chỉ từng con chữ hỏi mẹ chữ gì đây. Tôi chỉ trả lời cho con biết và không nghĩ nó sẽ nhớ. Ấy vậy mà nó nhớ hết rồi hỏi mẹ cách ghép và đánh vần từng tiếng. Đến 5 tuổi thì cháu đọc trôi chảy quyển sách ấy và chuyển sang đọc báo Măng non, Nhi đồng. Quyển sách đầu tiên tôi mua cho con gái là tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài, năm bé 6 tuổi. Cầm quyển sách lên cháu nói: “Mẹ ơi, sách này nhiều chữ đọc lâu mà mệt lắm”. Tôi khẽ nói: “Con cứ đọc đi, mỗi ngày đọc một trang thôi”. Sau một tuần, cháu thủ thỉ: “Mẹ ơi, con đọc hết quyển sách này rồi”. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Vậy, con có thấy chán không?”. Bé trả lời: “Không ạ. Sách hay lắm mẹ. Mỗi trang sách con đọc con tưởng tượng như một cuốn phim”. Tiếp theo là “Đất rừng phương Nam”, “Búp sen xanh”, “Quê nội”... bé con của tôi đọc đến thuộc lòng các tác phẩm ấy.
Nhớ ngày tôi còn bé, mỗi lần bố đi đâu thấy quyển sách hay báo gì hay là mượn về đọc rồi cho tôi đọc ké. Đọc sách không chỉ cho tôi kiến thức mà còn cho tôi khám phá cả một thế giới rộng lớn. Những tri thức mà mỗi trang sách đem lại như mở ra chân trời rộng mở, tràn đầy ước mơ trong trẻo đã được bố tôi ươm mầm từ thơ ấu. Giờ đây, tôi muốn trao lại cho con gái mình hạt mầm ấy, nuôi dưỡng niềm say mê khám phá tri thức cho con. Bởi tôi nghĩ rằng, sau mỗi lần đọc xong một cuốn sách là con tôi đã có một cuộc phiêu lưu trong ngôn từ đẹp đẽ và cả trong thế giới tri thức rộng mở, lung linh đầy sắc màu.
Có lần, tôi đưa con đi chơi phố. Trong suốt hành trình, con chỉ nói: “Mẹ dẫn con đến hiệu sách nhé”. Khi con chọn được quyển sách yêu thích thì cẩn thận xem giá, tự nhẩm cộng và nói: “Mẹ ơi con mua 2 quyển được không?”. Nhưng tay thì ôm khư khư 3 quyển sách. Con bé háo hức nhìn như thôi miên vào 3 quyển sách rồi lại nhìn lên cái giá sách ra chiều luyến tiếc. Tôi phì cười rồi nói: “Mẹ mua cho con 3 quyển”. Bé liền nhanh nhảu nói: “Mẹ ơi hơn 300 ngàn đấy. Thôi sinh nhật con mẹ không cần tổ chức, coi như mẹ tặng quà sinh nhật sớm cho con nhé”. Nói rồi nó cười vui vẻ và thích thú lắm làm cô nhân viên bán sách cũng mỉm cười trìu mến. Thế là cả hành trình ấy, cháu cứ ôm khư khư 3 quyển sách, mở ra săm soi từng chút một, từ bìa cho đến từng trang sách rồi nũng nịu: “Mẹ ơi, về nhà đi, con hồi hộp mong được đọc quá”. Thế là chuyến đi kết thúc sớm hơn dự định.
Tôi luôn chọn cho con những quyển sách nhiều chữ và ít tranh. Thi thoảng, tôi cũng mua một vài quyển truyện tranh nhằm giúp con đỡ ngán. Tôi nghĩ sách nhiều chữ đơn giản là tiết kiệm tiền, con tôi có thể đọc đi đọc lại nhiều lần. Hơn nữa, những cuộc phiêu lưu trong mỗi trang sách được gợi tả qua các từ ngữ thì luôn hấp dẫn và sống động. Con tôi có thể phát huy khả năng suy nghĩ và tưởng tượng. Nên bé nhớ và ấn tượng với nhiều trang sách đã đọc. Dĩ nhiên, tôi luôn chọn các loại sách văn học với những ngôn từ đẹp gần gũi với cuộc sống và lứa tuổi của con. Hoặc sách khám phá về thiên nhiên với ngôn từ mạch lạc, khúc triết để con có thói quen đọc, nhen nhóm tình yêu với sách và tạo vốn từ phong phú cho con nuôi dưỡng tâm hồn. Đến bây giờ, khi bé đã 12 tuổi, những cuốn sách ngày đầu tiên tôi mua cho con vẫn được cháu nâng niu gìn giữ cẩn thận. Thi thoảng, cháu lại hỏi tôi về một số từ chưa hiểu. Hai mẹ con cùng trò chuyện giải thích một số thắc mắc và nói về một số từ ngữ mà con thích, cảm thấy hay. Lúc này, tôi và con như hai người bạn đang trò chuyện về một cuốn sách. Đó là điều mà sách đã gắn kết mẹ con tôi với nhau đấy.
Nhìn ngắm con đọc sách, với tôi là khoảnh khắc bình an và hạnh phúc nhất. Nó khiến tôi quên đi bao mệt nhọc bởi cuộc sống bận rộn mà đôi khi sao nhãng cả thói quen đọc của chính mình. Nhìn con, tôi như thấy chính mình ngày thơ ấu. Tôi biết hạt mầm từ trang sách đã bén rễ nơi con.
TRẦN HỒNG VÂN

Có thể bạn quan tâm

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.