Emagazine

Khẩn trương phòng-chống hạn cuối vụ

E-magazine Khẩn trương phòng-chống hạn cuối vụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến mực nước sông suối, ao hồ và đập dâng tại một số địa phương cạn kiệt. Nhiều diện tích cây trồng đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới từ nay đến cuối vụ. Vì vậy, công tác phòng-chống hạn đang được các địa phương triển khai quyết liệt nhằm hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra.

 

Cánh đồng Ia Sah rộng hơn 50 ha là khu vực sản xuất lúa nước tập trung của người dân xã Ia Ka, huyện Chư Păh. Do không có công trình thủy lợi nên cánh đồng này thường xuyên xảy ra hạn vào cuối vụ Đông Xuân. Chính vì vậy, UBND xã khuyến cáo người dân không nên sản xuất lúa vụ Đông Xuân tại đây. Tuy nhiên, trong vụ Đông Xuân 2020-2021, một số hộ vẫn bất chấp khuyến cáo, tận dụng nguồn nước mạch để sản xuất lúa. Hậu quả là toàn bộ diện tích lúa đang chuẩn bị trổ đòng trên cánh đồng này bị thiếu nước tưới, nhiều diện tích đã khô cháy.

 

Không chỉ lúa nước, nhiều diện tích cà phê ở xã Ia Ka cũng đang đối mặt với hạn hán. Ông Rơ Châm Chữ (làng Mrông Yố 2) cho biết: “Nắng nóng kéo dài cộng với việc tranh chấp nguồn nước của nhiều cây trồng nên mực nước ở các ao hồ, đập xuống rất nhanh. Giờ mình tập trung chống hạn cho cây cà phê nhưng lượng nước trong ao xuống rất thấp. Mỗi lần nổ máy bơm chỉ tưới được chừng 20 cây cà phê thì phải dừng lại, chờ đến hôm sau mới tưới tiếp”.

 

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh, tính đến ngày 25-3, trên địa bàn huyện có 161 ha cây trồng vụ Đông Xuân 2020-2021 bị hạn, trong đó có 101 ha lúa nước và 60 ha cà phê. Diện tích lúa nước thiệt hại tập trung ở các xã: Ia Ka, Ia Nhin, Ia Khươl, Ia Mơ Nông, Đak Tơ Ve, Hòa Phú.

 

Tình trạng hạn cục bộ cũng xảy ra tại xã Bờ Ngoong và Bar Măih (huyện Chư Sê). Gần 1,5 sào lúa của ông Rchâm Blei (làng Amo, xã Bờ Ngoong) bị thiếu nước trầm trọng trong thời điểm trổ đòng nên chỉ thu được khoảng 5 bao lúa lép. Ông Blei cho biết: “Từ tháng 2 đến nay, nước từ đập dâng Ia Pet hầu như cạn kiệt nên không đến được chân ruộng”. Theo báo cáo của UBND xã Bờ Ngoong, tính đến nay, trên địa bàn xã có hơn 12,7 ha lúa Đông Xuân của 70 hộ dân bị thiệt hại do nắng hạn.

Ngoài huyện Chư Păh và Chư Sê, tại một số địa phương không có công trình thủy lợi, nhiều cánh đồng lúa nước cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới vào cuối vụ. Đang tưới cho hơn 2 sào lúa trên cánh đồng Ia Băng, bà Môt (làng O Ngõ, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) cho biết: “Nắng nóng kéo dài khiến 2 sào lúa nước chuẩn bị trổ đòng của gia đình thiếu nước. Tôi đã huy động máy bơm để lấy nước từ hồ ra tưới, nhưng mực nước ở hồ cũng xuống thấp, chưa biết có đủ nước tưới đến cuối vụ hay không”.

 

Những ngày cuối tháng 3, cánh đồng Ia Blang (thôn Lương Hà, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) khô khốc, nứt nẻ. Hàng chục héc ta lúa đang ngậm đòng, chuẩn bị trổ bông bị héo quắt vì thiếu nước. Một phần diện tích lúa bị cháy khô, gần như không có khả năng hồi phục. Ở nhiều khu vực, cây lúa phát triển không đồng đều, dự báo một mùa vụ thất bát. Những con mương nhỏ dẫn nước dọc ngang các ruộng lúa đều khô cạn.

Mấy năm trước, khi biết thông tin có kênh thủy lợi Plei Thơ Ga sẽ dẫn nước qua khu vực đất trũng bỏ hoang bên dòng suối Ia Blang, ông Siu Kra (làng Phung B, xã Chư Don, huyện Chư Pưh) cùng nhiều hộ tiến hành cải tạo thành cánh đồng hiện tại. Tuy nhiên, khi hoàn thành, dòng kênh ăm ắp nước lại không chảy vào cánh đồng Ia Blang. Mấy chục héc ta đất trên cánh đồng trũng này chỉ biết trông ngóng vào nước trời.

 

Trước tình hình đó, người dân buộc phải đục kênh để nước chảy vào ruộng. “Vẫn biết làm vậy là không đúng, nhưng cũng phải đục lấy nước để cứu lúa. Nếu mấy sào lúa này mất trắng thì gia đình chúng tôi sẽ không đủ gạo ăn”-ông Kra than thở. Nói rồi, ông Kra chỉ cho chúng tôi xem hàng chục lỗ bị đục phá dọc bờ kênh để lấy nước cứu lúa.

 

Trao đổi với P.V, quyền Chủ tịch UBND xã Ia Blứ Lê Quang Vang cho biết: “Khu vực này là do người dân ở xã Chư Don đến xâm canh. Bởi vậy, diện tích này không nằm trong kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân của xã Ia Blứ”.

Cũng theo ông Vang, khi thi công kênh dẫn nước từ đập dâng Ia Hlốp, đơn vị thiết kế đã không tính việc cung cấp nước cho cánh đồng Ia Blang mà chỉ dẫn nước tới khu vực khác. Do đó, cả khu vực không có cống lấy nước dẫn đến việc người dân xâm hại công trình. “Người dân tự đục phá kênh để dẫn nước vào ruộng là không đúng. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cử cán bộ xuống hiện trường nắm tình hình để giải quyết cho bà con, kịp thời cứu diện tích lúa đang bị khô hạn. Về lâu dài sẽ tìm phương án phù hợp”-ông Vang khẳng định.

 

Những ngày cuối tháng 3, nắng nóng tiếp tục diễn ra trong khi mực nước tại các sông suối và hồ đập thủy lợi giảm mạnh, nguy cơ thiếu nước tưới cho cây trồng trong thời gian tới là rất lớn. Vì vậy, các địa phương đang quyết liệt triển khai công tác phòng-chống hạn.

Cách đây hơn 10 ngày, mực nước trên sông Ba đoạn chảy qua huyện Ia Pa xuống thấp nhất trong nhiều năm qua và không đủ cung cấp cho các trạm bơm điện. Trong khi đó, khoảng 610 ha lúa nước đang bước vào giai đoạn làm đòng tại một số xã đang đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới. Trước tình hình đó, UBND huyện Ia Pa có văn bản đề nghị các công ty thủy điện trên thượng nguồn sông Ba tăng lượng nước xả tối thiểu 4-8 m3/giây để đảm bảo nước tưới cho cây trồng vụ Đông Xuân 2020-2021.

 

Ông Trần Văn Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa-cho biết: “Hiện mực nước sông Ba chảy qua địa bàn huyện đã ổn định trở lại. Huyện đang tiếp tục chỉ đạo các xã, hợp tác xã, tổ dịch vụ thủy nông khơi thông dòng chảy, thường xuyên kiểm tra để xử lý kịp thời nếu xảy ra hạn hán”.

Tại huyện Chư Păh, ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT cho hay: Nắng nóng kéo dài trong thời gian qua khiến mực nước sông suối, ao hồ giảm mạnh. Nhiều diện tích cây trồng vụ Đông Xuân 2020-2021 đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới cục bộ. Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các xã tiếp tục khảo sát nguồn nước để hỗ trợ dầu cho người dân bơm tưới. Tuy nhiên, việc chống hạn đang gặp khó khăn bởi một số ao hồ, giếng đã cạn nước.

 

Theo ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa: Một số diện tích lúa vụ Đông Xuân 2020-2021 ở các xã Ia Băng, Glar, A Dơk đang thiếu nước cục bộ. Trước tình hình đó, Phòng phối hợp với UBND các xã xây dựng lịch điều tiết tưới cho phù hợp, áp dụng biện pháp tưới luân phiên, cung cấp nước cho từng công trình, khu vực, diện tích cụ thể theo thời kỳ sinh trưởng của cây trồng. Đồng thời, vận động, tuyên truyền người dân thực hiện tưới tiết kiệm, chủ động đắp lại bờ thửa để giữ nước, chống thất thoát; tận dụng tối đa nguồn nước nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do nắng hạn gây ra.

Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai quản lý, khai thác 12 hồ chứa lớn và hơn 20 đập dâng. Ông Hồ Trí Thế-Trưởng phòng Quản lý nước (Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai) cho hay: Công ty đang phối hợp với các địa phương triển khai các giải pháp phòng-chống hạn. Theo đó, Công ty đang điều tiết nước từ hồ Ia Ring (huyện Chư Sê) về đập dâng Plei Thơ Ga, Ia Hlốp (huyện Chư Pưh); dẫn nước từ Biển Hồ B qua hệ thống kênh về hồ Ia Hrung (huyện Ia Grai)...

 
 

Có thể bạn quan tâm

Những “thủ lĩnh” thanh niên đa năng

E-magazineNhững “thủ lĩnh” thanh niên đa năng

(GLO)-Không chỉ làm tốt vai trò dẫn dắt công tác Đoàn, nhiều “thủ lĩnh” thanh niên còn tiên phong trong khởi nghiệp, lập nghiệp tại quê hương. Họ trở thành tấm gương sáng về sự gương mẫu, tinh thần dám nghĩ, dám làm để đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) học tập.
Bảo tồn trống da

E-magazineBảo tồn trống da

(GLO)- Đối với người Tây Nguyên, tiếng trống đã trở thành thanh âm cội nguồn, không tách rời khỏi đời sống văn hóa tinh thần của cư dân nơi núi rừng Trường Sơn. Vì vậy, việc bảo tồn các loại trống da trong cộng đồng Bahnar, Jrai được thực hiện với những cách thức rất đặc biệt.

Mùa ươi bay

E-magazineMùa ươi bay

(GLO)- Ươi là loại cây thân gỗ, mọc nhiều trong các cánh rừng ở Chư Păh, Ia Grai, Chư Prông, Kbang… Từ giữa tháng 2 năm nay, cây ươi rừng ở Gia Lai đồng loạt ra quả. Giá thu mua hạt ươi 100-700 ngàn đồng/kg tùy loại. Sẽ không có gì đáng nói nếu cây ươi không bị khai thác theo kiểu tận diệt. 
Quà lưu niệm mang bản sắc văn hóa: “Sứ giả” du lịch

E-magazineQuà lưu niệm mang bản sắc văn hóa: “Sứ giả” du lịch

(GLO)-Quà lưu niệm không chỉ đơn thuần mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần quảng bá hình ảnh địa phương đến với mọi miền. Phát huy lợi thế đó, những năm gần đây, các ngành, các cấp ở TP. Pleiku đã từng bước đa dạng sản phẩm quà tặng du lịch gắn liền với bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc.
Chiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ cuối: Những gạch nối hòa bình

E-magazineChiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ cuối: Những gạch nối hòa bình

(GLO)- Những người lính từ mặt trận trở về, những người chỉ lặng lẽ phía sau phục vụ chiến đấu và cả những người sinh ra dưới bầu trời không tiếng súng… đều tiếp tục tự nguyện trở thành gạch nối hòa bình giữa 2 quốc gia, 2 dân tộc, hóa giải sâu sắc những đau thương để lại từ một cuộc chiến.

Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại

E-magazineXây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại

(GLO)- Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, một số doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân đang bước đầu áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và hướng đến nền nông nghiệp thông minh, hiện đại.

Canh cánh nỗi lo mía cháy

E-magazineCanh cánh nỗi lo mía cháy

(GLO)- Thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với sự bất cẩn của người dân trong đốt dọn ruộng mía tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao. Bà con nông dân đang canh cánh nỗi lo mía cháy.