Pleiku: Nhộn nhịp thị trường ngày 29 Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù trời trở mưa có chút bất lợi trong việc di chuyển nhưng không vì vậy mà không khí mua sắm Tết ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) kém phần sôi động. Sức mua các mặt hàng tươi sống, hoa quả tăng rất mạnh trong ngày 29 Tết. 

Sức mua mặt hàng hoa quả tăng mạnh

Theo ghi nhận của P.V, sức tiêu thụ mặt hàng hoa, trái cây trong ngày 29 Tết tăng rất mạnh. Tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku, lượng người đến mua sắm đông nghịt từ sáng đến chiều.

Bà Châu Hoàng Thy-Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku-cho biết: “Mấy ngày qua, khi thông tin dịch bệnh ở Pleiku cơ bản được khống chế thì lượng khách đổ về Siêu thị mua sắm Tết tăng mạnh. Riêng từ sáng sớm ngày 29 Tết, khách hàng tập trung mua hoa quả rất đông. Để chủ động nguồn hàng, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, Siêu thị nhập về liên tục với số lượng lớn. Giá cả cũng chỉ tăng nhẹ”.

Lượng khách đổ dồn về siêu thị mua trái cây rất đông. Ảnh: Vũ Thảo
Rất đông khách hàng đến siêu thị mua trái cây. Ảnh: Vũ Thảo


Dù không đông đúc như siêu thị, nhưng tại các chợ, sức tiêu thụ mặt hàng hoa, trái cây cũng khá lớn. Bà Nguyễn Thị Mai-tiểu thương bán trái cây ở khu vực chợ đêm Pleiku-cho hay, từ ngày 25 Âm lịch đến nay, mỗi ngày lượng hàng nhập về tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường. Trong ngày 29 Tết, sức tiêu thụ tăng mạnh nhất. Tuy nhiên, so với mọi năm thì không bằng, bởi thu nhập trong dân giảm nên ai cũng mua số lượng hạn chế.

Khảo sát giá ở các chợ và siêu thị trên địa bàn cho thấy, bưởi da xanh có giá 57-65 ngàn đồng/kg, táo 80-190 ngàn đồng/kg, cam Mỹ 45-90 ngàn đồng/kg, mãng cầu 80-90 ngàn đồng/kg, thanh long 35 ngàn đồng/kg, quýt 45-75 ngàn đồng/kg, xoài 25-60 ngàn đồng/kg… Giá trái cây bán lẻ tăng khoảng 20-30% so với ngày thường đối với những loại được người tiêu dùng ưa chuộng vào dịp Tết, còn có loại vẫn giữ nguyên giá cũ do nguồn cung tại chỗ dồi dào.

Đang nhanh tay chọn lựa các loại trái cây bày mâm ngũ quả, chị Nguyễn Thị Thanh Lan (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) nói: “Tết năm nay, giá mặt hàng trái cây chỉ tăng chút ít, chứ không như mọi năm loại nào cũng tăng đến chóng mặt. Tuy nhiên, do nhu cầu không lớn như các năm nên tôi chỉ mua vừa đủ dùng để chưng mâm ngũ quả và cúng kiếng”.


Trong ngày 29 Tết, sức tiêu thụ các loại hoa cắm bình như hoa ly, lay ơn, hoa hồng… cũng tăng mạnh. Năm nay, nguồn cung hoa lay ơn trên địa bàn ít hơn mọi năm nên đến thời điểm này, các nhà vườn cũng còn không nhiều.

Anh Mai Xuân Thương (thôn 1, xã Trà Đa) phấn khởi nói: “Cách đây khoảng 1 tuần, các thương lái bỏ cọc, không đến cắt hoa nên gia đình tôi gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tiêu thụ. Nhưng khoảng 3 ngày nay, nhờ sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng nên phần lớn diện tích đã được thu hoạch và cũng tương đối được giá. Ngoài cắt bán sỉ, hôm qua và hôm nay cũng có khá đông người dân đến tận vườn mua hoa”.

Dọc đoạn đường Hoàng Văn Thụ, Lê Lai có rất đông nhà vườn và tiểu thương đem hoa bày bán. Hiện tại, giá lay ơn trên thị trường đang nằm ở mức 30-60 ngàn đồng/bó 10 cây; hoa hồng 5-7 ngàn đồng/bông….

Giá thực phẩm tươi sống tăng 5-20%

Tại các chợ ở Pleiku, thịt heo đùi trong ngày 29 Tết có giá 150 ngàn đồng/kg, thịt ba chỉ 150 ngàn đồng/kg, sườn non 170 ngàn đồng/kg. Từ 23 tháng Chạp, giá thịt heo tăng 5-10 ngàn đồng/kg so với trước và giữ ổn định đến hôm nay.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga-tiểu thương tại chợ Hoa Lư (TP. Pleiku) cho biết: “Mọi năm, từ ngày 28 Tết trở đi, các lò mổ đã báo giá tăng thêm 15-20 ngàn đồng/kg. Còn năm nay, đến ngày 29 Tết mà giá cả vẫn ổn định như vậy là rất mừng để kích thích sức mua trong dân. Tuy mức tiêu thụ tăng mạnh hơn mấy ngày trước nhưng so với mọi năm phải giảm đến 30%”.

Thịt heo là mặt hàng có sức tiêu thụ mạnh trong ngày 29 Tết. Ảnh: Vũ Thảo
Thịt heo là mặt hàng có sức tiêu thụ mạnh trong ngày 29 Tết. Ảnh: Vũ Thảo


Trong khi thịt heo đang có giá ổn định thì thịt bò và thịt gà lại có mức tăng đáng kể. Giá thịt bò nhập từ các lò mổ đã bắt đầu tăng từ ngày 20 tháng Chạp đến nay, mức tăng 30-50 ngàn đồng/kg tùy loại thịt. Hiện thịt bò thăn có giá 310 ngàn đồng/kg, bò đùi 290 ngàn đồng/kg, bắp bò 270 ngàn đồng/kg. Không vì giá tăng mạnh mà sức mua giảm đi, ngược lại, nhu cầu tiêu dùng thịt bò lại tăng đến 40% so với ngày thường. Dự báo, ngày 30 Tết, mức tiêu thụ sẽ tiếp tục tăng. Lý giải nguyên nhân giá thịt bò tăng mạnh, nhiều tiểu thương cho biết do ảnh hưởng dịch bệnh nên việc vận chuyển bò thịt gặp nhiều khó khăn, cộng với việc các lò mổ chỉ giết mổ cầm chừng.

Tương tự, thịt gà cũng có mức giá tăng khoảng 20%. Bà Nguyễn Thị Thiết-tiểu thương tại Trung tâm Thương mại Pleiku-cho biết: “Nhu cầu mua thịt gà để trữ trong mấy ngày Tết tăng nên 29 Tết, sức mua đã tăng gấp ba so với ngày thường. Giá gà dao động khoảng 120-150 ngàn đồng/kg (tăng 20 ngàn đồng/kg) so với trước”.

Giá các loại rau hầu hết không tăng so với ngày thường. Ảnh: Vũ Thảo
Giá hầu hết các loại rau không tăng so với ngày thường. Ảnh: Vũ Thảo


Trong khi các loại thịt có mức tăng đáng kể thì mặt hàng rau củ lại đứng giá. Theo chị Phạm Thị Lan-tiểu thương bán rau tại chợ Hoa Lư, do ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến rau không xuất bán đi các tỉnh được dẫn đến giá giảm mạnh trong khoảng 10 ngày vừa qua. 2 ngày gần đây có một số loại giá đã nhích nhẹ lên, còn lại hầu như không tăng, thậm chí có loại còn giảm.
 

VŨ THẢO