Nỗ lực thu gom rác thải nguy hại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ngành, công tác thu gom, xử lý bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực.

Kết quả đáng ghi nhận

Ia Grai là một trong những địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác thu gom bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng (gọi là rác thải nguy hại-P.V). Ông Thái Anh Tuấn-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện-cho biết, trước đây, sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, người dân đều vứt bừa bãi bao bì , chai lọ tại nương rẫy hoặc dọc bờ suối. Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16-5-2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ TN-MT, huyện đã đầu tư gần 1,9 tỷ đồng xây dựng 376 bể chứa rác thải nguy hại. Đồng thời, cấp kinh phí hàng năm để thuê đơn vị thu gom, xử lý. “Trước khi xây dựng, Phòng TN-MT và các địa phương trong huyện đã tổ chức các buổi họp để tuyên truyền về tác hại của rác thải nguy hại; lấy ý kiến của người dân về chọn vị trí đặt bể phù hợp. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, người dân đã dần có ý thức bỏ rác thải nguy hại đúng nơi quy định. Trung bình mỗi năm, huyện thu gom khoảng 8 tấn rác thải nguy hại với kinh phí hơn 400 triệu đồng”.

Hiện nay, huyện Đak Đoa đã xây dựng được 92 khu lưu chứa. Ảnh: Nhật Nam
Hiện nay, huyện Đak Đoa đã xây dựng được 92 khu lưu chứa rác thải. Ảnh: Nhật Nam


Tại huyện Đak Đoa, bên cạnh nỗ lực đầu tư xây dựng các khu lưu chứa, huyện cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức bỏ rác đúng quy định cho người dân. Bà Lê Thị Thu Thảo-Phó Trưởng phòng TN-MT huyện- cho hay, diện tích đất nông nghiệp của huyện lớn, chiếm 77% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó đất trồng cây lâu năm gần 49 ngàn ha, chiếm 54,7% trong cơ cấu đất nông nghiệp. Theo hướng dẫn, mỗi xã sẽ xây dựng tương ứng 210 bể chứa với dung tích nhỏ sẽ gây tốn kém cho việc thu gom. Do đó, phòng đã đề xuất, tham mưu UBND huyện lắp đặt các khu lưu chứa với thể tích 18-20 khối rác (tương ứng với mỗi xã chỉ lắp đặt 20 khu lưu chứa). Đến nay, toàn huyện đã lắp đặt được 92 khu lưu chứa với tổng kinh phí 2,3 tỷ đồng. Các địa phương cũng đẩy mạnh tuyên truyền nên cơ bản rác thải bỏ đúng nơi quy định. Trung bình mỗi năm, huyện thu gom 2,4-3 tấn rác thải và hợp đồng với Công ty TNHH Thương mại và Môi trường Hậu Sanh thu gom vận chuyển về tỉnh Bình Định xử lý.

Chỉ tay về khu lưu chứa đặt gần rẫy sản xuất của gia đình, bà Som (thôn Tươh Ktu, xã Glar) chia sẻ: "Trước đây, mỗi lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bà thường bỏ bao bì, chai lọ luôn trên  rẫy hoặc dọc các bờ suối rồi đốt. Từ khi xã xây dựng khu lưu chứa, sau mỗi lần sử dụng, tôi đều bỏ cẩn thận bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật theo đúng hướng dẫn. Tôi không phải phơi và đốt như trước nên hạn chế được ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe”.

Theo thống kê của Sở TN-MT, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng hơn 4.000 bể chứa bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Những địa phương xây dựng nhiều như: huyện Chư Prông, Mang Yang, Ia Pa, Ia Grai, thị xã Ayun Pa. Bà Lương Thị Tuyết Vinh-Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) đánh giá: Hầu hết địa phương đã chú trọng thực hiện việc thu gom, xử lý rác thải nguy hại theo hướng dẫn của Sở TN-MT và các ngành chức năng liên quan. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của rác thải nguy hại để người dân bỏ rác thải đúng quy định, các địa phương cũng đã chủ động ký hợp đồng với đơn vị tổ chức thu gom.

Thay đổi từ nhận thức

Bà Phan Thị Ngọc Phượng-Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Mang Yang-cho hay: Toàn huyện đã xây dựng được 366 bể chứa rác thải nguy hại. Huyện cũng đã cấp kinh phí để thuê đơn vị đủ chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải nguy hại hàng năm. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, người dân vẫn còn bỏ rác thải sinh hoạt vào bể chứa gây khó khăn cho việc phân loại, thu gom và xử lý của huyện.

Trong khi đó, huyện Đak Pơ có diện tích đất sản xuất gần 44.000 ha cây trồng các loại. Theo Thông tư liên tịch số 05 thì địa phương phải xây dựng 7.000 bể chứa rác với dung tích 0,5-1 m3/bể, nhưng đến nay toàn huyện mới xây dựng được 67 bể chứa. “Thực tế, các địa phương đang gặp khó khăn về kinh phí. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền còn hạn chế, một số hộ dân vẫn có thói quen bỏ rác thải nguy hại tại nương rẫy rồi đốt chứ không thu gom vào bể chứa. Do đó, Phòng đã đề xuất UBND huyện hỗ trợ kinh phí thuê đơn vị đủ chức năng để thu gom-xử lý rác thải nguy hại; đồng thời, sẽ tiếp tục tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân trong phân loại, bỏ rác thải nguy hại đúng nơi quy định”-ông An Đỗ Bình Nguyễn-Phó Trưởng phòng TN-MT huyện thông tin.

Trao đổi với P.V, Chi Cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường cho biết thêm: Khó khăn chung trong công tác thu gom, xử lý rác thải nguy hại của các địa phương trong tỉnh chủ yếu do kinh phí còn hạn chế, ý thức của người dân một số nơi chưa cao. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị đủ chức năng về pháp lý để xử lý loại chất thải này cũng là nguyên nhân gây khó khăn cho công tác thu gom, xử lý. “Thời gian tới, Sở TN-MT sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương lồng ghép công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức thu gom rác thải nguy hại sau sử dụng theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 05; hướng dẫn các địa phương trong việc vận chuyển, xử lý rác thải nguy hại cũng như tăng cường kiểm tra công tác vận chuyển, xử lý rác thải nguy hại nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất”-bà Vinh khẳng định.

 

LÊ NAM - NHẬT HÀO