Nhung nhớ xe lam Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những chiếc xe 3 bánh từng là một phần không thể thiếu trong đời sống của cư dân Pleiku (tỉnh Gia Lai). Hơn 40 năm kể từ khi xuất hiện cho đến thời điểm không còn sử dụng, xe lam đã làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình. Giờ đây, loại phương tiện này vẫn neo giữ bền bỉ và đầy nghĩa tình trong ký ức của không ít cư dân Phố núi.
1. Xâu chuỗi những chỉ dẫn, tôi tìm đến nhà số 209 Trường Chinh (tổ 5, phường Trà Bá, TP. Pleiku) gặp ông Nguyễn Xuân Phước-nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Vận tải cơ giới Quyết Tiến để hiểu hơn về hoạt động xe lam ở Phố núi. Bước sang tuổi 86 nhưng ông Phước vẫn còn nhanh nhẹn và minh mẫn. Nghe tôi ngỏ lời, đôi mắt ông ánh lên niềm vui. Rồi ông say sưa kể cho tôi nghe những câu chuyện thú vị về phương tiện giao thông công cộng phổ biến một thời ở Pleiku này.
Cuộc trốn chạy khỏi sự bắt bớ đi lính cách đây 51 năm là bước ngoặt trong cuộc đời của chàng trai xứ Quảng. Rời quê hương trong vô định, đến một ngày, ông Phước chọn Pleiku làm điểm dừng chân và bắt đầu cuộc sống mới. Năm 1972, ông Phước đánh liều bỏ ra 20 cây vàng dành dụm được để mua chiếc xe Lambro cũ. Sau 2 tháng học bằng lái cấp tốc, ông gia nhập Nghiệp đoàn Xe lam Pleiku. “Thời điểm ấy, trên địa bàn thị xã Pleiku có khoảng 300 chiếc xe lam đang hoạt động. Chúng tôi chia nhau vận tải hành khách, hàng hóa theo các tuyến cố định trong nội thị và đến một số huyện lân cận. Gọi là xe lam cho ngắn gọn, dễ nhớ chứ thật ra nó là dòng xe 3 bánh hiệu Lambretta (sau này là Lambro) sản xuất ở Ý. Xe có 1 ca bin nhỏ phía trước là chỗ ngồi của tài xế, phía sau là thùng xe có gắn 2 hàng ghế song song nhau dọc theo thành xe để chở khoảng 8-10 khách. Sau ngày giải phóng, Nghiệp đoàn chuyển đổi thành Công đoàn Lao động xe lam thị xã; số lượng phương tiện vẫn giữ nguyên như trước”-ông Phước nhắc nhớ.
Ông Nguyễn Xuân Phước-nguyên Chủ nhiệm HTX Vận tải cơ giới Quyết Tiến nhắc nhớ những câu chuyện thú vị về xe lam ở phố núi. Ảnh: Mộc Trà
Ông Nguyễn Xuân Phước-nguyên Chủ nhiệm HTX Vận tải cơ giới Quyết Tiến nhắc nhớ những câu chuyện thú vị về xe lam ở phố núi. Ảnh: Mộc Trà
Đến tháng 4-1978, HTX Vận tải cơ giới Quyết Tiến thành lập, ông Phước được tín nhiệm giữ chức Phó Chủ nhiệm, sau đó làm Chủ nhiệm HTX. Số thành viên đủ điều kiện tham gia HTX chỉ còn 150 người với chừng ấy chiếc xe lam. Vị trí bến xe được đặt tại khu vực bến xe nhỏ thuộc đường Trần Phú-Nguyễn Thiện Thuật ngày nay. Trong trí nhớ của ông Phước, mỗi chủ xe khi ấy không vận tải khách thường xuyên mà theo chu kỳ 10 ngày/tháng, luân phiên chạy các tuyến cố định trong nội thị và từ Pleiku đi Ninh Đức, Lệ Chí, Thanh An, Bàu Cạn, Mỹ Thạch, Phú Nhơn, Lệ Trung, Lệ Cần… thuộc các huyện: Chư Păh, Chư Prông, Chư Sê, Chư Pưh, Đak Đoa ngày nay.
2. Không chỉ làm nhiệm vụ vận tải khách công cộng, những năm đầu sau giải phóng, xe lam còn có những đóng góp quan trọng vào hoạt động giãn dân đi xây dựng vùng kinh tế mới; chở hàng hóa phục vụ khai hoang, sản xuất nông nghiệp và hàng tấn lương thực đến các cửa hàng mậu dịch trong tỉnh. Đặc biệt, loại xe 3 bánh này cũng được nhiều người dân chọn làm phương tiện rước dâu. Ông Hồng Văn Minh (tổ 4, phường Thắng Lợi) kể, chiếc xe lam đầu tiên của gia đình được cha ông mua từ năm 1964 ở Quảng Ngãi với giá 450 ngàn đồng, tương đương tới 22,5 cây vàng ở thời điểm ấy. Sau khi chuyển lên Pleiku sinh sống vào năm 1968, cha của ông tiếp tục chạy xe lam kiếm sống. Từ năm 12 tuổi, ông Minh đã thường xuyên theo cha rong ruổi trên những chuyến xe lam chở khách cũng như phụ giúp mỗi dịp gia đình được thuê phục vụ đám cưới. “Hồi đó, chỉ cần cắt chữ song hỷ dán lên kính xe, kèm theo dải ruy băng màu đỏ thắt hoa được cột cố định bằng dây kẽm ở trước đầu xe là đã thành xe cưới. Cầu kỳ hơn thì trang trí thêm dây hoa cắt bằng giấy bên trên phía sau thùng xe nữa cho đẹp. Thông thường, nhà trai sẽ thuê khoảng 2 chiếc xe lam để chở họ hàng và rước dâu; có thể hợp đồng bằng miệng với chủ xe mình đã quen biết hoặc làm việc thông qua HTX để điều động xe”-ông Minh hồi nhớ. Những tháng ngày làm việc cùng cha khiến ông Minh dần yêu nghề tài xế xe lam nhiều vất vả song cũng rất thú vị. Năm 1972, sau khi cha ông nghỉ làm, ông cùng các anh em trai quyết định kế nghiệp, tiếp tục nối dài những chuyến xe lam ngược xuôi đưa đón khách cho đến tận những năm đầu thế kỷ XXI.
Một “bác tài” khác cũng thuộc thế hệ tiếp nối mà tôi may mắn gặp gỡ là ông Phan Châu Dũng (11/12 Út Tịch, tổ 3, phường Hội Phú). Ngắm nhìn chiếc xe lam đã nhuốm màu thời gian nơi góc sân, ông Dũng tâm sự: “Ba tôi mua chiếc xe Lambro 550 này từ năm 1967 với mục đích ban đầu là chở nước đá để phục vụ sản xuất cà rem của gia đình. Tuy nhiên, khi mặt hàng này bị bão hòa trên thị trường, năm 1970, ba tôi quyết định thu hẹp quy mô chế biến cà rem rồi chuyển dần sang kinh doanh vận tải khách bằng xe lam. 13 năm sau đó, tôi tiếp quản chiếc xe và nối nghiệp cha”.
Ông Phan Châu Dũng (tổ 3, phường Hội Phú, TP. Pleiku) bên chiếc xe lam của gia đình mua năm 1967. Ảnh: Mộc Trà
Ông Phan Châu Dũng (tổ 3, phường Hội Phú, TP. Pleiku) bên chiếc xe lam của gia đình mua năm 1967. Ảnh: Mộc Trà
Cũng theo ông Dũng, lái xe lam vất vả nhất là chạy tuyến Pleiku đi liên huyện trên các cung đường đất vào mùa mưa. Có những hôm, xe đang bon bon chạy thì sa lầy, cả tài xế lẫn hành khách phải cùng nhau xuống đẩy cả tiếng đồng hồ. Chưa kể những hôm đường sá trơn trượt, chở hàng hóa nặng, chỉ sơ sểnh lạc tay lái xíu là xe lật ngay; thậm chí xe đột nhiên trở chứng phải qua đêm giữa rừng chờ người tới cứu hộ. “Thời kỳ bao cấp, phụ tùng xe lam rất khan hiếm, nhất là săm lốp. Cả thị xã chỉ có một vài cửa hàng nhỏ buôn bán phụ tùng nằm xung quanh bến xe lam như: Tín Dụng, Minh Phát… Có một giai đoạn, xe hư hỏng không có đồ sửa chữa hoặc thay mới bởi chuỗi cung ứng bị đứt gãy do không nhập khẩu được. Để duy trì hoạt động, anh em tài xế chúng tôi khi đó tự động viên nhau, cố gắng tìm tòi, sáng tạo để độ chế lại phương tiện, kể cả việc phải sử dụng lốp xe cứng đặc ruột để thay thế chạy đỡ qua ngày. Nhiều năm sau đó, tại TP. Hồ Chí Minh có HTX sản xuất phụ tùng xe lam, chúng tôi mới được gỡ khó”-ông Dũng cho hay.
3. Năm 2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2004/NĐ-CP quy định về niên hạn sử dụng đối với các loại ô tô tải và ô tô chở người tham gia giao thông trên hệ thống đường bộ. Xe lam từ đó bị hạn chế hoạt động và dần dần bị cấm. Nhiều gia đình bắt đầu đổi phương tiện sang xe 4 bánh, số còn lại do không đủ điều kiện đã chuyển nghề. Trên các tuyến phố ở Pleiku nói riêng và các huyện trong tỉnh nói chung, chiếc xe lam quen thuộc dần khuất bóng, khép lại giai đoạn vàng son một thuở trong sự tiếc nuối của nhiều người để nhường chỗ cho những phương tiện giao thông ưu việt và phù hợp hơn.
Có lẽ vì lẽ xúc cảm đó mà ông Phan Châu Dũng quyết định giữ lại chiếc xe lam đã gắn bó với những thăng trầm của gia đình. Chiếc xe được ông trưng bày trong khuôn viên quán ăn của mình, bên cạnh những chiếc xe máy cổ, xích lô, máy tuốt lúa thời trước mà ông sưu tầm được. Với ông, ngoài lưu giữ ký ức đẹp, ông còn muốn con cháu mình và các thế hệ sau này có cơ hội “mục sở thị” và biết đến loại phương tiện giao thông công cộng phổ biến một thời ở Phố núi, góp phần mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều gia đình.
Những chiếc xe lam là một phần ký ức của người dân Phố núi (ảnh tư liệu do ông Nguyễn Quang Hiền sưu tầm).
Những chiếc xe lam là một phần ký ức của người dân Phố núi (ảnh tư liệu do ông Nguyễn Quang Hiền sưu tầm).

Tên gọi xe lam có nguồn gốc từ các dòng xe 3 bánh của Lambretta FD (dung tích xy lanh 123 và 150 cc), FLI (175 cc) và sau đó là Lambro 200, 550 (đều có dung tích 198 cc) do Công ty Cơ giới Innocenti (Italia) chế tạo. Các dòng xe này lần lượt được nhập vào nước ta từ giữa thập niên 60 của thế kỷ trước để thay thế xe thổ mộ (xe ngựa) vẫn còn được lưu hành trong khoảng thời gian đó. Riêng tại Pleiku, xe lam có mặt vào khoảng năm 1964 với tầm 40 chiếc.

Không chỉ cánh tài xế, những người dân sinh sống lâu năm ở phố núi Pleiku cũng nặng lòng nhung nhớ xe lam xưa theo cách riêng của mình. Trong số đó phải nhắc đến ông Nguyễn Quang Hiền-nguyên Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai. Trong gần 20 ngàn tấm ảnh về Pleiku trước năm 1975 mà ông sưu tầm được, có khoảng hơn 250 tấm ảnh xuất hiện bóng dáng của những chiếc xe lam được chụp từ năm 1965 trở về sau này. “Ngày trước, khi còn là học sinh, thỉnh thoảng tôi được bạn cho đi nhờ xe lam đến trường. Mỗi dịp lễ, Tết, chúng tôi cũng kéo nhau ra bến xe phụ ở Diệp Kính (đường Lê Lợi ngày nay) để leo lên xe lam đi Biển Hồ chơi. Mãi đến năm 1982-1983, khi làm việc ngoài Biển Hồ, tôi vẫn đi-về trên những chiếc xe lam. Khi đó, hầu hết mọi người đều di chuyển bằng phương tiện này vì vừa rẻ, vừa thuận tiện, có thể đi khắp các ngõ hẻm và hầu hết tuyến đường dốc khó đi”-ông Hiền bộc bạch.
Nhấp thêm ngụm trà nóng, ông Nguyễn Xuân Phước trầm ngâm: Phần lớn xe lam ngày trước đã được thanh lý hoặc bán cho các cơ sở thu mua phế liệu. Một số khác được chủ nhân cất giữ, trưng bày tại gia để ghi nhớ một thời gắn bó. Tuy nhiên, tỷ lệ xe lam hiện còn là rất ít, chưa đếm đủ trên đầu ngón tay. Dẫu biết là linh hoạt thích ứng với thời cuộc nhưng đâu đó vẫn đọng lại nhiều sự tiếc nuối trong lòng những người từng gắn bó với nó. 
MỘC TRÀ