(GLO)- Với tấm lòng rộng mở, các già làng, người có uy tín ở huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đã viết lên những câu chuyện đẹp trong cuộc sống. Họ như những cánh chim không mỏi, tận tâm tận lực cống hiến sức mình với tâm nguyện: Làm sao để từng bước xóa bỏ hủ tục, cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no.
Trụ cột của buôn làng
Một ngày trung tuần tháng 9, chúng tôi đến thăm nhà già làng Híp (làng Klah, xã Kon Chiêng). Với bà con Bahnar nơi đây, ông Híp chính là cánh chim đầu đàn, dẫn dắt dân làng vượt qua khó khăn, gian khổ, gầy dựng cuộc sống. Đã hơn 75 mùa rẫy, hơn ai hết, ông Híp là người nắm vững đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, cũng như thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con dân làng. Bởi vậy, ông luôn thường trực nỗi trăn trở làm sao để dân làng thoát được cái đói, cái nghèo. Nghĩ là làm, ông Híp tuyên truyền, vận động người dân đóng góp quỹ chung của làng để cho hộ nghèo mượn làm vốn phát triển sản xuất, đồng thời xây dựng mô hình “Cho mượn bò nuôi rẽ”. Theo đó, mỗi hộ nghèo nhận nuôi 1 con bò sinh sản, khi bò sinh sản thì được giữ lại bê, bò mẹ sẽ giao cho gia đình khác nuôi. Từ việc làm ý nghĩa này, nhiều hộ đã từng bước thoát nghèo.
Trong ký ức của mình, anh Bzyich vẫn nhớ như in những tháng ngày đói khổ khi vợ chồng bắt đầu ra ở riêng. Được ông Híp động viên, khích lệ, ưu tiên cho vay vốn từ nguồn quỹ của làng để mua bò sinh sản, rồi trực tiếp cầm tay chỉ việc giúp vợ chồng anh cải tạo vườn tạp để có thêm thu nhập. “Dưới sự chỉ dẫn tận tình của già làng Híp, sau vài năm, kinh tế gia đình mình ngày một khá hơn. Chứng kiến sự đổi thay của gia đình mình, nhiều hộ dân trong làng cũng học theo, nghe lời chỉ bày của già làng thay đổi nếp nghĩ cách làm, quyết tâm thoát nghèo. Dân làng biết ơn già Híp nhiều lắm”-anh Bzyich tâm sự.
Ông Híp (làng Klah, xã Kon Chiêng) dạy trẻ em đánh cồng chiêng. Ảnh: Hà Đức Thành |
Không những vậy, ông Híp còn dành nhiều tâm huyết, thời gian mở các lớp truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ trong làng. Qua mỗi nhịp chiêng, điệu xoang, câu chuyện kể, ông mong rằng lũ con trai, con gái sẽ biết giữ gìn và phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc. “Mình luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, cái gì có lợi cho dân thì ra sức làm. Vậy nên, thấy việc gì hay, có thể áp dụng được tại làng thì mình làm trước rồi tuyên truyền, vận động bà con làm theo. Mình cũng luôn nhắc nhở dân làng phải chăm chỉ làm ăn, không có chuyện không làm mà có cái ăn, phải lao động, biết học cái mới, cái hay thì mới hết nghèo được. Đồng thời, phải biết giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình”-ông Híp bày tỏ.
Những năm qua, già làng Đônh (làng Kon Brung, xã Ayun) cũng luôn được người dân tin yêu, kính trọng. Làng có 313 hộ, 100% là người Bahnar. Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Kon Brung trở thành làng nông thôn mới kiểu mẫu trong đồng bào dân tộc thiểu số, ông Đônh trăn trở nhất là tiêu chí môi trường và thu nhập. Do đó, cứ vào dịp cuối tuần, ông lại vận động người dân tập trung dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, hình thành nếp quen trong xây dựng làng xanh-sạch-đẹp. Từ đó, đời sống của bà con ngày càng nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 32 triệu đồng/năm. Làng Kon Brung được đánh giá là khá nhất trong 5 làng của xã. Đây là tiền đề quan trọng, góp phần đưa xã Ayun đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Cầu nối giữa ý Đảng-lòng dân
Về làng Kon Chrah (xã Hà Ra), điều làm chúng tôi ấn tượng nhất chính là hình ảnh những khóm hoa tươi sắc thắm được trồng trước mỗi căn nhà. Đường làng sạch sẽ tinh tươm. Người dân trong làng đoàn kết, cố gắng làm ăn, quan tâm đưa con đến trường học chữ. Thành quả này có phần góp sức không nhỏ của Trưởng thôn Hrun. Chứng kiến nhiều câu chuyện buồn trong cái vòng luẩn quẩn của nạn tảo hôn diễn ra tại làng, anh Hrun quyết tâm đưa dân làng thoát khỏi những tập tục lạc hậu. Bằng cách thuyết phục có tình, có lý, theo kiểu mưa dầm thấm lâu, dần dần dân làng đã nhận rõ đúng sai. Chị Rim chia sẻ: “Cũng chính vì sự thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức mà em đã kết hôn từ năm 2012 khi vừa 15 tuổi, chồng hơn 1 tuổi, hiện có 3 đứa con. Cuộc sống gia đình em hiện còn khó khăn. Nhưng nghe lời khuyên của anh Hrun, vợ chồng quyết tâm thoát nghèo. Bà con dân làng ai cũng mến phục anh Hrun. Anh là người rất trách nhiệm, luôn hết lòng vì cuộc sống của bà con”.
Già làng Đônh vận động nhân dân dọn vệ sinh sạch đẹp. Ảnh: Hà Đức Thành |
Sau nhiều lần tham gia các lớp tập huấn phát triển kinh tế, anh Bưp-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Đak Dwe (xã Đak Ta Ley) nhận thấy đất đai, thổ nhưỡng nơi đây rất phù hợp với cây cà phê. Để vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, anh tiên phong làm trước, chủ động cải tạo đất, vay vốn trồng hơn 1 ha cây cà phê. Trong quá trình chăm sóc vườn cây, anh tiếp tục học hỏi kiến thức, trau dồi kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Đất không phụ công người, bao mồ hôi, công sức của anh Bưp đã nở hoa, kết thành trái ngọt. Vườn cà phê hơn 1 ha của gia đình anh phát triển tốt, nay đã bước vào vụ thu hoạch. Không những thế, vườn cà phê của gia đình anh còn trở thành địa chỉ để dân làng tham quan và anh chính là người đứng ra chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho các hộ dân học tập, làm theo. Bằng kinh nghiệm đúc kết từ thực tế, anh đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Nhờ vậy, dân làng đã tích cực hơn trong lao động sản xuất; nhà nào cũng cải tạo vườn tạp, trồng thêm rau xanh, cây ăn quả. Làng Đak Dwe hiện có hơn 20 ha cây bời lời, bạch đàn, cà phê... Cuộc sống của dân làng ngày càng được nâng lên.
Huyện Mang Yang có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 62% dân số. Trên địa bàn huyện hiện có hơn 60 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Họ là những người gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế, tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động, nói đi đôi với làm. Nhờ vậy, các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn huyện có những chuyển biến tích cực, nhất là phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến nay, huyện đã có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 5 làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Trao đổi cùng chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Trần Đình Hiệp khẳng định: Thời gian qua, các già làng, người có uy tín thực sự trở thành trung tâm đoàn kết, phát huy vai trò đầu tàu gương mẫu trong tổ chức triển khai, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; luôn dẫn dắt, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước; tích cực vận động người dân tham gia phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Các già làng, người có uy tín là những tấm gương tiêu biểu, sống động trong xã hội, là chỗ dựa vững chắc, cầu nối quan trọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền với đồng bào các dân tộc trong huyện.
HÀ ĐỨC THÀNH