Người lớn nợ trẻ một miền ấu thơ an toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Miền ấu thơ an toàn cho mỗi đứa trẻ có thể khôn lớn, trưởng thành như cây non vươn cành chắc khỏe lẽ ra phải hiện hữu trong bối cảnh xã hội tiến vào kỷ nguyên công nghệ, hiện đại.

Tiếc thay, ngày càng nhiều những vụ tai nạn thương tâm, bạo hành tàn nhẫn và xâm hại đầy phẫn nộ dẫn đến những cái chết tức tưởi của con trẻ. Dư luận bàng hoàng và xót xa trước những thảm cảnh liên tục dội đến mà nạn nhân là những đứa trẻ mới mấy tuổi đầu.

 

 Trẻ không chỉ được ăn ngon mặc đẹp, học hành và vui chơi mà còn cần hơn hết sự an toàn. Ảnh: V.P
Trẻ không chỉ được ăn ngon mặc đẹp, học hành và vui chơi mà còn cần hơn hết sự an toàn. Ảnh: V.P


Chẳng phải chúng ta luôn dành mọi sự ưu tiên chăm lo cho “búp trên cành”? Chẳng phải chúng ta có hơn chục cơ quan chuyên trách bảo vệ trẻ em cùng đường dây nóng báo tin trẻ bị bạo hành, xâm hại? Vậy mà những đứa trẻ vô tội vẫn trở thành nạn nhân…

Đâu là miền ấu thơ an toàn cho con trẻ?

Miền ấu thơ ấy không chỉ là giấc mơ trẻ được ăn ngon, mặc đẹp, học hành và vui chơi. Miền ấu thơ ấy còn cần hơn hết sự an toàn.

Hãy cho con một mái ấm giàu yêu thương. Sẽ hạnh phúc vô ngần nếu trẻ lớn lên trong vòng tay bảo bọc, chở che của mẹ cha và trái tim con luôn được sưởi ấm bởi tình thân máu mủ. Nhưng nếu chẳng may hôn nhân tan vỡ, mong sao mỗi người bố, người mẹ quan tâm, chăm chút nhiều hơn cho những đứa trẻ trong cơn sóng sánh, chếnh choáng khi tổ ấm bị gió lùa xao xác.

Hãy để mắt nhiều hơn đến bọn trẻ quanh ta, dành thời gian lắng nghe con trẻ thỏ thẻ chuyện trò và nói với con rằng bố mẹ luôn yêu thương, tin tưởng và đồng hành cùng con trên mọi nẻo đường. Để mỗi khi mắt con bắt gặp hình ảnh khó chịu, lòng con sóng sánh những nỗi lo mơ hồ về ai đó, điều gì đó thì con đều sẵn sàng mở lòng nói với chúng ta. Những nút thắt cần được tháo gỡ, những hiểm nguy cần được cảnh báo và ngăn chặn kịp thời.

Hãy thay đổi cách yêu thương trẻ bằng tấm lòng kiên định của bậc sinh thành trong hành trình trau chuốt, rèn giũa những đứa trẻ quanh mình. Đừng làm mọi việc thay con và đừng sống thay cuộc đời của con mà nên cứng lòng một tí, “nhẫn tâm” một chút để trẻ có thể học được kỹ năng sống từ những việc trẻ tự tay làm mỗi ngày, để trẻ có thể nhận diện những mối nguy quanh mình và biết nói lời từ chối, biết phản kháng khi bị dụ dỗ, biết tìm địa chỉ tin cậy để cầu cứu.

Hãy đặt trọn cái tâm của mình vào hành trình nuôi con, dạy con và bảo vệ con trẻ. Có những thứ không còn phù hợp, chẳng hạn quan điểm “Thương cho roi cho vọt”, “Áo mặc không qua khỏi đầu”... Có những điều cần phải thay đổi, chẳng hạn cách dạy con luôn luôn phải nghe lời mới là đứa trẻ ngoan… Có những thói quen cần chấn chỉnh, chẳng hạn đèo con trên xe máy cứ thản nhiên không đội mũ bảo hiểm, dễ dãi giao con cho người quen trông giữ, hoặc để mặc con tự chơi tự nghịch điện thoại còn mình thì mải miết việc nhà…

Miền ấu thơ an toàn cho con trẻ lớn khôn chắc chắn không chỉ nằm ở những khẩu hiệu suông và những hô hào mỗi khi có vụ việc đau lòng xảy ra mà nạn nhân vô tội là trẻ em. Bố mẹ và những người lớn nặng lòng với thế hệ tương lai phải đặt trọn trách nhiệm vào hành trình vun bồi tuổi thơ để môi trẻ cười rạng rỡ, mắt trẻ long lanh niềm tin diệu kỳ về hạnh phúc…

 

Theo TRANG HIẾU (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

(GLO)- Hình ảnh cậu bé Husy (11 tuổi, làng Bok Ayơl, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đứng trên sân khấu say sưa diễn tấu tiết mục “Độc tấu t’rưng-Buôn làng ấm no” tại Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn tỉnh lần thứ III diễn ra hồi tháng 10 vừa qua đã để lại ấn tượng thật khó phai.

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Không được đến trường, những đứa trẻ từ 5-10 tuổi ăn mặc lem luốc lượn lờ khắp nơi xin tiền người đi đường, bất kể trời mưa nắng. Không có tuổi thơ, giờ chúng là “phương tiện” để người lớn kiếm tiền trên lòng thương cảm của người khác.