(GLO)- Không chỉ là vùng đất hiếu học, làng Rbai (xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, Gia Lai) còn được biết đến bởi sự đoàn kết gìn giữ các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc, trong đó có lễ cầu mưa. Gắn liền với nghi lễ này là ông Ksor Lol-người được dân làng nơi đây tín nhiệm bầu làm chủ lễ từ năm này qua năm khác.
Ông Ksor Lol cũng là người vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú nhằm ghi nhận những đóng góp trong gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Cha vợ... truyền, con rể... nối
Chúng tôi trở lại làng Rbai đúng vào thời điểm người dân nơi đây đang ra sức xây dựng làng đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2019. Dọc hai bên đường làng, những đóa hoa sam, mười giờ đua nhau khoe sắc. Theo chỉ dẫn của Phó Chủ tịch UBND xã Ia Piar Ksor Khanh, chúng tôi dễ dàng tìm đến nhà ông Lol chỉ sau vài phút đi xe máy. Ông Lol rất vui khi biết có người muốn tìm hiểu về những nét đẹp văn hóa tín ngưỡng của dân tộc mình.
Trước khi cúng cầu mưa, ông Ksor Lol phải chuẩn bị 7 ghè rượu. Ảnh: H.T |
Sinh ra và lớn lên tại làng Rbai nên từ nhỏ, ông Lol đã được đắm mình trong không gian giàu bản sắc văn hóa truyền thống. Năm 1972, chàng thanh niên Ksor Lol phải lòng cô gái Jrai cùng làng rồi quyết định về chung một nhà. Đây là bước ngoặt đưa ông trở thành người được bà con tín nhiệm bầu làm chủ lễ tại các lễ cúng của làng sau này.
Ông Lol nhớ lại: Cha vợ ông là người luôn được dân làng tín nhiệm giao trọng trách làm chủ tế trong các lễ cúng. Theo tập tục của người Jrai, vai trò người chủ tế chỉ được truyền lại cho con rể hoặc con trai nếu đứa con trai ấy không đi lấy vợ. Và ông Lol là một trong 3 người con rể may mắn được cha vợ lựa chọn để thừa kế “sự nghiệp”. Để Ksor Lol tiếp quản tốt vai trò của mình, mỗi lần làng tổ chức lễ cúng, cha vợ đều dẫn con rể theo làm phụ tá, qua đó ngầm truyền dạy những bài cúng và các nghi thức thực hành. Cha vợ ông Lol cũng tranh thủ thời gian nông nhàn hoặc vào các buổi tối để kiểm tra mức độ “thuộc bài” của con rể. Nhờ đó, ông Lol nhanh chóng nắm rõ các nghi thức thực hành lễ cúng nhà rông, mừng lúa mới, cầu mưa…
Năm 1978, sau khi cha vợ mất, ông Lol được dân làng tín nhiệm bầu làm chủ lễ. Trong vai trò quan trọng này, ông nhận ra trong tập tục của người Jrai có một số nghi lễ không cần thiết, gây nhiều tốn kém. Vì vậy, ông đã vận động cộng đồng bỏ bớt một số lễ cúng hoặc nghi thức không cần thiết. Nhờ đó, hiện nay, dân làng chỉ gìn giữ những nghi lễ hướng con người tới những điều tốt đẹp như: cúng cầu mưa để mong mưa thuận gió hòa, cúng kết nghĩa anh em để đoàn kết giúp nhau cùng phát triển, cúng sức khỏe, cúng tạ ơn…
Người có thể… hô mưa
Trong cuộc trò chuyện, nhắc đến lễ cúng cầu mưa do mình làm chủ tế trong những năm gần đây, ông Lol bảo rằng, đây là lễ cúng lớn nhất trong năm của người Jrai với mong muốn mưa thuận, gió hòa để mùa màng bội thu, dân làng no ấm.
Ông Ksor Lol (bìa phải) chuẩn bị thực hiện nghi lễ cúng cầu mưa. Ảnh: H.T |
Ông Lol được dân làng tín nhiệm chọn đảm trách nhiệm vụ chủ tế kể từ khi cha vợ ông về với tổ tiên vào năm 1978. Ban đầu, ông từ chối vì cho rằng người đứng ra làm chủ tế phải được Yàng ban phước mới có thể “hô mưa” thành công. Song trước lời lẽ thuyết phục của bà con, đặc biệt là các già làng, cuối cùng ông Lol cũng mạnh dạn thử sức với vai trò mới. Ông Ksor Nét-phụ tá của ông Lol-chia sẻ: “Năm nào ông Lol đứng ra làm chủ lễ cúng cầu mưa, Yàng cũng ban cho dân làng những cơn mưa mát mẻ để tưới cho đồng ruộng. Vì thế, dân làng nơi đây rất tin vào sự linh ứng trong mỗi lời cúng của ông”.
Năm 1982, trước sự ra đi đột ngột của người vợ, ông Lol lên núi ở ẩn và chăm sóc cây trồng để có nguồn thu nuôi các con ăn học. Kể từ đó, lễ cúng cầu mưa của làng Rbai cũng bị gián đoạn vì không tìm được người thay thế. Mãi đến năm 2010, theo đề nghị của dân làng, ông Lol quyết định quay trở về làng đảm trách vai trò trước kia. Vui mừng trước sự trở lại của ông, làng Rbai đã lập ra một ban giúp việc gồm 15 người gồm những già làng, trưởng thôn, người uy tín để giúp ông Lol. Kể từ đó đến nay, năm nào lễ hội cầu mưa cũng được tổ chức trang trọng trong niềm hân hoan của toàn thể dân làng.
HỒNG THƯƠNG