Nghi vấn nữ sinh lớp 10 tự tử vì uất ức: Tâm lý vẫn còn sang chấn mạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ba ngày sau khi được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) để điều trị, sức khỏe của em N.T.N.Y - học sinh lớp 10 Trường THPT Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) trong vụ nghi vấn nữ sinh lớp 10 tự tử vì uất ức đã ổn định. Tuy nhiên, tâm lý vẫn còn sang chấn mạnh.

Nữ sinh Y. đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2.
Nữ sinh Y. đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2.
Sáng 30/11, em N.T.N.Y. được phát hiện ngất xỉu trong nhà vệ sinh của trường THPT Vĩnh Xương. Ngay sau khi phát hiện bị ngất xỉu, Y. đã được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện địa phương, rồi được tiếp tục chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) trong tình trạng đau đầu, hồi hộp, buồn nôn, chóng mặt, hoảng loạn, khóc nhiều…
Đáng chú ý, Y. đã để lại thư tuyệt mệnh và uống thuốc tự tử ngay nhà vệ sinh của trường để chứng minh mình không phạm lỗi. Thuốc mà em Y. sử dụng là nhóm thuốc trị hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Sau khi xác định uống thuốc quá liều, Y. đã được bác sĩ sử dụng kháng sinh, than hoạt tính để thải độc. Hiện sau 3 ngày nhập viện, sức khỏe Y. đã ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt. Tuy nhiên, Y. vẫn xúc động mạnh và khóc khi nhớ lại mọi chuyện.
Y. kể, vì bị hen suyễn và không muốn quá căng thẳng khi học lớp chọn nên dù 9 năm liền là học sinh giỏi nhưng khi lên lớp 10 em và gia đình xin không vào lớp học sinh giỏi mà vào lớp bình thường.
Em kể, khi trường có chủ trương dạy phụ đạo. Do bị bệnh hen suyễn nên Y. chỉ đảm bảo được việc học chính khóa vào buổi sáng và đăng ký học thêm môn tiếng Anh.
Khi đóng tiền phụ đạo, giáo viên chủ nhiệm gặp riêng em và nói dù học một môn hay 6 môn thì cũng phải đóng đủ số tiền. Nữ sinh thông báo lại cho gia đình. Ngay sau đó, chị gái Y. đã gọi điện cho cô chủ nhiệm trình bày lý do em không thể theo học phụ đạo nhiều môn.
Tuy nhiên, trong lớp học, cô giáo chủ nhiệm thỉnh thoảng ám chỉ có một bạn trong lớp gây mất đoàn kết và ảnh hưởng đến cô. Thậm chí, cô còn chuyển chỗ những bạn ngồi cạnh Y., để nữ sinh này ngồi một mình.
Nữ sinh tâm sự cô chủ nhiệm hay nạt nộ, đập bàn, gắt gỏng mỗi khi nói chuyện với em, khác hẳn với thái độ khi nói chuyện với phụ huynh. Vì vậy em đã dùng điện thoại ghi âm lại để cho gia đình nghe. Hành động đó đã bị cô giáo phát hiện, cho rằng đây là lỗi vi phạm vì dùng điện thoại trong giờ học.
Sau đó, nhà trường đã mời phụ huynh của Y. đến trường làm việc. Vì muốn con yên ổn học tập trong 3 năm phổ thông, gia đình yêu cầu Y. xin lỗi nhà trường và cô chủ nhiệm.
Ngày 23/11, em Y. cùng chị gái lên TP.HCM khám bệnh nên không đến trường. Lúc này, bạn bè nhắn tin báo em bị nêu tên dưới cờ vì phản ánh sự việc ở trường với gia đình không đúng sự thật, gây hiểu lầm trong quan hệ nhà trường và gia đình, sử dụng điện thoại ghi âm giáo viên, phải học lại bài học đạo đức, phạt lao động.

Lá thư tuyệt mệnh của Y.
Lá thư tuyệt mệnh của Y.
"Lúc đó em khóc rất nhiều, không còn lòng dạ nào khám bệnh nên em nói chị gái bắt xe về. Em cứ tưởng mọi việc dừng lại ở đó. Tuy nhiên khi em đi học lại thì cô phó hiệu trưởng yêu cầu em phải viết bản kiểm điểm để đọc dưới cờ và đưa sự việc của em ra hội đồng kỷ luật. Em không biết mình sai ở điểm nào để viết kiểm điểm", Y. kể.
Ngày 30/11, nữ sinh đi học nhưng nghĩ đến việc phải đọc bản kiểm điểm trước toàn trường là việc rất nhục nhã, trong khi mình không sai nên Y. vào nhà vệ sinh. Lúc này, bệnh hen suyễn tái phát, em đã lấy thuốc luôn đem theo bên mình để uống.
Nghĩ đến việc bế tắc khi chứng minh mình không sai và những áp lực tinh thần đè nén trong thời gian qua, Y. đã dùng hết cả vỉ thuốc để giải thoát tất cả và mong thầy cô thay đổi suy nghĩ về mình.
Chăm sóc em gái tại bệnh viện, chị L.T.N.M cho biết: Thời gian qua, chỉ có Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh An Giang thường xuyên gọi điện thăm hỏi tình hình sức khỏe của Y. và Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xương đến nhà thăm. Trong khi cô giáo chủ nhiệm, thì chưa một lần gọi điện hỏi thăm, trái lại, còn đăng những nội dung không hay về việc em Y tự tử trên mạng xã hội.
Chị M. chia sẻ: Sau khi biết được sự việc Y. sẽ bị nêu tên trước giờ chào cờ, gia đình đã có ý định chuyển trường cho em, nhưng chưa kịp thì Y. đã nghĩ quẩn, làm việc dại dột. Hiện tại gia đình chỉ mong Y. khỏe mạnh trở lại, tinh thần ổn định. Việc chuyển lớp, chuyển trường sẽ tôn trọng ý kiến của Y. sau khi em khỏe và ổn định trở lại.
BS Nguyễn Thị Minh Hồng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: Y. sẽ được bác sĩ khám lại tâm lý. Đồng thời, hướng dẫn người nhà cách chăm sóc, trò chuyện để bé giải tỏa áp lực; với những trường hợp như bé Y., phụ huynh cần theo sát.
Sau sự việc nữ sinh N.T.N.Y. tự tử, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh An Giang đã tạm đình chỉ công tác 15 ngày (kể từ ngày 7/12) đối với ông Nguyễn Việt Hùm - Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xương và bà Nguyễn Ngọc Hạnh - Phó Hiệu trưởng nhà trường.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Hiệu trưởng nhà trường được giao tiếp tục chỉ đạo, xác minh làm rõ hành vi của bà H.T.T.H., giáo viên chủ nhiệm lớp 10A4, liên quan đến vụ việc nữ sinh lớp này tự tử để có hình thức xử lý phù hợp.
Theo Bạch Dương (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

(GLO)- Hình ảnh cậu bé Husy (11 tuổi, làng Bok Ayơl, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đứng trên sân khấu say sưa diễn tấu tiết mục “Độc tấu t’rưng-Buôn làng ấm no” tại Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn tỉnh lần thứ III diễn ra hồi tháng 10 vừa qua đã để lại ấn tượng thật khó phai.

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Không được đến trường, những đứa trẻ từ 5-10 tuổi ăn mặc lem luốc lượn lờ khắp nơi xin tiền người đi đường, bất kể trời mưa nắng. Không có tuổi thơ, giờ chúng là “phương tiện” để người lớn kiếm tiền trên lòng thương cảm của người khác.