Ngày hè sôi động của các cầu thủ nhí

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với những cậu bé ở lứa tuổi học trò, khoảng thời gian diễn ra Giải Vô địch bóng đá Thiếu niên-Nhi đồng tỉnh Gia Lai hàng năm luôn là những ngày lễ hội. Đó là một sân chơi lành mạnh và ý nghĩa cho một mùa hè sôi động sau một năm học miệt mài đèn sách của các em.

Các cầu thủ nhí đã trình diễn những pha bóng hay với nhiều bàn thắng đẹp Ảnh Văn Ngọc.jpg
Các cầu thủ nhí đã trình diễn những pha bóng hay với nhiều bàn thắng đẹp. Ảnh: Văn Ngọc

Những ngày đầu tháng 7, bầu không khí tại Nhà thi đấu tỉnh trở nên rộn rã hơn bởi Giải Vô địch bóng đá Thiếu niên-Nhi đồng tỉnh năm 2022 diễn ra từ ngày 3 đến 7-7. Những tiếng cổ vũ râm ran của hàng trăm khán giả là các phụ huynh, học sinh hòa cùng tiếng kèn vuvuzela của các cậu bé hiếu động đã tạo ra cảnh tượng như một lễ hội hiếm có. Sau 1 năm không thể diễn ra vì dịch Covid-19, giải đấu đã trở lại một cách đầy ấn tượng như thế. Vì ảnh hưởng của dịch, nhiều địa phương không có điều kiện tập trung các em học sinh sau năm học nên không cử đội bóng tham gia giải. Do đó, giải đấu năm nay chỉ có 9 đội bóng nhi đồng và 13 đội bóng thiếu niên thay vì 32 đội bóng của năm 2020.

Nhưng không vì vậy mà những màn so tài trở nên kém phần hấp dẫn và sôi động. Giải đấu năm nay vẫn đánh dấu sự phát triển của công tác xã hội hóa trong thể thao với các trung tâm bóng đá cộng đồng rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Không những phát triển về quy mô mà chất lượng của các “lò” đào tạo trẻ cũng dần trở nên chuyên nghiệp. Tiêu biểu như tại TP. Pleiku với hàng loạt các Trung tâm: Pleiku School, PK Star, Quang Linh, Đan Lê Sport… hay tại huyện Đak Đoa với Trung tâm Nam Yang, huyện Ia Grai với Trung tâm Hùng Nguyễn, huyện Chư Sê và Chư Pưh với Trung tâm TTF… Nở rộ trong khoảng 3 năm trở lại đây, các trung tâm thực sự trở thành mô hình lý tưởng để các phụ huynh tin tưởng gửi gắm con em. Không chỉ là nơi giúp các em có một môi trường lành mạnh, rèn luyện thân thể khỏe khắn mà còn góp phần nuôi dưỡng ước mơ với trái bóng tròn.  

Nổi bật nhất trong số đó là Trung tâm Pleiku School-nơi có đội ngũ huấn luyện viên là các cựu cầu thủ chuyên nghiệp đã thành danh như Nguyễn Quang, Hồ Văn Thuận, Bùi Văn Long, Khuất Hữu Long… Nhiều năm qua, các học viên của Pleiku School luôn được đào tạo bài bản hướng đến lối chơi tập thể, phối hợp nhuần nhuyễn từng cá nhân. Bởi vậy, cầu thủ của lò đào tạo này đã tạo nên một thương hiệu trong mỗi lần tham gia các giải trẻ. Ở Giải Vô địch bóng đá Thiếu niên-Nhi đồng tỉnh năm 2020, họ chính là những nhà vô địch ở lứa tuổi nhi đồng.

Ở giải đấu năm 2022, các cầu thủ kế cận của Pleiku School vẫn chứng tỏ sự vượt trội với phần còn lại. Ở vòng bảng, họ đã gặp cú xẩy chân khi để Trung tâm Bóng đá cộng đồng Nam Yang (huyện Đak Đoa) cầm hòa và sau đó thua trên chấm penalty. Tuy nhiên, trong cuộc tái ngộ ở trận chung kết, các cầu thủ Pleiku School đã áp đảo hoàn toàn đối thủ và không để bất ngờ nào xảy ra với chiến thắng 2-0 đầy thuyết phục.

Ông Nguyễn Quang-huấn luyện viên đội nhi đồng Pleiku School-chia sẻ: “Chúng tôi dùng kinh nghiệm thi đấu của mình để huấn luyện cho các em những giáo án như những cầu thủ chuyên nghiệp. Các cháu nhi đồng của Trung tâm cũng vừa đại diện Gia Lai đi thi đấu vòng loại của U11 toàn quốc nên ít nhiều đã có kinh nghiệm thi đấu. Tại đợt tuyển sinh khóa 6 học viện HAGL hồi tháng 2-2022, 6 em của Trung tâm cũng đã trúng tuyển và trở thành học viên chính thức của học viện”.   
 
Ở lứa tuổi thiếu niên, đội bóng Pleiku School cũng đã vào đến trận chung kết. Họ chỉ chịu gục ngã trước một đối thủ được đánh giá mạnh hơn là đội bóng huyện Đak Đoa. Đây là tập thể của những cầu thủ trẻ trưởng thành từ “cái nôi” bóng đá phong trào Đak Đoa-xã Glar. Những cậu bé Bahnar sở hữu nền tảng kỹ thuật khéo léo với những pha xử lý khiến các khán đài trầm trồ thán phục. Lối đá hồn nhiên, đẹp mắt với rất nhiều bàn thắng được ghi của các cầu thủ Đak Đoa đã mê hoặc người xem. Thậm chí có trận đấu, họ vượt qua đối thủ với tỷ số không tưởng 14-0.

Các đội bóng đạt thứ hạng nhất, nhì, ba ở lứa tuổi Nhi đồng. Ảnh: Văn Ngọc
Các đội bóng đạt thứ hạng nhất, nhì, ba ở lứa tuổi nhi đồng. Ảnh: Văn Ngọc


“Thường ngày sau khi đi học về tụi em thường ra sân bóng của làng để chơi. Trước kia thì đá sân đất, bây giờ đã có sân cỏ nhân tạo rồi. Trước khi lên tỉnh đá, ở dưới huyện tụi em cũng vừa mới thi đấu giải cấp huyện và xã Glar của em giành chức vô địch. Các thầy động viên toàn đội cứ chơi hết mình nên tụi em cố gắng đá với quyết tâm cao nhất và may mắn tiếp tục vô địch”-Vin (đội bóng huyện Đak Đoa) bày tỏ.
 

Ông Nguyễn Văn Ý-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch: “Dù bị gián đoạn cho dịch bệnh nhưng khi trở lại, giải đấu vẫn diễn ra với chất lượng chuyên môn cao, chứng tỏ các câu lạc bộ và các địa phương vẫn chú trọng công tác tuyển chọn tài năng nhí, duy trì luyện tập, giữ phong độ cho các cháu. Giải là cơ hội cho các học sinh có một kỳ nghỉ hè đầy ý nghĩa. Điều ấn tượng nhất của giải là sự phát triển của các Trung tâm bóng đá cộng đồng mà tiêu biểu như Pleiku School đã vận hành rất bài bản, chuyên nghiệp. Nhiều cầu thủ ở Trung tâm này đã được cung cấp cho đội trẻ của các câu lạc bộ như Hoàng Anh Gia Lai, SHB Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu… Hy vọng các địa phương có thể nhân rộng mô hình này để phong trào phát triển hơn nữa”.

LÊ VĂN NGỌC

 

Có thể bạn quan tâm

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

(GLO)- Hình ảnh cậu bé Husy (11 tuổi, làng Bok Ayơl, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đứng trên sân khấu say sưa diễn tấu tiết mục “Độc tấu t’rưng-Buôn làng ấm no” tại Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn tỉnh lần thứ III diễn ra hồi tháng 10 vừa qua đã để lại ấn tượng thật khó phai.

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Không được đến trường, những đứa trẻ từ 5-10 tuổi ăn mặc lem luốc lượn lờ khắp nơi xin tiền người đi đường, bất kể trời mưa nắng. Không có tuổi thơ, giờ chúng là “phương tiện” để người lớn kiếm tiền trên lòng thương cảm của người khác.