Liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp: Hướng đi bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đang là hướng đi được ngành nông nghiệp Gia Lai đặc biệt chú trọng nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập ngày càng cao. Hướng đi này không những đảm bảo cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau mà còn góp phần xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, ổn định đầu ra và tạo ra giá trị gia tăng cao.

 

Hiệu quả cao và bền vững

Ông Phạm Đức Diệt (thôn Phú Hà, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh)-thành viên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn khá thấm thía với bài học đắt giá từ việc phát triển ồ ạt cây hồ tiêu không theo quy hoạch, không gắn với chuỗi liên kết. Vì thế, khi bắt tay chuyển đổi diện tích hồ tiêu bị chết sang trồng sầu riêng theo định hướng của huyện, ông Diệt quyết định tham gia HTX Đại Ngàn để sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm. “Gia đình tôi đã chuyển toàn bộ 1,7 ha hồ tiêu bị chết sang trồng 160 cây sầu riêng. Dù mới bước vào thu hoạch năm đầu nhưng gia đình tôi thu được hơn 10 tấn quả, bán với giá 70-75 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình tôi lãi hơn 500 triệu đồng”-ông Diệt phấn khởi cho biết.

 Sầu riêng Gia Lai ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường. Ảnh: Q.T
Sầu riêng Gia Lai ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường. Ảnh: Q.T



Từ 12 thành viên sáng lập ban đầu, đến nay, HTX Đại Ngàn đã thu hút được 41 thành viên tham gia liên kết sản xuất theo quy trình hữu cơ với các loại cây ăn quả như: sầu riêng, mít Thái, na dai. Trong đó, sầu riêng là cây mũi nhọn được HTX đẩy mạnh mở rộng diện tích. Anh Nguyễn Viết Bình-Giám đốc HTX Đại Ngàn-cho hay: Mục tiêu của HTX là liên kết với nhau để sản xuất ra những sản phẩm sạch theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tạo đầu ra ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các thành viên. “Hiện chúng tôi đã cho ra thị trường sản phẩm sạch mang thương hiệu sầu riêng hữu cơ Đại Ngàn, có tem truy xuất nguồn gốc, được khách hàng đón nhận rất tích cực. Sầu riêng của HTX được các đại lý ở phía Nam bao tiêu tại vườn với giá cao hơn thị trường 15-20%. Chúng tôi sẽ tăng diện tích sầu riêng từ 50 ha hiện nay lên 120 ha vào năm 2020, đồng thời mở rộng và xây dựng thêm thương hiệu các loại cây ăn quả khác như: mít Thái, na dai, bơ booth…”-anh Bình chia sẻ.

Tương tự, để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế của cây cà phê, 350 hộ dân ở xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) đã tham gia 3 tổ liên kết sản xuất cà phê theo quy trình 4C với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp và Công ty TNHH một thành viên Phi Long Gia Lai trên diện tích gần 400 ha. Ngoài việc hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc vườn cà phê, các công ty cũng cam kết thu mua sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường 200-300 đồng/kg cà phê nhân.

Từ khi tham gia tổ liên kết sản xuất theo quy trình 4C, vườn cà phê gần 3 ha của anh Trần Minh Vương (thôn Ia Ring, xã Ia Tiêm) dù đã hơn 20 năm tuổi nhưng năng suất luôn đạt trên 5 tấn nhân/ha, cao hơn 20-30% so với trước. Anh Vương cho biết: “Tôi được hướng dẫn tưới nước tiết kiệm, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, ghi chép nhật ký nông hộ để theo dõi quá trình chăm sóc… Nhờ vậy, năm nào vườn cà phê của tôi cũng cho năng suất, chất lượng cao, trong khi chi phí đầu tư giảm nên lợi nhuận tăng cao so với trước đây”.

Theo anh Nguyễn Đình Trung-Tổ trưởng tổ liên kết sản xuất cà phê theo quy trình 4C thôn Ia Ring: Tham gia tổ liên kết, các hộ dân được đảm bảo các quyền lợi về tập huấn kỹ thuật, được chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ để ứng dụng vào sản xuất. Ngoài ra, các hộ còn được mua phân bón rẻ hơn thị trường do tổ liên kết ký kết hợp đồng mua tại Công ty mà không qua các đại lý. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động các hộ sản xuất cà phê trên địa bàn tham gia vào tổ liên kết nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị

Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện đặc biệt quan tâm hỗ trợ người dân, các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng, nhân rộng mô hình chuỗi liên kết sản xuất trên các loại cây trồng chủ lực của địa phương. Cụ thể như các tổ hợp tác liên kết sản xuất cà phê theo quy trình 4C ở xã Ia Tiêm; chuỗi liên kết phát triển cây dược liệu cho một số hộ dân trên địa bàn xã Ia Hlốp của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Quang Minh; tổ liên kết trồng dâu nuôi tằm ở xã Al Bá; chuỗi liên kết sản xuất cà phê theo quy trình 4C kết hợp chế biến ướt của HTX Cà phê Tân Nông Nguyên… Các chuỗi liên kết bước đầu đem lại kết quả rất cao, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, ổn định thị trường đầu ra, nâng cao thu nhập cho người dân. Do đó, bên cạnh việc tiếp tục kêu gọi các HTX, doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết với dân để sản xuất các loại cây trồng chủ lực như cây ăn quả có múi, trồng dâu nuôi tằm, cây dược liệu… huyện sẽ hỗ trợ kinh phí 40 triệu đồng/ha cho các hộ tham gia chuỗi liên kết để thực hiện quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ bền vững.

 Tổ liên kết sản xuất cà phê theo quy trình 4C thôn Ia Ring (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) có diện tích hơn 100 ha với khoảng 100 hộ tham gia. Ảnh: Q.T
Tổ liên kết sản xuất cà phê theo quy trình 4C thôn Ia Ring (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) có diện tích hơn 100 ha với khoảng 100 hộ tham gia. Ảnh: Q.T


Trong chuyến công tác tại Gia Lai cuối năm 2019, ông Nguyễn Ngọc Bảo-Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam khẳng định: Để ngành nông nghiệp phát triển bền vững thì chúng ta phải đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Vì thế, ngành nông nghiệp Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung cần tập trung giải quyết tốt những vấn đề về tổ chức sản xuất phù hợp với quy mô và đặc thù của từng địa phương, đáp ứng xu thế của nền kinh tế thị trường và hội nhập; đẩy mạnh xây dựng vùng sản xuất nông sản an toàn theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn GAP cũng như ứng dụng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, có khả năng cạnh tranh cao.
 

Theo ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Những năm qua, Sở đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành chủ trương, chính sách để nông dân, HTX, doanh nghiệp... liên kết với nhau trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Qua đó góp phần đẩy mạnh việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo quy mô lớn, tập trung, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy các lợi thế của tỉnh; nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo nền tảng vững chắc trong sản xuất, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững, cải thiện đời sống người nông dân.

Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức được hàng trăm chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho nông dân. Toàn tỉnh hiện có khoảng 13/97 ngàn ha cà phê được các công ty liên kết với nông dân sản xuất theo quy trình 4C và hữu cơ, góp phần hình thành các thương hiệu cà phê chất lượng cao đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Ngoài ra, toàn tỉnh có hơn 1.800 ha rau các loại được các HTX liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn GAP (VietGAP, GlobalGAP); 500 ha cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP; hơn 3.500 ha mía sản xuất theo cánh đồng lớn… Bên cạnh tập trung phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, tỉnh đặc biệt chú trọng xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nếu như năm 2018, tỉnh hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân 234.000 tem truy xuất nguồn gốc thì năm 2019 con số này là 950.000 tem, tăng gấp 4 lần.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết thêm: Thời gian đến, Sở tiếp tục tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị, đồng thời đẩy mạnh phát triển sản xuất cây trồng theo tiêu chuẩn GAP, tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn thực phẩm gắn với việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây là cơ sở đảm bảo cho nông sản Gia Lai đủ sức cạnh tranh ở các thị trường khó tính, nhất là các cây trồng chủ lực, thế mạnh của tỉnh.

 QUANG TẤN