Lệch chuẩn ngôn ngữ giao tiếp ở giới trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong những cuộc tiếp xúc hàng ngày, nhất là ngôn ngữ “chat” trên mạng xã hội, tin nhắn trên điện thoại… một bộ phận không nhỏ giới trẻ đang lạm lụng tiếng lóng, vay mượn từ nước ngoài, thậm chí khiên cưỡng kết hợp xây dựng từ, cụm từ làm cho ngôn ngữ bị biến tướng đáng ngại. Điều này thực sự khiến nhiều nhà giáo dục lo lắng khi tiếng Việt vốn vô cùng giàu có, đa dạng và trong sáng bị làm méo mó.
1. Hãy thử lướt qua một vài trang mạng xã hội đang thịnh hành hiện nay như Facebook, Zalo, Instagram… không khó để bắt gặp nhan nhản những cuộc giao tiếp, trao đổi, những comment đầy rẫy tiếng lóng, ngôn ngữ @ như: con ghẹ (bạn gái), gato (ghen ăn tức ở), ảo tung chảo (lối sống phi thực tế), thả thính (dụ dỗ), bốc hơi (biến mất), dở hơi tập bơi, bó tay.com, phê như con tê tê, buồn như con chuồn chuồn, chán như con gián…
Đáng nói hơn là cách “chuyển ngữ” hết sức “dị” mà chỉ có giới trẻ với trào lưu sử dụng “teencode” của mình mới có thể nghĩ ra, chẳng hạn: 4U (for you-cho bạn); G9 (good night-chúc ngủ ngon); G92U (good night to you-chúc ngủ ngon tới bạn); 2NT (tonight-tối nay). Và, đến như thế này thì quả là ngoài sức tưởng tượng của nhiều người: “Mày không Ugly tiger à?” (ugly: xấu, tiger: con hổ-mày không xấu hổ à); “Chuyện nhỏ, no star where” (chuyện nhỏ, không sao đâu). Ngoài ra, thật ái ngại làm sao với việc nói tục, chửi bậy được che đậy dưới lớp ký hiệu đang đầy rẫy trên mạng xã hội.
Tai hại hơn, tôi đã từng được đọc, gần như là hàng ngày, kiểu tin nhắn như thế này từ sinh viên: “Hum ni nhak e có viek pan, thầy cho em nghỉ hok 1 bui ak”; “thank thầy, em bik rui ak”… Và không phải ngẫu nhiên khi một hiện tượng đã trở thành thói quen, thi thoảng ngôn ngữ “teencode”… vô tình được sinh viên đưa vào cả bài kiểm tra, bài thi học kỳ. Như vậy, rõ ràng, sự lệch chuẩn này không chỉ được xem xét ở góc độ trẻ trung, mới mẻ nữa. Trong một chừng mực nào đấy, người lớn và đặc biệt là những người làm giáo dục có lý do để quan ngại.
Thậm chí, ngay cả những sản phẩm giải trí, vốn có sức lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới giới trẻ đã và đang không được kiểm duyệt kỹ lưỡng khiến nó dở khóc dở cười khi được phổ biến rộng rãi. 
2. Khách quan mà nói, mọi hiện tượng đều có nguyên nhân và cơ chế lan tỏa của nó. Ở góc độ này, trước hết cần phải nhắc đến sự bùng nổ và thâm nhập sâu rộng của công nghệ thông tin vào đời sống. Hơn bất cứ nơi nào, không gian mạng chính là nơi để hiện tượng lệch chuẩn ngôn ngữ có cơ hội phát triển và lan truyền hết sức nhanh chóng. Một khi đã được củng cố, nó sẽ biến thành “mốt”, thành “thương hiệu” riêng của giới trẻ như một cách để khẳng định bản sắc riêng có của mình. Cơ chế tâm lý này là hoàn toàn có thể hiểu được.
Một khi internet trở thành kênh tương tác phổ biến nhất, giới trẻ với sự nhạy bén với cái mới, lập tức bắt “trend” (xu hướng) nếu không muốn mình lạc lõng và bị coi là “người tối cổ”. Truyền thông bên cạnh chứng tỏ được vai trò của mình trong việc định hướng, lan truyền những giá trị cốt lõi, tốt đẹp; đồng thời, đây đó cũng để lọt những “hạt sạn”, gián tiếp cổ súy cho những lệch lạc văn hóa ngôn ngữ qua những bài viết đậm chất teen, sử dụng tiếng lóng một cách vô tội vạ.
Ở lĩnh vực văn học-nghệ thuật, những đầu sách của một số tác giả trẻ đang được săn đón cũng ít nhiều sử dụng phong cách ngôn ngữ một cách phóng túng nhằm cố tình tạo điểm nhấn để câu khách cũng là một lý do được xét đến. Thậm chí gần đây là sự bùng nổ của không ít chương trình giải trí nhảm nhí đã xâm hại và làm biến tướng giá trị chuẩn mực của ngôn ngữ.
Những ý kiến đồng cảm cho rằng, việc sử dụng tiếng lóng, ngôn ngữ @ là sáng tạo riêng của giới trẻ, ở một chừng mực nào đó cũng có ý nghĩa nhất định như việc truyền đạt thông tin nhanh, tiết kiệm thời gian (dùng ký hiệu, chữ viết tắt) nên nó không ảnh hưởng nhiều và không có gì đáng nói.
Thiển nghĩ, cái mới, sự sáng tạo ở bất cứ lĩnh vực nào cũng cần được ghi nhận và khuyến khích. Tuy nhiên, những hiện tượng đó phải phù hợp với thước đo chuẩn mực, nhất là ở phương diện văn hóa ngôn ngữ và việc bảo vệ, giữ gìn sự trong sáng, giàu có của tiếng nói, chữ viết dân tộc mình. Vì vậy, mọi sự lệch chuẩn cần được nhận thức, lý giải đầy đủ, sâu sắc về cơ chế, nguyên nhân để từ đó có những biện pháp giáo dục, định hướng đúng đắn.
NGÔ THẾ LÂM
 

Có thể bạn quan tâm

'Hè vui, hè khỏe, hè an toàn' cho trẻ em Đắk Nông

'Hè vui, hè khỏe, hè an toàn' cho trẻ em Đắk Nông

Tháng hành động vì trẻ em năm 2025 đang được tỉnh Đắk Nông triển khai. Hướng đến sự phát triển toàn diện của trẻ em, tỉnh ưu tiên nguồn lực, huy động sự chung tay, mỗi người một hành động để xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em trên địa bàn.

Trả lại 'khoảng trời' cho trẻ thơ - Bài 2: Con công nhân lao động chơi ở đâu?

Trả lại 'khoảng trời' cho trẻ thơ - Bài 2: Con công nhân lao động chơi ở đâu?

Với không ít gia đình công nhân lao động ở những thủ phủ công nghiệp như TPHCM, Bình Dương, nghỉ hè là thời gian ám ảnh nhất. Bởi, con trẻ nghỉ hè nhưng phụ huynh vẫn đến nhà máy. Không ít phụ huynh buộc phải để con ở nhà một mình tại khu trọ, số khác đưa con cùng vào nhà máy hoặc gửi về quê.

Hàng trăm người chen nhau để gặp nhân vật phiên bản nhí đang gây sốt cộng đồng

Hàng trăm người chen nhau để gặp nhân vật phiên bản nhí đang gây sốt cộng đồng

"Trời ơi ảnh nhìn mình nè!", "Đáng yêu xỉu luôn!"... đó là những âm thanh rộn ràng phát ra từ một góc Crescent Mall (Q.7, TP.HCM) sáng 6.6, khi hàng trăm bạn trẻ cùng nhau đổ về một sự kiện pop-up đặc biệt: cuộc gặp gỡ đầu tiên với một nhân vật phiên bản nhí đang gây sốt cộng đồng mê sưu tầm figure.

Hòa bình đẹp lắm!: Thế hệ trẻ viết tiếp bản hùng ca dân tộc trong kỷ nguyên mới

Hòa bình đẹp lắm!: Thế hệ trẻ viết tiếp bản hùng ca dân tộc trong kỷ nguyên mới

50 năm đất nước thống nhất, thế hệ trẻ tự hào, biết ơn và hạnh phúc khi được sinh ra trong hòa bình, độc lập. Hòa bình hôm nay thật đẹp! Lớp lớp thế hệ thanh niên VN nguyện gìn giữ và quyết tâm tiếp nối những tượng đài thanh xuân bất tử để dựng xây, phát triển và cùng đất nước vươn mình.

null