Làng giữa phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến với Pleiku bây giờ, nhiều du khách không khỏi ấn tượng trước sự năng động, hiện đại của một đô thị trẻ trên cao nguyên. Đã có một số tour, tuyến kết nối các điểm đến trong lòng thành phố, giúp khách phương xa có những trải nghiệm đáng giá.


Có thể nói, tour “làng giữa phố” chính là gợi ý hay dành cho những du khách có thời gian lưu trú ngắn song vẫn muốn tìm kiếm dấu làng nơi phố thị. Mới đây, sau khi điểm lại những ngôi làng thú vị trong lòng Phố núi, chúng tôi quyết định làm một chuyến khảo sát nhỏ.

Bóng cổ thụ rười rượi giữa làng Ia Nueng (xã Biển Hồ). Ảnh: Phương Duyên
Bóng cổ thụ rười rượi giữa làng Ia Nueng (xã Biển Hồ). Ảnh: Phương Duyên

Điểm đến đầu tiên của hành trình là làng Kép (phường Đống Đa). Khách đến đây thường dạo một vòng quanh làng, gặp gỡ và trò chuyện cùng nghệ nhân Ksor Hnao-người tạc tượng nổi tiếng không chỉ của Pleiku.

Phải nói ngay rằng, làng giữa phố nên rất khó đòi hỏi vẻ nguyên sơ từ kiến trúc cho đến văn hóa, phong tục, song vẫn đọng lại những nét bản sắc khó hòa lẫn. Đơn cử, nếu muốn tìm hiểu quan niệm về nhân sinh của đồng bào Jrai, ta có thể ghé khu nhà mồ. Vài năm trước, nhà văn Sương Nguyệt Minh cùng chúng tôi ghé thăm nơi đây, lang thang giữa im vắng với biết bao xúc cảm dù rằng kiến trúc nhà mồ đặc sắc cũng đã bị bê tông hóa, tôn hóa.

Không khó để tìm nhà nghệ nhân Ksor Hnao. Từ bàn tay tài hoa của ông, hàng ngàn bức tượng gỗ dân gian, tượng mồ đã ra đời, khẳng định khả năng sáng tạo lạ lùng, đáng kinh ngạc dù chẳng qua trường lớp nào. Ông vui vẻ chia sẻ: Gần đây, trước nhu cầu mua tượng làm quà của du khách, ông đã thu nhỏ tượng với kích cỡ 40-50 cm, bán với giá khoảng 500 ngàn đồng/bức. “Như vậy khách dễ mang lên xe, lên máy bay hơn”-ông nói.

Với những ai muốn tìm hiểu nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian, ông đều sẵn lòng giúp họ tận mục sở thị. Thậm chí, từng có một du khách Pháp tìm đến ông xin… làm học trò. Tư duy làm du lịch của nghệ nhân này cũng rất nhạy bén khi cách đây vài năm, ông khai trương một quán ẩm thực phục vụ các thức món bản địa. Sau đó, ông mở rộng quy mô ở khu đất đối diện và dựng thêm ngôi nhà rông khá bề thế để làm điểm check-in cho thực khách. Mới đây, ông còn dành một gian nhỏ ở quán để bày bán các sản phẩm OCOP trong tỉnh.

Rời làng Kép, chúng tôi nhằm hướng Khu lâm viên Biển Hồ tìm đến làng Ia Nueng (xã Biển Hồ) nằm gần đó. Ia Nueng rất dễ nhận biết với cổng chào mới tinh và 2 luống hoa xinh xắn chạy dọc đường vào. Ngôi làng gây ấn tượng về sự tĩnh tại, yên bình với những bóng vú sữa cổ thụ to lớn rười rượi giữa nắng trưa, những bụi tre vi vút gió.

Sau khi nghỉ chân trên chiếc ghế đá đặt dưới gốc cổ thụ đường kính dễ đến 8 người ôm, chúng tôi tìm về phía cuối làng ngắm 2 giọt nước. Đúng như phong tục xưa, ta gặp giọt nước dành riêng cho đàn ông trong làng trước, đi thêm một quãng mới gặp nơi tắm gội, lấy nước của chị em phụ nữ, quây kín đáo hơn.

Anh Thiên-Trưởng thôn-cho hay: Đến giờ, dù đã có nước máy về tận làng nhưng mỗi sáng sớm, người dân vẫn duy trì thói quen đi lấy nước giọt-dòng nước ngọt lành nhất của tự nhiên. Chiều xuống, họ lại tụ tập về đây tắm gội sau một ngày lao động, cùng nhau chuyện trò rôm rả. Hiếm có ngôi làng nào giữa phố còn nhiều cổ thụ và vẫn lưu giữ tục dùng nước giọt như Ia Nueng. Thời điểm này, những vườn cà phê quanh làng vừa qua độ trổ bông, nếu không du khách sẽ mãn nhãn với mênh mông “hoa tuyết” trên cao nguyên.

Nhà thờ Plei Chuét (phường Thắng Lợi). Ảnh Thanh Nhật
Nhà thờ Plei Chuét (phường Thắng Lợi). Ảnh: Thanh Nhật

Điểm đến thứ 3 là làng Chuét 2 (phường Thắng Lợi), nơi có nhà thờ Plei Chuét, một kiến trúc tôn giáo tiêu biểu, đặc sắc xây dựng theo mô hình nhà rông Tây Nguyên. Công trình bề thế này cao hơn 34 m, chiều dài 40 m, rộng gần 30 m. Từ xa đã thấy mái tôn màu đỏ gạch cao vút như lưỡi rìu tạc trên nền trời.

Ở cổng vào hướng Tây còn có gác chuông cũng được thiết kế cách điệu dáng nhà rông cao gần 20 m. Nhiều chi tiết trang trí ở đường viền, tay vịn dẫn lên cầu thang được cách điệu đẹp mắt với hoa văn truyền thống và hình tượng bầu nước, ghè, gùi, chiêng… Đặc biệt, khuôn viên rộng lớn của nhà thờ Plei Chuét có nhiều cây cổ thụ như: bằng lăng, tùng, đa... xanh mát, tạo sự yên tĩnh cho ngôi giáo đường.

Ông Lê Thanh Tâm-Bí thư Đảng ủy phường Thắng Lợi-cho biết: Trong làng vẫn còn một số người theo nghề dệt thổ cẩm và chế tác nhạc cụ truyền thống mỗi khi có khách đặt hàng. Những nét văn hóa đặc sắc ấy làm nên sức hấp dẫn của làng Chuét 2 bên cạnh điểm nhấn kiến trúc.

Người dân và du khách hào hứng với tiết mục biểu diễn cồng chiêng của đội nghệ nhân làng Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku). Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Người dân và du khách hào hứng với tiết mục biểu diễn cồng chiêng của đội nghệ nhân làng Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku). Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

Làng văn hóa du lịch Plei Ốp (phường Hoa Lư) là nơi khép lại hành trình khám phá làng giữa phố. Điểm đến này chẳng còn xa lạ với khách du lịch mỗi khi đến với Pleiku. Làng được đầu tư hạ tầng bài bản, có 1 ngôi nhà rông truyền thống to đẹp cùng dịch vụ ẩm thực phong phú.

Đã được tập huấn về du lịch cộng đồng nên dân làng luôn sẵn sàng phục vụ du khách. Gần đây nhất, tối 22-3, làng Ốp đón một đoàn khách ghép của Công ty Du lịch Postum Travel 42 người đến từ Hà Nội. Chỉ có củ mì, khoai lang, bắp nướng và rượu ghè nhưng ai cũng chếnh choáng vui. Khách còn thích thú khi được hòa vào những vòng xoang trước nhà rông, giữa tiếng cồng chiêng trầm bổng.

Ông Phạm Quang Nghĩa (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) hào hứng chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Gia Lai. Không khí rất vui, dân làng cũng hết sức nhiệt tình. Nhạc đã dừng, chương trình kết thúc mà chúng tôi và bà con cứ bịn rịn mãi”. Người dân làng Ốp cũng duy trì các nghề truyền thống như: đan lát, dệt thổ cẩm, làm rượu ghè… đủ sức làm thỏa lòng khách phương xa mong muốn tìm hiểu bản sắc Jrai.  

Đánh giá cao ý tưởng tổ chức tour “làng trong phố”, ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-góp thêm giải pháp: Các ngành và chính quyền địa phương cần đầu tư cơ sở vật chất, đường sá; tập huấn cho người dân về du lịch cộng đồng; vận động các hội, đoàn thể cùng phối hợp để tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp; cần có thêm nhiều sản phẩm du lịch để khách mua làm quà lưu niệm như tượng thu nhỏ, gùi, bầu, các sản phẩm từ thổ cẩm… và các nông sản đặc trưng của địa phương.

“Ngoài ra, tour này nên có hướng dẫn viên dân tộc thiểu số. Họ là những người thực sự am hiểu văn hóa địa phương để xâu chuỗi, thuyết minh những câu chuyện liên quan đến vùng đất, con người, phong tục… tạo sự hứng thú cho du khách”-ông Hà nhấn mạnh.

PHƯƠNG DUYÊN