(GLO)- Những năm qua, huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình gắn với các quy định về phòng-chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số. Đặc biệt, huyện triển khai có hiệu quả Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” giai đoạn 2021-2025.
Tăng cường tuyên truyền trong trường học
Mới đây, gần 300 học sinh, giáo viên và phụ huynh Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Kbang đã tham dự phiên tòa giả định tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Theo Hiệu trưởng Trần Đình Hưng, đây là một trong những hoạt động giúp các em học sinh nâng cao hiểu biết pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Thầy Hưng cho biết thêm: Trong các buổi chào cờ đầu tuần, sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt nội trú, nói chuyện chuyên đề, nhà trường thường xuyên lồng ghép các nội dung về sức khỏe sinh sản, vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để tuyên truyền, phổ biến cho học sinh. Cùng với đó, Tổ tư vấn học đường còn xây dựng nội dung để giáo viên đưa vào chương trình giảng dạy; giáo viên chủ nhiệm chủ động tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt lớp; thầy-cô giáo cũng quan tâm nhắc nhở trong các lần sinh hoạt nội trú. “Tổ tư vấn còn lắng nghe tâm tư, tình cảm và ý kiến của học sinh để điều chỉnh, định hướng nội dung tuyên truyền cũng như giáo dục giới tính cho các em. Những hoạt động này nhằm giúp các em có thêm những kiến thức cơ bản và thiết thực, có thái độ đúng mực, hiểu biết về hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, từ đó hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn”-thầy Hưng chia sẻ.
|
Phiên tòa giả định tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thu hút đông đảo học sinh Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Kbang tham gia. Ảnh: Minh Nguyễn |
Trong 2 ngày 24 và 28-11, Phòng Dân tộc huyện phối hợp với Trung tâm Y tế huyện và Trường THPT Anh Hùng Núp (xã Kông Lơng Khơng), Trường THCS-THPT Kon Hà Nừng (xã Sơn Lang) tổ chức truyền thông phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên cho gần 700 học sinh. Tại đây, các em được truyền thông về tác hại và ảnh hưởng của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; các quy định pháp luật về vấn đề này; việc chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên.
Nhiều giải pháp ngăn ngừa
Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2019-2021, trên địa bàn huyện có 1.577 cặp kết hôn, trong đó có 94 cặp tảo hôn (chiếm 5,96%). Trong số này, 79 cặp có vợ hoặc chồng vi phạm độ tuổi kết hôn, 15 cặp kết hôn cả vợ và chồng đều vi phạm độ tuổi kết hôn; không có trường hợp kết hôn cận huyết thống.
Phó Chủ tịch HĐND huyện Phạm Quang Vĩnh cho hay: Nhằm ngăn ngừa tình trạng tảo hôn, HĐND huyện đề nghị các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; nhân rộng các mô hình điểm, cách làm hay. Các trường THPT, THCS tăng cường phối hợp với gia đình, địa phương trong việc quản lý để hạn chế tình trạng học sinh nghỉ học sớm vì liên quan đến tảo hôn; xem xét, xử lý nghiêm đối với một số trường hợp tảo hôn, tổ chức tảo hôn để giáo dục, răn đe. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội ở cấp xã và thôn, làng, tổ dân phố trong công tác tuyên truyền, vận động; đưa các quy định về phòng-chống tảo hôn vào hương ước, quy ước, bình xét gia đình văn hóa.
|
Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Kbang thường xuyên lồng ghép các nội dung tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa. Ảnh: Minh Nguyễn |
Theo kết quả giám sát của HĐND huyện Kbang về thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” giai đoạn 2019-2021, tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện đã giảm 46,5% (tương ứng 108 trường hợp) so với giai đoạn 2016-2018. |
Giai đoạn 2019-2021, xã Lơ Ku có 23 cặp tảo hôn. Theo Chủ tịch UBND xã Hồ Xuân Dương: Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn, các thôn, làng đã tiến hành ký cam kết “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; ông mai, bà mối ký cam kết “Không tổ chức mai mối cho người chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn”. Tại một số làng, chi hội phụ nữ còn thành lập Câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể chú trọng các giải pháp can thiệp nhằm ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng; khuyến khích, tạo điều kiện để các em đi học trung cấp chuyên nghiệp, học nghề, bố trí việc làm. Cùng với đó, tăng cường các hoạt động truyền thông, tư vấn, vận động thay đổi nhận thức nhằm thay đổi hành vi của người dân tộc thiểu số ở làng có tỷ lệ hoặc nguy cơ cao về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”-ông Dương nêu giải pháp.
MINH NGUYỄN