Học Bác từ những điều bình dị

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhiều tấm gương sáng về học tập và làm theo Bác đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ ngay tại địa phương, đơn vị và trong cộng đồng dân cư. Đó là những con người bình dị với công việc thầm lặng nhưng không ngừng nỗ lực, đóng góp tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Những Đảng bộ, chi bộ mà họ sinh hoạt nhiều năm liền luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; cá nhân họ được địa phương và các cấp, các ngành ghi nhận vì đã có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

 

* Ông PHẠM VĂN PHƯƠNG-Bí thư Đảng ủy xã Ia Piar (huyện Phú Thiện, Gia Lai): “Coi người dân như người nhà”

Bí thư Đảng ủy xã Ia Piar Phạm Văn Phương tạo ấn tượng với mọi người ở sự gần gũi, chu đáo, luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến người khác. Gần đây nhất là hình ảnh Bí thư Đảng ủy xã dìu cụ già vào phòng mình rót nước mời, rồi ân cần hỏi chuyện khi cụ đến bộ phận một cửa của xã xác nhận lý lịch cho cháu. Nghe cụ thắc mắc có mấy bì rác “rất chướng mắt” nằm khá lâu phía sau cổng làng văn hóa, ngay chiều hôm đó, ông Phương đã huy động đoàn viên, thanh niên dọn vệ sinh luôn cả con ngõ nhỏ ấy.

 Ông Phạm Văn Phương (bìa phải) trao đổi với người dân về tình hình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Đ.P
Ông Phạm Văn Phương (bìa phải) trao đổi với người dân về tình hình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Đ.P



Vừa tròn 40 tuổi, là Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã, ông Phương luôn gần gũi với người dân và lưu tâm từng công việc lớn, nhỏ. Ông nắm rõ tình hình từng thôn, làng, thấu hiểu hoàn cảnh từng hộ dân, số phận từng con người. “Đừng nói gì chuyện lớn, làm cán bộ xã nhiều khi chỉ một chuyện nhỏ người dân phản ánh mà mình không quan tâm giải quyết kịp thời thì sẽ làm cho họ mất niềm tin. Tôi luôn tâm niệm làm dân vận là phải lấy dân làm gốc, dựa vào dân. Phải tin tưởng, coi dân như người trong nhà, như vậy họ mới tin yêu và ủng hộ mình”-ông Phương chia sẻ.

Xã Ia Piar có 7 thôn, làng với hơn 8.600 khẩu. Người dân trong xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Theo kế hoạch đăng ký, xã Ia Piar sẽ về đích nông thôn mới vào năm 2019. Đây là nhiệm vụ khó nhưng Đảng ủy xã vẫn quyết tâm hoàn thành, đặc biệt là tập trung giải quyết tiêu chí nan giải về vệ sinh môi trường. Đến cuối năm 2019, 100% cán bộ, đảng viên trong xã đã nêu gương trong việc xây nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh và hoàn thành di dời chuồng trại ra xa khu nhà ở. Noi gương này, hơn 1.260/1.726 hộ dân đã làm nhà tiêu, nhà tắm và bể chứa nước hợp vệ sinh, hơn 580/750 hộ chăn nuôi di dời chuồng trại nhốt gia súc ra khỏi gầm nhà sàn, đảm bảo môi trường sống sạch sẽ. Kết quả trên đã giúp xã Ia Piar cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đây là nỗ lực lớn của hệ thống chính trị xã nhằm tạo ra sự đồng thuận trong nhân dân, trong đó có vai trò Bí thư Đảng ủy kiêm Trưởng ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Ia Piar Phạm Văn Phương.



* Bà ĐINH THỊ TƯỚT-Bí thư chi bộ làng Hà Nừng (xã Sơn Lang, huyện Kbang, Gia Lai): “Đảng viên không được trốn tránh nhiệm vụ”

Làng Hà Nừng có 125 hộ với 443 khẩu nhưng chỉ có 4 hộ nghèo. Có được kết quả này là nhờ nữ Bí thư chi bộ Đinh Thị Tướt thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và phù hợp với làng mình. Bà Tướt luôn sâu sát, nhiệt tình, trách nhiệm và hết lòng giúp đỡ bà con trong làng, nhất là vận động một số “trụ cột gia đình” lười lao động, thừa sức làm việc nhưng chỉ thích ở nhà uống rượu, hễ có được vài đồng là lại đi mua rượu uống.

 Bà Đinh Thị Tướt. Ảnh: M.P
Bà Đinh Thị Tướt. Ảnh: M.P

Đối với những “ca khó” này, cứ mỗi lúc rảnh rỗi bà đến từng nhà “tiếng nhỏ, tiếng to” khuyên nhủ học hỏi cách làm ăn của bạn bè hàng xóm, chăm lo phát triển kinh tế gia đình; không có ruộng rẫy thì đi làm thuê, ở nhà uống rượu vừa hại sức khỏe vừa mất tiền. Đối với một số hộ dân không chịu chăm sóc cà phê mà chỉ muốn phá rừng làm rẫy, bà cũng không ngại nắng mưa đến tuyên truyền, vận động để người dân hiểu đó là hành vi vi phạm pháp luật. “Tôi đã hứa trước cờ Đảng rằng người đảng viên không được trốn tránh nhiệm vụ. Mưa gió gì cũng không quản ngại. Có vậy thì người dân mới tin tưởng và làm theo”-Bí thư chi bộ làng Hà Nừng chia sẻ.

Làm thế nào để dân làng đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, ổn định đời sống cũng là trăn trở của bà Tướt. Hơn 5 năm làm Bí thư chi bộ, bà cùng Ban Nhân dân thôn vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế; vận động nhân dân thực hiện đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Nhờ thu nhập bình quân trên 150 triệu đồng/năm từ hơn 1 ha cà phê trong thời kỳ kinh doanh và vườn sầu riêng, mắc ca, bà có điều kiện cho những hộ trong làng vay vốn đầu tư phát triển sản xuất không tính lãi. Có hộ bà cho vay đến 70 triệu đồng để trả nợ ngân hàng, trồng cây ăn quả, chăm sóc cà phê, phát triển chăn nuôi. Các hộ ông Đinh Văn HDăn, Đinh Văn Thơ cũng nhờ khoản vay này mà đã vượt qua khó khăn, trở thành hộ giàu trong làng.



*  Ông NGUYỄN SÁU-Bí thư chi bộ tổ dân phố 2 (phường Hội Thương, TP. Pleiku):  “Chú Sáu sao, tôi vậy”


Năm 2015, ông Nguyễn Sáu nghỉ hưu. Những tưởng được tận hưởng thời gian rỗi để nghỉ ngơi, quây quần bên cháu con nhưng trách nhiệm của người đảng viên không cho phép ông làm điều đó. Về địa phương-nơi từng sinh sống từ năm 1963, ông tham gia cấp ủy chi bộ với vai trò Phó Bí thư. Năm 2017, ông được tín nhiệm bầu là Bí thư chi bộ cho đến nay. Đáp lại sự tín nhiệm của tổ chức, người dân, ông cùng chính quyền địa phương đứng ra vận động các đoàn thể, nhà hảo tâm trên địa bàn giúp đỡ những hộ khó khăn như: xây tặng nhà tình nghĩa (50 triệu đồng/căn) cho 2 hộ nghèo, vận động doanh nghiệp hỗ trợ 10 kg gạo/tháng cho 1 hộ nghèo trên địa bàn. Nhờ vậy, từ 7 hộ nghèo trong diện khảo sát đa chiều năm 2016, nay tổ 2 chỉ còn 4 hộ; 3 hộ cận nghèo nay chỉ còn 1.

Ông Nguyễn Sáu (bìa trái) trò chuyện với người dân. Ảnh: M.P
Ông Nguyễn Sáu (bìa trái) trò chuyện với người dân. Ảnh: M.P



 Khắc ghi lời dạy của Bác là cán bộ phải luôn gần dân, sâu sát cơ sở, nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy phục vụ nhân dân, ông Sáu đã tích cực vận động người dân thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng, lắp đặt những công trình công cộng phục vụ dân sinh. Cụ thể là hoàn thành 3 tuyến đường hẻm có tổng chiều dài 352 m theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm (trong đó người dân đóng góp gần 112 triệu đồng); vận động toàn bộ 109 hộ ở hai bên đường Sư Vạn Hạnh tự nguyện hiến gần 2.000 m2 đất, di dời hàng rào, vật kiến trúc để nâng cấp, mở rộng tuyến đường giao thông; vận động 59/59 hộ đồng thuận nhận tiền đền bù và giao đất để thực hiện công trình kè chống sạt lở suối Hội Phú. Theo ông Sáu, để người dân đồng tình như cách họ phát biểu: “Chú Sáu sao tôi vậy” thì trước hết phải giúp họ thấy được lợi ích khi công trình hoàn thành. Vì vậy, ông không ngại đến từng hộ giải thích về chính sách đền bù để bà con hiểu, đồng thuận giao đất. “Một khi hiểu rõ quyền lợi và thỏa mãn mọi thắc mắc thì tự khắc bà con sẽ đồng thuận thực hiện”-ông Sáu chia sẻ kinh nghiệm.


 MINH PHƯƠNG-TRẦN ĐỨC