(GLO)- Hơn 1 năm qua, già làng Rơ Lan Hlết (làng Klăh, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã góp phần không nhỏ vào việc giúp người dân hình thành thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
“Mình cũng muốn nghỉ ngơi nhưng dân làng còn tin tưởng. Mình đã thề trước Đảng chỉ khi không còn sức khỏe nữa mới thôi chứ còn sức thì còn tham gia công việc của làng. Đảng viên không bao giờ làm trái lời thề”-ông Rơ Lan Hlết lý giải vì sao lại đảm nhận trách nhiệm già làng khi tuổi đã cao.
Cả đời gắn bó với buôn làng, già Hlết hiểu rằng, già làng là trung tâm đoàn kết của cộng đồng, do đó bản thân phải thật khỏe mạnh, lời nói và việc làm phải đi đôi với nhau; gương mẫu trong phát triển kinh tế, nuôi dạy con cháu và đặc biệt có mối quan hệ anh em, họ hàng thuận hòa. Già phân tích: “Có khỏe mạnh thì mới đảm đương hết việc lớn, việc nhỏ trong làng và khi người dân cần dù đêm hay ngày, xa hay gần đều phải có mặt. Kinh tế có mạnh thì khi người trong làng gặp khó khăn, hoạn nạn mình mới có điều kiện hỗ trợ, không băn khoăn, suy nghĩ nhiều. Về chuyện đoàn kết, nếu người trong gia đình, dòng họ mà không yêu thương nhau thì sao có thể bao dung với cộng đồng”.
Già làng Rơ Lan Hlết (bìa trái) tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường. Ảnh: Phương Dung |
Lợi thế của già Hlết là có 30 năm kinh nghiệm với nhiều vị trí công tác tại địa phương, trong đó có hơn 10 năm làm Bí thư Đảng ủy xã nên nắm vững các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có phương pháp tuyên truyền, vận động giúp người dân dễ hiểu, dễ tiếp thu. Cùng với đó, ông hiểu rất rõ vùng đất, con người nơi đây; hiểu cả những băn khoăn, trăn trở của bà con. Vì vậy, già luôn nhẹ nhàng phân tích, giải thích để bà con thấy được cái lợi, cái hại trong từng việc từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp rồi tự giác thay đổi, làm theo. “Trước đây, một cán bộ huyện đến xã công tác từng nói: Đến Ia Mơr chỉ thấy toàn phân bò! Mình nghe buồn lắm, nhưng sự thật là vậy. Do bà con thả rông gia súc, không nghĩ đến chuyện thu gom phân để bón cho cây trồng, không nghĩ đến chuyện bảo vệ môi trường”-già Hlết nói về điều khiến bản thân từng trăn trở.
Để cải tạo môi trường, già Hlết đến từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân thu gom rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường. Mặt khác, ông bàn bạc với Chi bộ, trao đổi với các đoàn thể trong làng để phân công phụ trách các tuyến đường tự quản. Sau đó, 5 tuyến đường trong làng được phân công các đoàn thể quản lý. Hàng tuần, các đơn vị tổ chức thu gom rác thải và phân bò trên tuyến đường do mình phụ trách, sau đó bán gây quỹ. Để thuận tiện trong việc thu gom, già đề xuất hỗ trợ kinh phí ban đầu để các đoàn thể mua xe rùa làm phương tiện vận chuyển. Ông Rơ Mah Nhon (làng Klăh) cho hay: “Ban đầu, nghe tuyến đường tự quản, người dân không hiểu, tưởng do đoàn thể quản lý và dọn dẹp. Nhưng không phải vậy, già Hlết giải thích rõ hơn, người dân hiểu đường do mình sử dụng, mình phải dọn dẹp, giữ gìn. Nhà có sạch, đường có đẹp thì con người mới khỏe mạnh. Hơn nữa, làng mình là làng văn hóa, nếu không sạch sẽ sao xứng đáng với danh hiệu này”.
“Mưa dầm thấm đất”, từ việc coi chuyện thả rông gia súc rồi nước đọng, rác thải quanh vườn, quanh nhà là bình thường thì nay người dân làng Klăh đã hình thành thói quen tập kết và xử lý rác thải bằng cách đốt, chôn lấp trong vườn nhà. Cứ vào sáng chủ nhật, các hộ dân tập trung nhau lại cùng vệ sinh, dọn dẹp, làm sạch đường làng. Già làng tiếp tục cùng với cán bộ Trạm Y tế xã, Đội công tác địa bàn Đồn Biên phòng Ia Mơr và các lực lượng tuyên truyền, vận động người dân làm nhà vệ sinh. “Đảng viên làm trước, sau đó đến hội viên, đoàn viên, rồi người dân. Người này gương mẫu cho người kia học hỏi, dần dần mới tạo sức lan tỏa”-già Hlết nói.
Già làng Hlết động viên các cháu nhỏ tại buổi bế giảng lớp cồng chiêng và múa xoang do UBND xã Ia Mơr phối hợp tổ chức. Ảnh: Phương Dung |
Trước đây, do thói quen sinh hoạt, người dân trong làng không làm nhà vệ sinh dù đây là nhu cầu thiết yếu. Nguyên nhân là vì vùng này là đất cát, chỉ sau vài cơn mưa lớn đều bị ngập úng; mùa khô thì “đất không có chân” nên dễ sạt lở. Để giải quyết vấn đề này, già làng Hlết và các đoàn thể đến từng gia đình hướng dẫn người dân cách đào hố, mua cống xi măng về làm hầm cầu, che chắn xung quanh. Đồng thời, ông đề xuất địa phương hỗ trợ ngày công và cống xi măng cho hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tuyên truyền kết hợp với những giải pháp cụ thể thiết thực nên hơn 40 hộ trong tổng số 143 hộ dân làng Klăh đã làm nhà vệ sinh.
Đề cập về giải pháp giảm thiểu hộ nghèo, cận nghèo trong làng (10 hộ nghèo, 23 hộ cận nghèo), già Hlết tin tưởng: “Khi nước hồ thủy lợi Ia Mơr vào đến chân ruộng để canh tác được lúa nước 2 vụ như các xã lân cận thì chắc chắn đời sống của bà con sẽ cải thiện. Hiện tại, mình vận động bà con giữ đất, không để đất hoang hóa, tập trung canh tác các loại cây trồng phù hợp và tận dụng diện tích vườn điều chưa khép tán trồng thêm cây ngắn ngày để tăng thu nhập”.
Ông Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr: “Già làng Hlết rất tâm huyết với công việc, sự phát triển mọi mặt của địa phương. Già gương mẫu, nhiệt tình, trách nhiệm và rất được dân làng yêu mến, kính trọng. Già góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Già vận động người dân chủ động làm những phần việc chưa cần đến sự đầu tư của Nhà nước như: cải tạo vườn tạp, rào vườn, làm chuồng nhốt gia súc, làm nhà vệ sinh, thu gom rác thải… góp phần bảo vệ sức khỏe, tạo cảnh quan môi trường sạch-đẹp”. |
PHƯƠNG DUNG