Gia Lai: Nhu cầu học bơi tăng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm gần đây, phong trào dạy và học bơi trên địa bàn tỉnh Gia Lai có sự phát triển mạnh mẽ. Không chỉ để rèn luyện sức khỏe, môn bơi còn giúp mọi người, nhất là thanh-thiếu niên và nhi đồng nâng cao kỹ năng phòng tránh đuối nước.
Để góp phần giảm thiểu tai nạn thương tâm do đuối nước, nhiều cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng bể bơi và mở lớp dạy bơi cho mọi đối tượng. Các lớp dạy bơi này đều hướng đến việc trang bị cho học viên kỹ năng đảm bảo an toàn trong môi trường nước.
Đưa con trai đi học bơi tại Nhà Thi đấu Thể thao tỉnh, anh Hoàng Minh Hiếu (phường Chi Lăng, TP. Pleiku) chia sẻ: “Qua báo chí phản ánh, tôi thấy có rất nhiều vụ tử vong do đuối nước, trong đó phần lớn là do các cháu nhỏ rủ nhau đi tắm ao, hồ nhưng không biết bơi. Để giúp các con an toàn trong môi trường nước, tôi cho cả 2 đứa đi học bơi. Có thầy giáo hướng dẫn, cháu bơi đúng cách và còn được chỉ dẫn các phương pháp cứu đuối”.
Là giáo viên dạy bơi tại Nhà Thi đấu Thể thao tỉnh, anh Nguyễn Tam Hùng cho biết: “Năm 2016, khi Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao tỉnh đưa vào sử dụng 2 bể bơi và mở các lớp dạy bơi, tôi đăng ký làm cộng tác viên dạy bơi. Học viên của tôi thuộc đủ mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất là trẻ em. Mỗi năm, tôi dạy bơi cho khoảng 100 học viên. Các lớp dạy bơi không chỉ giúp học viên rèn luyện sức khỏe mà còn có thêm kỹ năng phòng tránh đuối nước. Nhiều phụ huynh đưa con đi học bơi thấy hữu ích cũng đăng ký học luôn”.
Trẻ em học bơi tại bể bơi thông minh ở huyện Đức Cơ. Ảnh: Thiên Di
Trẻ em học bơi tại bể bơi thông minh ở huyện Đức Cơ. Ảnh: Thiên Di
Ông Ngô Gia Hùng-Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao tỉnh-thông tin: Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm đã dạy bơi cho hàng ngàn lượt người. Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy chiêu sinh ít nhưng đến giờ cũng có gần 400 người đăng ký học bơi.
“Trung tâm có 15 huấn luyện viên và cộng tác viên thay phiên dạy bơi cho người dân. Sau 16-18 buổi, học viên sẽ bơi ếch thành thạo. Nếu học viên có nhu cầu học nâng cao thì sẽ được dạy thêm. Học viên của Trung tâm chủ yếu là thanh-thiếu niên và nhi đồng, có khoảng 5% là người trên 50 tuổi. Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp với các trường THPT trên địa bàn TP. Pleiku để tổ chức các lớp học bơi ngoại khóa giúp trang bị kỹ năng phòng tránh đuối nước cho học sinh”-ông Hùng nói.
Trước nhu cầu học bơi ngày càng tăng của người dân, nhiều đơn vị, cá nhân đã đầu tư xây dựng bể bơi và mở các lớp dạy bơi. Anh Lê Đình Hoàn (thị trấn Chư Sê) cho hay: “Nhận thấy nhu cầu học bơi để rèn luyện sức khỏe và phòng tránh đuối nước của người dân tăng cao, giữa năm 2016, gia đình tôi đầu tư kinh phí làm 2 bể bơi thông minh. Sau đó, tôi mở các khóa dạy bơi. Từ đó đến nay, tôi đã dạy bơi cho hơn 500 học viên. Tôi chủ yếu dạy trong dịp hè vì học viên ở đây đa phần là học sinh”.
Tại huyện Ia Grai, ngoài một số bể bơi thông minh do đơn vị trường học được đầu tư kinh phí xây dựng thì còn có 3 bể bơi khác của tư nhân. Bà Lê Thị Phương Loan-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Ia Grai-cho biết: “4 năm trở lại đây, môn bơi lội phát triển mạnh ở huyện. Số lượng người đăng ký tham gia các khóa học bơi gia tăng theo từng năm. Nhờ đó, phong trào tập luyện môn bơi ngày càng được thúc đẩy. Năm 2019, khi huyện lần đầu tổ chức Giải bơi thiếu niên-nhi đồng đã thu hút hơn 200 vận động viên tranh tài”.
THIÊN DI

Có thể bạn quan tâm

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

(GLO)- Hình ảnh cậu bé Husy (11 tuổi, làng Bok Ayơl, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đứng trên sân khấu say sưa diễn tấu tiết mục “Độc tấu t’rưng-Buôn làng ấm no” tại Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn tỉnh lần thứ III diễn ra hồi tháng 10 vừa qua đã để lại ấn tượng thật khó phai.

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Không được đến trường, những đứa trẻ từ 5-10 tuổi ăn mặc lem luốc lượn lờ khắp nơi xin tiền người đi đường, bất kể trời mưa nắng. Không có tuổi thơ, giờ chúng là “phương tiện” để người lớn kiếm tiền trên lòng thương cảm của người khác.