Gia Lai: Đảm bảo quyền lợi cho những "cử tri đặc biệt"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trại tạm giam Công an tỉnh và Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh Gia Lai đang tích cực chuẩn bị các bước cho người bị tạm giữ, tạm giam và người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở cai nghiện bắt buộc được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. 
Hơn 1 tuần nay, cán bộ quản giáo, giám thị tại Trại tạm giam Công an tỉnh bận rộn hơn. Ngoài công việc hàng ngày, họ còn chuẩn bị tài liệu, nội dung tuyên truyền về bầu cử cho những người bị tạm giữ, tạm giam, người đã có bản án của các cấp sơ thẩm tuyên nhưng đang kháng cáo, kháng nghị được thực hiện quyền công dân của mình. Việc triển khai công tác bầu cử đối với các đối tượng trên thể hiện tính nhân văn và sự tôn trọng quyền con người, quyền công dân của Đảng và Nhà nước.
Qua rà soát sơ bộ, đến thời điểm hiện tại, số “cử tri đặc biệt” tại Trại tạm giam Công an tỉnh là 351 người, tham gia bầu cử tại tổ bầu cử thuộc phường Diên Hồng (TP. Pleiku). Tuy nhiên, đến ngày bầu cử chính thức, con số này sẽ có biến động.
Vì thế, hàng ngày, cán bộ quản giáo thường xuyên rà soát, cập nhật để bổ sung kịp thời số cử tri là can phạm mới nhập trại hoặc xóa tên khỏi danh sách cử tri tại tổ bầu cử đối với những trường hợp đã bị tòa án tuyên phạt tước mất quyền bầu cử. Đến thời điểm trước 24 giờ diễn ra bầu cử (23-5), Trại tạm giam Công an tỉnh sẽ chốt danh sách cử tri với Ủy ban bầu cử phường Diên Hồng để nhận và phát thẻ cử tri cho người bị tạm giam, tạm giữ, người đã có bản án của các cấp sơ thẩm tuyên nhưng đang kháng cáo, kháng nghị. 
Thượng tá Trần Văn Thanh-Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh-cho biết: Giám đốc Công an tỉnh đã có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo đơn vị tăng cường tuyên truyền về Luật Bầu cử nhằm giáo dục cho cử tri nhận thức vai trò, trách nhiệm, quyền lợi của mình và ý nghĩa của việc bầu cử. Sau khi công bố danh sách chính thức những người ứng cử, đơn vị sẽ niêm yết tóm tắt tiểu sử, chương trình hành động của ứng cử viên để cử tri tìm hiểu lựa chọn bỏ phiếu.
Ngoài ra, Công an tỉnh cũng đề nghị tổ bầu cử mang hòm phiếu đến từng buồng giam, phối hợp với cán bộ quản giáo phát phiếu bầu và tổ chức cho cử tri tự tay bỏ những lá phiếu của mình để lựa chọn những người xứng đáng vào Quốc hội và HĐND các cấp.
“Với sự chuẩn bị chu đáo và chấp hành nghiêm quy định của Luật Bầu cử, 100% số người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đã có bản án của các cấp sơ thẩm tuyên nhưng đang kháng cáo, kháng nghị tại trại tạm giam, nhà tạm giữ sẽ được thực hiện đầy đủ quyền lợi về bầu cử, góp phần vào thành công chung của cuộc bầu cử trên địa bàn tỉnh”-Thượng tá Trần Văn Thanh khẳng định.
Học viên Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh trong một buổi lao động. Ảnh: Lê Anh
Học viên Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh trong một buổi lao động. Ảnh: Lê Anh
Cũng tích cực chuẩn bị cho công tác bầu cử, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh đang lập danh sách cử tri sơ bộ cho học viên cai nghiện bắt buộc và tự nguyện tại đây. Theo dự kiến, Cơ sở sẽ là 1 tổ bầu cử, có hòm phiếu riêng và tổ bầu cử này thuộc Ủy ban bầu cử xã Biển Hồ (TP. Pleiku).
Khoản 5, Điều 29 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định: Cử tri là người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh nơi người đó đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Như vậy, quy định này chỉ áp dụng đối với cử tri là người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Đối với cử tri là người tự nguyện xin vào cai nghiện, chữa trị tại cơ sở cai nghiện bắt buộc thì việc bảo đảm quyền bầu cử được xác định như đối với cử tri là người tạm trú quy định tại khoản 3, Điều 29 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Nếu đến trước ngày bầu cử, những cử tri này trở về thì được bổ sung tên vào danh sách cử tri ở nơi thường trú để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã).
Trường hợp đến ngày bầu cử họ vẫn đang thực hiện việc cai nghiện, chữa trị ở cơ sở cai nghiện, nếu thời gian từ khi bắt đầu cai nghiện, chữa trị tại cơ sở đến ngày bầu cử chưa đủ 12 tháng thì những cử tri này được tham gia bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh và cấp huyện; nếu thời gian từ khi bắt đầu cai nghiện, chữa trị tại cơ sở đến ngày bầu cử là từ đủ 12 tháng trở lên thì họ được tham gia bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND ở cả 3 cấp tại khu vực bỏ phiếu nơi có cơ sở cai nghiện.
Ông Nguyễn Đình Sơn-Giám đốc Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh-cho biết: Thời gian qua, đơn vị thường xuyên phối hợp với Ủy ban bầu cử xã Biển Hồ tuyên truyền Luật Bầu cử và các văn bản hướng dẫn để các học viên nắm rõ. Cơ sở hiện có 191 học viên cai nghiện, trong số đó có 170 học viên cai nghiện bắt buộc, 21 học viên tự nguyện.
“Chúng tôi đang tiếp tục rà soát các đối tượng để báo cáo Ủy ban bầu cử xã Biển Hồ về tình hình và số lượng cử tri dự kiến. Đồng thời, tích cực chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, phương án đảm bảo an ninh trật tự cho ngày bầu cử được an toàn tuyệt đối”-ông Sơn thông tin.
LÊ ANH