(GLO)- Những năm qua, nhiều phòng khám tư, bệnh viện tư được đầu tư bài bản về trang-thiết bị và chất lượng phục vụ liên tục ra đời trên địa bàn tỉnh đã cho thấy hiệu quả rõ rệt của công tác xã hội hóa y tế.
Giảm tải, tiết kiệm chi phí
Bắt đầu phục vụ bệnh nhân từ đầu tháng 1-2015, Phòng khám Mắt (số 39-41-43 Cù Chính Lan, TP. Pleiku) được đánh giá là phòng khám chuyên về mắt có trang-thiết bị hiện đại nhất trên địa bàn TP. Pleiku. Bác sĩ Nguyễn Văn Lành-Phó Trưởng khoa Mắt (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), chủ phòng khám, cho biết, cơ sở này được trang bị khá đầy đủ với kính hiển vi khám và phẫu thuật, đèn khe khám, máy siêu âm mắt, máy đo khúc xạ mắt, hệ thống máy làm mắt kính…, chi phí đầu tư khoảng hơn 1 tỷ đồng. Ngoài khám và điều trị các bệnh về mắt, phòng khám đang xin giấy phép Sở Y tế để mở các dịch vụ thẩm mỹ như cắt mí mắt, nâng chân mày, lấy mỡ mắt… và kinh doanh dịch vụ mắt kính. Bên cạnh đó, bác sĩ Lành còn chia sẻ dự định xây dựng một Bệnh viện Mắt tư nhân đầu tiên tại Gia Lai trong vòng 5 năm tới. “Ngày thường cơ sở tiếp đón từ 50 đến 60 bệnh nhân, ngày nghỉ có khi lên đến 100 người. Với số lượng bệnh nhân như thế này thì hoàn toàn có thể xây dựng Bệnh viện Mắt để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân; giảm được lượng bệnh nhân phải đi khám-chữa bệnh ở những thành phố lớn”-bác sĩ Lành nói.
Bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai, một trong những đơn vị góp phần tích cực vào công tác xã hội hóa y tế. Ảnh: Phương Duyên |
Là bệnh viện tư nhân đầu tiên của tỉnh, Bệnh viện Đại học Y Dược Hoàng Anh Gia Lai với quy mô 200 giường bệnh cũng được trang bị nhiều phương tiện, máy móc hiện đại như: CT-Scanner, MRI, máy nội soi, C-ARM, máy chạy thận nhân tạo, máy xét nghiệm đa chức năng…, đồng thời triển khai nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu mà trước đây chỉ thực hiện ở các bệnh viện tuyến trung ương, từ đó giúp cho người dân dễ dàng tiếp cận với những kỹ thuật, công nghệ cao trong chẩn đoán và điều trị, góp phần nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh cho người dân.
Đánh giá sơ bộ về tác động xã hội của mô hình “đối tác công-tư” đầu tiên trong cả nước này, ông Măng Đung-Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược Hoàng Anh Gia Lai-thống kê: Từ ngày thành lập đến nay, Bệnh viện đã khám bệnh cho 496.600 lượt người, điều trị nội trú cho 23.300 lượt người, phẫu thuật 6.950 ca; đây cũng là số bệnh nhân mà Bệnh viện đã góp phần giảm tải cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các bệnh viện khác trên địa bàn tỉnh. Giả sử có khoảng 30% số lượt người nếu không có Bệnh viện Đại học Y Dược Hoàng Anh Gia Lai, phải chuyển đi khám, điều trị, phẫu thuật tại TP. Hồ Chí Minh thì chi phí đi lại, ăn ở, điều trị (tính luôn cả chi phí do mất ngày công lao động) lên đến trên 440 tỷ đồng. Chưa kể, nếu 30% số lượt người nêu trên đi TP. Hồ Chí Minh khám-chữa bệnh thì phải cần đến 3.310 chuyến xe đò chuyên chở! Rõ ràng, tác động xã hội của mô hình này là rất lớn và rất đáng ghi nhận.
“Khuyến khích nhưng cần tăng cường công tác quản lý”
Hiện toàn tỉnh có 618 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân; trong đó hành nghề y: 266 cơ sở, hành nghề dược: 352 cơ sở. Sở Y tế đã cấp chứng chỉ hành nghề y cho 3.557 người, cấp chứng chỉ hàng nghề dược cho 240 người. |
Xung quanh công tác xã hội hóa y tế trên địa bàn tỉnh thời gian qua, ông Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai, cho biết: Song song với sự phát triển của hệ thống y tế công, ngành Y tế luôn xác định công tác xã hội hóa là động lực chính để huy động các nguồn lực xã hội. Trong điều kiện nguồn lực của Nhà nước đầu tư cho y tế còn hạn chế, hệ thống y tế tư nhân được khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân trong lựa chọn, tiếp cận các dịch vụ y tế.
Tuy vậy, theo ông Tuấn, hiện vẫn còn một số tồn tại ở các cơ sở hành nghề y tế tư nhân như: Hành nghề vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép; lạm dụng cận lâm sàng (xét nghiệm, Xquang...) nhằm thu lợi nhuận. Một số chủ đầu tư các cơ sở khám-chữa bệnh tư nhân vì coi trọng lợi nhuận, coi thường pháp luật, lợi dụng lòng tin của người dân đã quảng cáo không đúng chuyên môn hoặc vượt quá phạm vi chuyên môn cho phép, không niêm yết giá hoặc có niêm yết nhưng thu tiền cao hơn giá niêm yết...
Vì vậy, để thực hiện tốt việc quản lý về khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, Sở Y tế đã triển khai nhiều biện pháp như tăng cường quản lý người hành nghề khám-chữa bệnh tư nhân thông qua việc cấp chứng chỉ hành nghề; phối hợp với các sở, ngành liên quan cùng với chính quyền các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, thanh tra các cơ sở khám-chữa bệnh tư nhân trên địa bàn, khuyến khích nhân dân cùng giám sát, phát hiện các sai phạm của cơ sở khám bệnh-chữa bệnh tư nhân và thông báo cho Sở Y tế cùng chính quyền địa phương để xử lý kịp thời… Sở cũng kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức nếu có sai phạm; đồng thời công khai danh sách các cơ sở khám-chữa bệnh hợp pháp và phạm vi hoạt động chuyên môn của những cơ sở này để người dân tiện theo dõi, giám sát.
Phương Duyên