Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quốc hội và công tác bầu cử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chủ nhật, ngày 23.5.2021, toàn dân đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, là dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khoá II tại phòng bỏ phiếu tổ 52, khu Trúc Bạch thuộc đơn vị bầu cử số 1, Hà Nội, ngày 8.5.1960. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khoá II tại phòng bỏ phiếu tổ 52, khu Trúc Bạch thuộc đơn vị bầu cử số 1, Hà Nội, ngày 8.5.1960. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh


Bác Hồ với cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên

Nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2021) và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (ngày 23.5.2021), Báo Lao Động đã trao đổi với PGS.TS Phạm Xuân Mỹ, giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng khoa Lịch sử Đảng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) về vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quốc hội và công tác bầu cử.

PGS.TS Phạm Xuân Mỹ cho biết: Cách đây 75 năm, ngày 6.1.1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên trên khắp mọi miền của Tổ quốc đã nô nức tham gia cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo nguyên tắc dân chủ, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên có ý nghĩa vô cùng to lớn, được đặt trong bối cảnh lịch sử đặc biệt.

Theo ông Mỹ, ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Bản Tuyên ngôn là một văn kiện lịch sử có giá trị tư tưởng và ý nghĩa thực tiễn rất sâu sắc.

Từ đây, nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã trở thành một nước tự do, độc lập. Đến ngày 3.9.1945, Chính phủ lâm thời đã họp phiên đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa.

Chính phủ đã thảo luận và tán thành 6 vấn đề cấp bách do Chủ tịch nêu ra, trong đó có việc tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, soạn thảo Hiến pháp dân chủ. Phải đặt trong bối cảnh lịch sử lúc đó, chúng ta mới thấy ý nghĩa của cuộc bầu cử sau đó được tổ chức vào ngày 6.1.1946.

Đến ngày 8.9.1945, Chính phủ đã ra Sắc lệnh số 14/SL về việc Tổng tuyển cử để bầu quốc dân đại hội, thể hiện tính cấp thiết và ý nghĩa quan trọng của việc cần phải tổ chức ngay cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước, ấn định sau hai tháng sẽ mở cuộc tuyển cử. Sắc lệnh cũng quy định “tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường”.

Cuộc bầu cử dự kiến vào tháng 12.1945 nhưng do cuộc kháng chiến của nước ta khi đó nên thời gian đã được lùi lại. Đúng 8h ngày 6.1.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa I ở phòng bỏ phiếu đặt tại số 10 phố Hàng Vôi (nay là Lý Thái Tổ). Trong cuộc Tổng tuyển cử bầu đại biểu Quốc hội khoá I, Người đã trúng cử với số phiếu rất cao.

Bước ngoặt lịch sử vĩ đại của dân tộc ta

PGS.TS Phạm Xuân Mỹ nhấn mạnh, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa I có ý nghĩa rất to lớn. Khi đó, nhân dân ta từ người nô lệ, mất nước đã được đi bầu cử, thể hiện được quyền dân chủ của mình. Cũng từ thời điểm đó, nước ta đã bầu ra được Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Đối với nhân dân ta, đây là một mơ ước mà hàng nghìn đời trước đó chưa thực hiện được, khi đó đã thành sự thật. Còn với chính thể đất nước, việc thành lập được Nhà nước hợp hiến, hợp pháp là một mốc son lịch sử cực kỳ quan trọng, như chính trong lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc trong bản Tuyên ngôn Độc lập.

“Lời kêu gọi toàn dân đi bầu cử của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa vô cùng lớn. Với những công dân từ 18 tuổi trở lên đi bầu cử thể hiện sự chín chắn, có trách nhiệm đối với vận mệnh chính trị của đất nước, của dân tộc. Đồng thời, việc này cũng thể hiện quyền của mỗi người, quyền dân chủ trực tiếp của mình để lựa chọn ra những người xứng đáng, thay mặt mình vào cơ quan Nhà nước. Nhìn rộng hơn, Quốc hội khóa I (1946-1960) ra đời gồm 403 đại biểu đã đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ cộng hòa” - ông Mỹ khẳng định.

Với Quốc hội khoá I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, Quốc hội ta đã hết lòng vì dân, vì nước, đã làm tròn một cách vẻ vang nhiệm vụ của những người đại biểu của nhân dân. Đồng thời, Bác Hồ cũng tin rằng, những người được cử vào Quốc hội khoá II sẽ luôn luôn cố gắng để xứng đáng là những người đầy tớ trung thành của đồng bào, những đại biểu cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội. Sau đó, Quốc hội khóa II (1960-1964) được bầu ngày 8.5.1960, gồm 453 đại biểu.

Điều mà ông Mỹ ấn tượng nhất trong kỳ bầu cử này là câu nói của Bác: “Ai đến trước, bầu trước; Bác đến sau, Bác chờ”. Chính Bác đã tuân thủ theo thể lệ bầu cử một cách dân chủ, phổ thông, đầu phiếu và bỏ phiếu kín. Do đó, dù là người quyền cao, chức trọng với cương vị Chủ tịch nước nhưng Bác rất tôn trọng quyền dân chủ của nhân dân khi ai đến trước sẽ bỏ phiếu trước.

Cũng theo ông Mỹ, tư tưởng của Bác về việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và những đóng góp sau đó đã quyết định sự thành công của cách mạng Việt Nam. Không những vậy, Quốc hội ta là Quốc hội dân chủ đầu tiên ở vùng Đông Nam Châu Á, cũng là Quốc hội đầu tiên của các nước thuộc địa cũ được độc lập tự do. Những thắng lợi đó đã ghi dấu vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng tuyển cử.

Việc khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giữa bộn bề khó khăn, đông đảo cử tri trong cả nước đã đi bỏ phiếu với tỉ lệ rất cao, chứng tỏ sự thắng lợi lớn của cuộc Tổng tuyển cử, chứng tỏ niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Mỹ cho rằng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được tổ chức vào ngày 23.5 tới sẽ là dịp để cử tri cả nước sáng suốt lựa chọn những người đủ đức, đủ tài, đủ năng lực.

Trải qua 14 kỳ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã luôn luôn cố gắng để xứng đáng là những người đầy tớ trung thành của nhân dân, hết lòng vì nhân dân.

Sau 35 năm đổi mới, thế, lực và cơ đồ, vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế ngày càng tăng. Chính vì vậy, cử tri rất kỳ vọng vào những đại biểu tới sẽ xứng đáng, đáp ứng với yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, hiện thực hoá khát vọng hùng cường của dân tộc, sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, hướng tới 100 năm ngày thành lập Đảng, 100 năm ngày thành lập nước.

https://laodong.vn/thoi-su/chu-tich-ho-chi-minh-voi-quoc-hoi-va-cong-tac-bau-cu-911520.ldo
 

Theo Phạm Đông (LĐO)