Chư Á giàu tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sở hữu nhiều cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp cùng với nỗ lực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, những năm qua, Chư Á là một trong những điểm dừng chân hấp dẫn du khách khi đến với phố núi Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Giàu tiềm năng, lợi thế

Bà Nguyễn Thu Hương-Chủ tịch UBND xã Chư Á-cho biết: Toàn xã có 10 thôn, làng, trong đó có 8 làng đồng bào dân tộc thiểu số. Cộng đồng người Jrai, Bahnar ở đây vẫn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống như: cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống, nghề đan lát, dệt thổ cẩm… Hiện nay, 8 làng đều có đội cồng chiêng, riêng làng Wâu và Chuét Ngol thành lập đội cồng chiêng dành cho người già, thanh niên, thiếu nhi và đội nhạc cụ truyền thống. Các đội cồng chiêng thường biểu diễn phục vụ mỗi khi khách tham quan; tham gia liên hoan cồng chiêng hay biểu diễn tại các nhà hàng theo nhu cầu của du khách.

 Đội cồng chiêng làng Chuét Ngol (xã Chư Á) biểu diễn tại Liên hoan cồng chiêng và hát dân ca thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số TP. Pleiku năm 2022. Ảnh: Đinh Yến
Đội cồng chiêng làng Chuét Ngol (xã Chư Á) biểu diễn tại Liên hoan cồng chiêng và hát dân ca thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số TP. Pleiku năm 2022. Ảnh: Đinh Yến


Nói về tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng ở làng Wâu, ông Hưn-Trưởng thôn-cho hay: Làng Wâu còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống nên nơi đây cũng là điểm tham quan của du khách. Đến với làng, du khách có dịp tìm hiểu, tham quan nơi ăn ở, sinh hoạt của bà con trong các ngôi nhà sàn; xem đàn ông đan gùi, phụ nữ dệt vải; cùng người dân đi lấy nước giọt; xuống đồng bắt cá, bắt cua… Buổi tối, du khách hòa mình trong giai điệu của cồng chiêng và những vòng xoang nối dài; cùng với đó là thưởng thức các món ăn như: cua đồng khô giã ớt, chuột đồng nướng, chuột đồng um, cháo măng, cháo lá mì, cá lóc nướng...

Còn ông Rơ Lan Lâm-Trưởng thôn Chuét Ngol thì giới thiệu: “Ngoài lưu giữ cồng chiêng, làng còn có nhà thờ Plei Chuét với kiểu dáng nhà rông Tây Nguyên vươn cao, thu hút sự quan tâm tìm hiểu của du khách. Đây không chỉ là địa điểm sinh hoạt của giáo dân mà còn kết hợp hài hòa giữa nét truyền thống và hiện đại trong nghệ thuật kiến trúc và nét văn hóa riêng của người Jrai, Bahnar”.

Cùng với bản sắc văn hóa, xã Chư Á còn sở hữu nhiều cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Từ trung tâm TP. Pleiku theo quốc lộ 19 khoảng 7 km hướng về Đak Đoa đến đường Nguyễn Chí Thanh rẽ phải là thung lũng hoang sơ Ia Lôm rộng hơn 40 ha. Thung lũng này là nơi người dân các làng dân tộc thiểu số của xã Chư Á và phường Thắng Lợi trồng lúa 1 vụ; mùa mưa thành “vựa” cá, tôm, cua, ốc...

Bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống

Là người nổi tiếng đánh cồng chiêng và có công trong việc gầy dựng đội cồng chiêng người già, ông Ser (làng Chuét Ngol) chia sẻ: “Cồng chiêng gắn liền với vòng đời của mỗi người dân. Vì vậy, bao đời nay, người làng Chuét Ngol luôn tìm cách gìn giữ và bảo tồn vốn quý này”. Được truyền lửa từ ông Ser và những người chơi chiêng trong làng, anh Rơ Lan Đông đã biết đánh chiêng từ nhỏ, đến năm 15 tuổi thì đánh thành thục những bài chiêng truyền thống. Hiện anh là Bí thư Chi Đoàn kiêm Đội trưởng đội cồng chiêng làng Chuét Ngol.

 Anh Rơ Lan Đông (bìa phải)- Đội trưởng đội cồng chiêng làng Chuet Ngol (xã Chư Á) kiểm tra ching, chiêng cho mỗi buổi dạy thanh-thiếu nhi trong làng. Ảnh: Đinh Yến
Anh Rơ Lan Đông (bìa phải)-Đội trưởng đội cồng chiêng làng Chuet Ngol (xã Chư Á) kiểm tra chiêng trước mỗi buổi dạy thanh-thiếu nhi trong làng. Ảnh: Đinh Yến



Anh Đông kể: Năm 2019, anh và những người biết đánh chiêng đã thống nhất thành lập thêm đội chiêng thanh-thiếu niên với hy vọng truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ. Những ngày đầu thành lập, đội chiêng chỉ có 5 người tham gia. Để thu hút thêm thành viên, ngoài vận động các gia đình chở con đến nhà văn hóa làng để học đánh chiêng vào tối thứ bảy, chủ nhật hàng tuần thì sau mỗi đợt tập luyện, các em được tham gia biểu diễn, giao lưu ở một số nơi. “Dần dần, nhiều em mới 5-6 tuổi cũng đã tích cực tham gia. Đến nay, đội có 40 thành viên. Đây là nguồn động viên để tôi tiếp tục hướng dẫn, truyền dạy, giúp các em ngày càng tiến bộ, tiếp nối truyền thống văn hóa của dân tộc mình”-anh Đông bày tỏ.

Còn chị MLê (làng Wâu) thì chia sẻ: “Hiện nay, không chỉ có tôi mà nhiều chị em phụ nữ trong làng cũng biết dệt thổ cẩm. Chúng tôi dự kiến đầu năm 2023 sẽ thành lập tổ dệt thổ cẩm làng Wâu. Cùng với đó, một số chị em cũng có ý định là tận dụng những diện tích đất sẵn có để làm một dãy nhà sàn nhỏ phía trước trồng rau sạch, hoa, nuôi gà, ủ rượu cần phục vụ khách lưu trú”.

Trao đổi với P.V, Chủ tịch UBND xã Chư Á cho biết: Thời gian qua, xã đã đón một số đoàn khách đến tìm hiểu về đời sống, sinh hoạt cũng như các sản phẩm đặc trưng của người Bahnar, Jrai; đồng thời tham quan mô hình phát triển du lịch cộng đồng. Đây là bước khởi đầu quan trọng để xã tiếp tục hoàn thiện quy hoạch cũng như đầu tư thêm cơ sở hạ tầng, nhất là khu lưu trú cho khách, hệ thống điện chiếu sáng xung quanh khu vực nhà sinh hoạt cộng đồng. Cùng với việc mua tặng 2 làng Chuét Ngol và Wâu 4 bộ cồng chiêng, chúng tôi tiếp tục vận động người dân phục hồi các nghề truyền thống, nâng cao nhận thức cộng đồng trong phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời, kêu gọi một số doanh nghiệp du lịch cùng địa phương tham gia trao đổi kinh nghiệm và kỹ năng hỗ trợ người dân làm du lịch.

 

ĐINH YẾN